Sau những ấn phẩm phim ảnh và du lịch chứa hình ảnh bản đồ có “đường lưỡi bò” vi phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam, giờ đây xuất hiện một hình thức vi phạm mới, liên quan đến xe ôtô nhập khẩu từ Trung Quốc; trong đó có nhiều xe đã lăn bánh tại Việt Nam, chứ không chỉ là trưng bày.
Cho đến thời điểm này, đại diện nhà nhập khẩu chính thức Volkswagen và nhà phân phối tại Việt Nam vẫn chưa nhận được văn bản xử phạt mà Tổng cục Hải quan vừa ban hành chiều tối hôm qua, ngày 4/11. Mức xử phạt mà ban đầu Tổng cục Hải quan đề xuất còn có việc đình chỉ hoạt động của nhà nhập khẩu Volkswagen từ 6 – 9 tháng. Tuy nhiên, sau đó, mức phạt này đã được rút lại.
Dưới đây là toàn bộ diễn biến vụ việc liên quan đến các mẫu ôtô sử dụng bản đồ có “đường lưỡi bò” (“đường chín đoạn”) bị phát hiện vừa qua.
Bản đồ có hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam trên các mẫu Zotye (trái) và Volkswagen Touareg (phải).
Ngày 19/10/2019, sau khi bị người tiêu dùng phát hiện, nhà nhập khẩu và phân phối chính thức các thương hiệu ôtô Trung Quốc là Zotye và BAIC cho biết đã gửi thông báo mời khách hàng đưa xe đến đại lí để gỡ bỏ ứng dụng dẫn đường có hình ảnh “đường lưỡi bò”. Các tính năng này không sử dụng được tại Việt Nam nhưng vẫn có bản đồ với “đường chín đoạn”.
Ngày 23/10/2019, tại Triển lãm ôtô Việt Nam diễn ra ở Tp Hồ Chí Minh, một chiếc Volkswagen Touareg V6 3.0L đã được trưng bày, nhưng không bị phát hiện trang bị hệ thống dẫn đường dùng bản đồ có “đường lưỡi bò”. Đây là một trong hai chiếc xe được nhập khẩu phục vụ triển lãm. Xe được nhập khẩu bởi Công ty Ôtô Thế giới (World Auto) và bàn giao cho nhà phân phối Volkswagen tại Việt Nam – Công ty VW Việt Nam vào ngày 18/10/2019, theo hợp đồng đã kí kết trước đó (có thời hạn 5 năm kể từ năm 2016).
Ngày 27/10/2019, chiếc Touareg trên mới bị phát hiện sử dụng bản đồ có hình ảnh “đường lưỡi bò” và sau khi triển lãm kết thúc cùng ngày, xe đã được cất tại kho của VW Việt Nam.
Chiếc Volkswagen Touareg trưng bày tại Triển lãm ôtô Việt nam 2019.
Ngày 28/10/2019, Tổng Giám đốc của VW Việt Nam – ông Đỗ Nguyễn Vương viết thư ngỏ xin lỗi về sự cố này, đồng thời giải thích nguyên nhân là do “VW Việt Nam sơ suất không kiểm tra kỹ trước khi đem xe trưng bày tại triển lãm”.
Ngoài ra, đại diện VW cũng lí giải nguồn gốc của chiếc xe Volkswagen Touareg này. Theo đó, các xe này được tạm nhập từ Trung Quốc để trưng bày triển lãm và sau đó sẽ được tái xuất (hạn cuối là ngày 15/2/2020).
Ngày 29/10/2019, Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, ông Nguyễn Tô An – Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới gửi văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phải tự kiểm tra các ứng dụng dẫn đường và hình ảnh sử dụng trên các mẫu xe lắp ráp và nhập khẩu; trường hợp phát hiện phải gỡ bỏ. Tuy nhiên, văn bản của Cục Đăng kiểm mới chỉ đề cập đến các dòng xe mới. Hiện chưa rõ phương án xử lí đối với các xe đã hoàn thiện thủ tục và đang lưu thông trên đường.
