Tại kỳ họp thứ 8 lần này, Quốc hội sẽ dành một buổi chiều chất vấn Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dành một buổi để trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Căn cứ kết quả lấy ý kiến đại biểu, Quốc hội đã chọn 4 Bộ trưởng trả lời chất vấn kỳ họp này, gồm: Bộ Nội vụ; Bộ Công thương; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Bộ Thông tin và truyền thông.
Theo chương trình phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn chi tiết, sáng 6/11, người đầu tiên đăng đàn là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.
Lần lượt sau đó là Bộ trưởng các Bộ: Công thương, Nội vụ, Thông tin và truyền thông. Bốn Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội trong thời gian 2,5 ngày.
Sau khi 4 Bộ trưởng trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ.
Dự kiến, thời gian Quốc hội chất vấn người đứng đầu Chính phủ từ 14h đến 16h45 chiều 8/11. Đây là sự đổi mới của kỳ họp này, bởi ở những kỳ họp cuối năm khác, thì thời gian để Thủ tướng trả lời chất vấn chỉ khoảng vài chục phút, tính cả phần trình bày văn bản chuẩn bị sẵn cũng chỉ trên dưới 1 giờ.
Gần đây nhất, tại kỳ họp cuối năm 2018 của Quốc hội, Thủ tướng không trả lời chất vấn trực tiếp do chương trình hoạt động đối ngoại.
Khác với các vị bộ trưởng, trưởng ngành, phiên chất vấn người đứng đầu Chính phủ không bị giới hạn bởi nhóm vấn đề. Tuy nhiên, Thủ tướng thường không có đủ thời gian trả lời hết các chất vấn của đại biểu, ông chỉ trả lời được số ít, còn lại sẽ trả lời bằng văn bản và đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, tại kỳ họp Quốc hội lần này, hoạt động chất vấn sẽ được tổ chức theo cách thức lấy nhóm vấn đề làm trọng tâm, vấn đề thuộc trách nhiệm của cá nhân nào thì người đó có trách nhiệm trả lời. Người bị chất vấn là Bộ trưởng, Trưởng ngành của nhóm vấn đề được chọn chất vấn, các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác sẽ tham gia “chia lửa” cùng người được chất vấn với các vấn đề có liên quan.
Người bị chất vấn không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn (không quá 5 phút) trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn. Mỗi lượt có 03 – 05 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 01 phút; người bị chất vấn trả lời không quá 03 phút/01 nội dung chất vấn.
Trong quá trình chất vấn, đại biểu Quốc hội có quyền tranh luận đối với các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành để làm rõ những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng; thời gian tranh luận không quá 02 phút, thông tin tranh luận phải chính xác, đúng phạm vi chất vấn; không lạm dụng đăng ký tranh luận để đặt câu hỏi chất vấn; khi cần thiết, giữa các đại biểu có thể trao đổi lại với nhau nhưng cần cụ thể, đúng trọng tâm vấn đề chất vấn.