Trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn đổi mới đất nước, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Quan điểm đó của Đảng là hoàn toàn đúng, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Thế nhưng, vẫn có ý kiến trái chiều, phủ nhận vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế này.
Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết 12-NQ/TW về “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước” nhằm tổng kết, đánh giá việc sắp xếp, cơ cấu, đổi mới và đề ra các chủ trương, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Nội hàm của Nghị quyết đã thể hiện rõ đường lối phát triển kinh tế của Đảng ta là đúng đắn, khoa học, phù hợp với thực tiễn của thời kỳ quá độ ở Việt Nam và là một đảm bảo quan trọng để thành phần kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo đối với nền kinh tế quốc dân.
Sau khi Nghị quyết ban hành, trên một số trang mạng xã hội, blog cá nhân xuất hiện những ý kiến trái ngược với quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế nhiều thành phần. Họ cho rằng, với quan niệm là vai trò chủ đạo thì kinh tế nhà nước sẽ “lãnh đạo” các thành phần kinh tế khác! Việc Đảng Cộng sản Việt Nam “xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là Việt Nam đã phải trả giá đắt, trong lĩnh vực kinh tế thì thành phần nhà nước là thành phần duy nhất xảy ra tham nhũng, như vậy Việt Nam là nước không chịu phát triển”, v.v. Một số người chỉ dựa vào những yếu kém, hạn chế của tập đoàn, tổng công ty nhà nước để phủ nhận vai trò của doanh nghiệp nhà nước, kinh tế nhà nước, tuyệt đối hóa kinh tế tư nhân. Từ đó, họ đòi tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước hoặc “khuyên” Đảng ta nên bỏ cụm từ “vai trò chủ đạo” đối với thành phần kinh tế này, v.v. Tất cả quan niệm đó, đều là cách nhìn phiến diện, một chiều, đánh đồng hiện tượng với bản chất, “thấy cây mà không thấy rừng”, chỉ thấy mặt tiêu cực mà không thấy hết vai trò to lớn của kinh tế nhà nước.
Khi đưa ra đường lối đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tồn tại nhiều thành phần kinh tế, Đảng ta xác định các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh; trong đó, kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo chứ không “lãnh đạo” đối với các thành phần kinh tế khác như một số luận điệu vẫn rêu rao. Đồng thời, chỉ rõ: kinh tế nhà nước “là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển”. Nói đến vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế là nói đến tầm quan trọng và tính chất quyết định của nó đối với đường hướng phát triển của một chế độ xã hội; nắm giữ những vị trí then chốt, yết hầu, xương sống của nền kinh tế và là lực lượng có khả năng can thiệp, điều tiết, hướng dẫn, giúp đỡ, liên kết, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác cùng phát triển. Ngoài ra, kinh tế nhà nước còn đảm nhận các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có tính chiến lược đối với sự phát triển kinh tế – xã hội đòi hỏi vốn đầu tư lớn, ở những vùng chiến lược, khó khăn vượt quá khả năng của các thành phần kinh tế khác và tham gia vào những lĩnh vực khoa học, công nghệ mũi nhọn, có hệ số rủi ro cao, v.v.
Việc Đảng ta xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân được thực hiện trên cơ sở lý luận và thực tiễn khoa học, chứ không hề mang tính chủ quan, áp đặt, duy ý chí.
Về mặt lý luận, kinh tế nhà nước dựa trên chế độ công hữu (sở hữu Nhà nước) về tư liệu sản xuất; là chế độ sở hữu phù hợp với xu hướng xã hội hóa của lực lượng sản xuất. Mỗi chế độ xã hội bao giờ cũng có thành phần kinh tế chủ đạo. Trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, thành phần kinh tế tư bản tư nhân dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất là chủ yếu, nền tảng; kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước được xây dựng trên cơ sở sở hữu nhà nước tư bản độc quyền có vai trò to lớn. Ở Việt Nam, nền kinh tế nhiều thành phần, nhiều hình thức sở hữu đang được xây dựng và phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; trong đó, sở hữu nhà nước và thành phần kinh tế nhà nước là đặc trưng, giữ vai trò chủ đạo và là một trong các yếu tố quan trọng đảm bảo cho nền kinh tế thị trường phù hợp với quy luật khách quan của thời kỳ quá độ ở nước ta. Nó được ví như “hòn đá thử vàng” để xem xét sự đúng hướng hay chệch hướng xã hội chủ nghĩa trong tiến trình phát triển kinh tế. Nếu không có thành phần kinh tế nhà nước thì không thể nói tới chủ nghĩa xã hội; thành phần kinh tế nhà nước không thực hiện tốt vai trò chủ đạo của thì cũng không thể nói tới định hướng xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Về mặt thực tiễn, từ khi được xác định là vai trò chủ đạo của nền kinh tế quốc dân, kinh tế nhà nước ngày càng khẳng định vị thế của mình trong các thành phần kinh tế. Do bản chất và mục đích hoạt động, nên thành phần kinh tế nhà nước có vai trò chính trị – xã hội to lớn. Các doanh nghiệp trong thành phần kinh tế nhà nước luôn là “người lính đi đầu” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đóng vai trò quan trọng trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, như: viễn thông, than, điện, xăng dầu, khai khoáng, tài chính, ngân hàng và các dịch vụ công thiết yếu đảm bảo nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước và xuất khẩu. So với tổng nguồn vốn của các doanh nghiệp tương ứng, khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm 79% trong lĩnh vực khai khoáng; 91% trong lĩnh vực sản xuất, phân phối điện; 65% trong lĩnh vực cung cấp nước, xử lý rác thải; 80% trong lĩnh vực thông tin, truyền thông; 57% trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. So với tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong các ngành tương ứng, khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm 86% trong lĩnh vực khai khoáng; 96,8% trong lĩnh vực sản xuất, phân phối điện; 72,94% trong lĩnh vực cung cấp nước, xử lý rác thải; 82% trong lĩnh vực thông tin, truyền thông; 48% trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm1. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước năm 2015 là 3.043.687 tỷ đồng, tương đương 72,5% GDP; trong đó, các tập đoàn kinh tế tổng công ty nhà nước, công ty mẹ – con có tổng tài sản là 2.821.006 tỷ đồng, chiếm 93% tổng tài sản của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Tỷ trọng thu doanh nghiệp nhà nước trong tổng thu ngân sách quốc gia đạt 19,3% (giai đoạn 2006-2010) và 22% (giai đoạn 2011-2015), lớn nhất so với các thành phần kinh tế khác.
Các doanh nghiệp nhà nước là công cụ quan trọng để thực hiện hiệu quả các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát, đóng góp tích cực trong xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và là nguồn thu lớn của ngân sách Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp nhà nước trực tiếp tham gia phủ xanh đất trống, đồi trọc, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, biển đảo; tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; mở rộng phạm vi hoạt động, đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế – xã hội. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo; tích cực tham gia đầu tư các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi ở nông thôn, trường học, trạm y tế xã, xây dựng nhà cho người nghèo, phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng, tôn tạo, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân. Đồng thời, đảm nhận sản xuất, kinh doanh những hàng hóa công cộng thiết yếu; những ngành ở địa bàn khó khăn, có ý nghĩa chính trị – xã hội to lớn, góp phần bảo đảm cân bằng về đầu tư phát triển vùng, miền, v.v. Hiện nay, việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đang được đẩy mạnh, số lượng được thu gọn hơn, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt; cơ chế hoạt động đã có bước đổi mới theo hướng tự chủ kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch, nâng cao tính hiệu quả và năng lực cạnh tranh trong cơ chế thị trường.
Như vậy, có thể khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là đúng đắn, cần thiết. Tuy vẫn còn những hạn chế, yếu kém, song đó là những yếu kém trong khâu tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh, năng lực điều hành của một số nhà quản trị, lãnh đạo doanh nghiệp, chứ không phải là sai lầm về quan điểm, chủ trương khi Đảng ta xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Hơn nữa, nhìn chung toàn bộ nền kinh tế, trong đó có kinh tế nhà nước dựa trên lực lượng sản xuất chưa phát triển, cùng với nền kinh tế thị trường còn mới mẻ và hội nhập quốc tế, chúng ta vừa học hỏi, tìm tòi, vừa rút kinh nghiệm trong chỉ đạo thực tiễn thì những hạn chế đó là khó tránh khỏi. Suy cho cùng, kinh tế nhà nước vẫn là thành phần kinh tế mang ý nghĩa chính trị – xã hội to lớn mà không phải thành phần kinh tế nào cũng làm được và là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết, thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Cần nhận thức rõ rằng, việc Đảng ta khẳng định thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo không có nghĩa là phân biệt, đối xử hay hạn chế vai trò và sự phát triển các thành phần kinh tế khác, mà các thành phần kinh tế đều có mối quan hệ biện chứng với nhau, đan xen, liên kết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, thành phần kinh tế này làm tiền đề cho thành phần kinh tế kia phát triển. Để kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, thì trước hết cần tập trung xây dựng các doanh nghiệp nhà nước vững mạnh, hoạt động hiệu quả. Bởi, doanh nghiệp nhà nước là bộ phận cấu thành kinh tế nhà nước, là công cụ quan trọng để thông qua đó Nhà nước can thiệp vào nền kinh tế khi cần thiết, chi phối, dẫn dắt và tạo môi trường hoạt động cho các thành phần kinh tế khác. Cùng với đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp, doanh nhân vững mạnh cả về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh, năng lực quản lý, điều hành và nắm bắt thị trường, tinh thần, trách nhiệm, ý thức xã hội cao; xây dựng văn hóa, văn minh doanh nghiệp hướng tới cái thiện, vì con người, vì cộng đồng, tạo môi trường thuận lợi để các nhà quản lý, đội ngũ doanh nhân và người lao động có điều kiện khẳng định mình và phát huy vai trò, tiềm năng, trí tuệ trong hoạt động thực tiễn.
Việc Đảng ta khẳng định thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là quan điểm, định hướng chính trị hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, quy luật phát triển của thời kỳ quá độ và đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn. Một số người đang cố tình hạ thấp vai trò của kinh tế nhà nước, cổ súy, đề cao, đòi tư nhân hóa nền kinh tế nhằm thực hiện mưu đồ hướng lái sự phát triển của cách mạng Việt Nam theo con đường tư bản chủ nghĩa. Mục đích thật của họ không mấy khó hiểu, thậm chí rất rõ ràng: Thâm độc, xảo quyệt. Bởi, cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng, khi tư nhân hóa nền kinh tế thì tất yếu đất nước sẽ chệch hướng xã hội chủ nghĩa – con đường phát triển mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta dứt khoát lựa chọn. Hãy cảnh giác và kiên quyết đấu tranh làm thất bại mưu đồ nguy hiểm đó!./.