Cũng trong ngày 29/10/2019, Ban Tổ chức Triển lãm Ôtô Việt Nam 2019 có thư ngỏ gửi các cơ quan báo chí, nói rằng “lấy làm tiếc vì để xảy ra sự việc”, nhưng cũng khẳng định BTC chỉ giám sát các thiết kế gian trưng bày và các vấn đề kỹ thuật liên quan an toàn, phòng chống cháy nổ, còn nguồn gốc xuất xứ xe và các vấn đề liên quan là do các hãng xe phải tự chịu trách nhiệm.
Và ngày 29/10/2019 cũng có cuộc họp đầu tiên của các bộ ngành liên quan như bộ Tài Chính bộ Công an, Tư pháp, Công Thương, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và môi trường, Giao thông vận tải… các ý kiến từ các bộ đưa ra rất khác biệt, dựa trên các bộ Luật liên quan. Cuộc họp đầu tiên này chưa thống nhất đưa ra hình thức xử phạt nào đối với sự việc của chiếc Volkswagen Touareg.
Ngày 30/10/2019, Công ty TNHH Ô tô Thế giới có công văn số WA12-TX/2019 đề nghị được tái xuất chiếc xe ô tô nêu trên, nhưng chưa được Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh giải quyết. Sau đó, Cục HQ TP. Hồ Chí Minh phát hiện mẫu xe này đã được nhà nhập khẩu thay đổi nguyên trạng hàng hoá tạm nhập tái xuất – tự ý can thiệp tắt chức năng định vị, gỡ bỏ bản đồ ứng dụng có “đường lưỡi bò”.
Chiều ngày 4/11/2019, cuộc họp thứ 2 do Tổng cục Hải quan đã chủ trì với đại diện các bộ Công an, Tư pháp, Công Thương, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và môi trường, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ và đưa ra hình thức xử phạt chính thức với nhà nhập khẩu, nhà phân phối chính thức Volkswagen tại Việt Nam.
Vào cuối ngày, mức xử phạt cuối cùng được công bố là: Tịch thu xe, phạt tiền các hành vi nhập khẩu, trưng bày xe sử dụng bản đồ có “đường lưỡi bò”, hành vi tự ý thay đổi nguyên trạng hàng hoá tạm nhập tái xuất.
Văn bản xử phạt này đã rút lại quyết định tạm đình chỉ hoạt động của nhà nhập khẩu từ 6 – 9 tháng nêu trong văn bản đầu tiên.
Tổng cục Hải quan cho biết mẫu Volkswagen Touareg bị tịch thu sẽ được xung công quỹ để xử lí chứ không tiêu huỷ.
Sau cuộc họp này, Tổng cục Hải quan cũng sẽ trình Chính phủ đề xuất giao Bộ GTVT khi kiểm tra nhà nước về chất lượng xe ô tô phải kiểm tra thiết bị định vị vệ tinh (GPS). Tuy nhiên, đó là đối với các loại xe nhập khẩu mới từ Trung Quốc, trong khi theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ tính riêng trong năm 2019 này, số lượng ôtô nhập khẩu từ Trung Quốc đã vượt qua con số 4.000 xe (trong đó có cả xe tải) và trên thực tế đã có những mẫu xe du lịch của Zotye và BAIC đã nhập khẩu và lăn bánh tại Việt Nam sử dụng những hình ảnh “đường lưỡi bò” mà chưa có biện pháp xử lí nào được đề cập tới.
Ngoài ra, phần lớn hệ thống dẫn đường có định vị được bán trên thị trường như một dạng phụ kiện lắp ngoài cho cả ô tô và xe máy điện đều có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng không một cơ quan nào có thể khẳng định chắn chắn rằng các hệ thống dữ liệu này không sử dụng bản đồ có “đường chín đoạn”.