Saturday, November 23, 2024

Nói không với vu khống, trục lợi trên mạng xã hội: Tự vệ trước các ‘ác ngôn’

Các chuyên gia về luật chia sẻ các bước để nạn nhân có thể yêu cầu cơ quan chức năng xử lý những kẻ vu khống, trục lợi trên mạng xã hội về hành chính, khiếu kiện lẫn đề nghị xử lý hình sự.

Nói không với vu khống, trục lợi trên mạng xã hội: Tự vệ trước các 'ác ngôn'

Minh họa: DAD

Bạn đọc (BĐ) Phạm Minh Hoàng đã gửi email cho Báo Thanh Niên, kêu cứu về việc một số thành viên trong gia đình bị đưa hình ảnh, thông tin không đúng sự thật lên mạng xã hội. Cụ thể, gia đình anh có một người em nợ tiền nhiều người và gia đình đã không liên lạc được trong nhiều tuần. Trong thời gian đó, trên mạng xã hội Facebook đăng tải hình ảnh cả gia đình anh, trong đó có hình ảnh 2 người em gái của anh là giáo viên ở miền Tây kèm theo dòng chữ tục tĩu.

Lập vi bằng, thu thập chứng cứ

Khi mạng xã hội phát triển, trường hợp tương tự như của BĐ Phạm Minh Hoàng không phải là hy hữu. Trước đây, TAND TP.HCM và các tòa án quận, huyện tại TP.HCM đã đưa nhiều vụ án ra xét xử về yêu cầu bồi thường thiệt hại, công khai xin lỗi do cá nhân, tổ chức bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, bị vu khống trên mạng xã hội.

Luật sư (LS) Trần Mạnh Hùng (Đoàn LS TP.Hà Nội) chia sẻ, người bị xúc phạm, vu khống cần thu thập bằng chứng thông qua việc yêu cầu văn phòng thừa phát lại lập vi bằng những status, hình ảnh hoặc bình luận có nội dung được cho rằng sai sự thật, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của mình. “Việc lập vi bằng cần phải thực hiện ngay sau khi phát hiện có hành vi xâm phạm, vì nếu để lâu, những thông tin đó có thể bị gỡ bỏ, xóa dấu vết”, LS Hùng khuyến cáo.

LS Hùng cho hay theo Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại, vi bằng là văn bản do các văn phòng Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi và được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.

Thực tế, trong hầu hết các vụ kiện được tòa án thụ lý, chứng cứ để chứng minh cá nhân, tổ chức vi phạm chính là vi bằng ghi nhận lại hành vi vi phạm.

Đề nghị công an vào cuộc điều tra

Theo các chuyên gia pháp lý, sau khi lập vi bằng, bước tiếp theo là cá nhân, tổ chức bị vu khống cần làm đơn tố giác tội phạm về hành vi “vu khống” theo điều 156 bộ luật Hình sự hoặc hành vi “làm nhục người khác” theo điều 155 bộ luật Hình sự.

LS Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM) cho biết không ít trường hợp những kẻ vu khống không dùng trang cá nhân, hay danh tính thật, mà lập một Facebook “ảo” để nói xấu, bôi nhọ người khác. Vì vậy người bị bôi nhọ, vu khống phải làm đơn tố giác tội phạm lên công an địa phương hoặc công an cấp trên quản lý trực tiếp để xác minh hành vi vi phạm, tìm ra cá nhân, tổ chức thật đã vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật. Sau khi xác minh cá nhân, tổ chức vi phạm và bằng chứng cứ (vi bằng được lập), nếu xác định hành vi vu khống, làm nhục người khác nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác thì cơ quan CSĐT sẽ khởi tố vụ án.

Thế nào là xúc phạm nghiêm trọng, đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm?

Về vấn đề này, theo LS Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), việc đánh giá hành vi xúc phạm có ở mức độ nghiêm trọng hay không phải căn cứ vào thái độ, nhận thức của người phạm tội; cường độ và thời gian kéo dài của hành vi xúc phạm; vị trí, vai trò, uy tín của người bị hại trong gia đình, tổ chức hoặc trong xã hội; dư luận xã hội về hành vi xúc phạm đó… Trường hợp chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, dựa vào vi bằng được lập, việc xác minh cụ thể cá nhân, tổ chức vi phạm, Cơ quan CSĐT có thể xử phạt hành chính người vi phạm từ 10 – 20 triệu đồng theo Nghị định 167/2013 của Chính phủ; còn cá nhân người bị xúc phạm tiếp tục khởi kiện dân sự yêu cầu được bồi thường thiệt hại, xin lỗi công khai.

Thanh niên

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG