Saturday, April 27, 2024

Đồng Nhân dân tệ hạ giá – ‘cứu cánh’ của nhà xuất khẩu Trung Quốc?

Các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang kỳ vọng, sự hạ giá liên tục của đồng Nhân dân tệ sẽ “cứu” họ khỏi đợt thuế quan mới mà Chính quyền Tổng thống Trump sắp áp dụng với hàng hóa xuất khẩu từ Bắc Kinh.   

Đồng Nhân dân tệ hạ giá - 'cứu cánh' của nhà xuất khẩu Trung Quốc?

Các nhà xuất khẩu ở Quảng Đông đang hy vọng rằng, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc hạ giá sẽ giúp họ đối phó với mức thuế cao hơn. (Nguồn: Bloomberg)

Đồng Nhân dân tệ (NDT) đã rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 11 năm trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung ngày một nóng hơn. Sáng 27/8, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) tiếp tục giảm giá đồng NDT xuống mức thấp chưa từng có, ở ngưỡng 7,0810 NDT đổi 1 USD.

Động thái này được xem là “nhắm” vào điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump lo ngại nhất. Tuy nhiên, động thái này lại giống như một “tia sáng” để nhà xuất khẩu Trung Quốc “đối phó” với thuế quan mới từ Chính quyền Tổng thống Trump.

Mức thuế quan mới dự kiến sẽ áp lên hàng hóa Trung Quốc từ ông chủ Nhà Trắng cụ thể như: thuế quan 25% hiện đang áp lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng lên 30% kể từ ngày 1/10. Cùng với đó, mức thuế quan 10% mà ông dự kiến áp lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ được nâng lên mức 15%.

Theo giới quan sát, việc Mỹ áp thuế quan đối với một khối lượng lớn hàng hóa Trung Quốc khiến hàng hóa xuất khẩu từ nước này sang Mỹ bị tăng giá, ít hấp dẫn người tiêu dùng Mỹ. Đồng NDT hạ giá đồng nghĩa với việc những hàng hóa đó có thể được bán với giá thấp hơn, giúp hạn chế phần nào các tác động từ thuế quan.

Nhiều nhà xuất khẩu truyền thống ở khu vực Đồng bằng Châu Giang và Đồng bằng Trường Giang – trung tâm sản xuất của Trung Quốc cho rằng, việc Mỹ tăng thuế quan lên tới 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ “vượt quá giới hạn những gì doanh nghiệp nước này có thể chi trả”. Bên cạnh đó, nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc cũng lo ngại, đợt thuế quan “ăn miếng trả miếng” mới nhất giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ khiến họ mất thị trường Mỹ – một thị trường lớn mà họ đã hợp tác trong nhiều thập kỷ.

Một nhà xuất khẩu trái cây đóng hộp của Trung Quốc cho biết, ngay sau tuyên bố thuế quan mới của Tổng thống Trump, nhiều khách hàng Mỹ đã đặt mua một khối lượng lớn sản phẩm của doanh nghiệp này. Nhưng 300 container hàng hóa, trị giá khoảng 5 triệu USD, vẫn chưa được chuyển đi và khách hàng Mỹ đã yêu cầu nhà xuất khẩu Trung Quốc chịu mức thuế bổ sung 5% với đơn hàng này.

“Chúng tôi hy vọng rằng, đồng NDT sẽ tiếp tục hạ giá để bù đắp cho mức thuế quan bổ sung. Nếu không, chúng tôi sẽ mất rất nhiều tiền cho đơn hàng này. Nếu đồng NDT không hạ giá thêm, doanh nghiệp sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ngừng xuất khẩu sang Mỹ sau ngày 1/10”, nhà xuất khẩu trái cây đóng hộp Trung Quốc nhấn mạnh.

Ngày càng có nhiều nhà sản xuất hàng hóa, xuất khẩu từ ghế sofa đến đèn LED công nghệ cao đã chấp nhận vòng thuế quan “ăn miếng trả miếng” mới nhất bởi họ cho rằng, mức thuế này khó có thể thay đổi. Sự leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung cũng khiến các nhà xuất khẩu Trung Quốc tính đến phương án tìm kiếm thị trường khác ngoài Mỹ để kinh doanh.

Song, việc tìm kiếm thị trường mới không phải điều dễ dàng đối với một số nhà nhập khẩu Trung Quốc. Xie Jun, một nhà xuất khẩu đồ nội thất thuộc tỉnh Chiết Giang cho biết, vẫn không thể tìm thấy thị trường thay thế cho các sản phẩm nội thất. “Một số lượng lớn các nhà xuất khẩu đồ nội thất Trung Quốc đang tìm hiểu về thị trường Ấn Độ nhưng Mỹ vẫn là thị trường ưu tiên cho đồ nội thất của chúng tôi. Vòng thuế quan mới lên tới 30% hàng hóa nhập khẩu là giới hạn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc. Nếu người mua Mỹ không chấp nhận trả tiền cho đợt tăng thuế, chúng tôi buộc phải từ bỏ thị trường Mỹ”, ông Xie Jun nói.

Jason Liang, Giám đốc kinh doanh của một nhà xuất khẩu đèn LED có trụ sở tại Quảng Châu cho rằng, đối với các nhà xuất khẩu Trung Quốc, sợ hãi là vô ích bởi sẽ không có lựa chọn nào ngoài việc dựa vào các biện pháp đối phó với thuế quan.

(theo SCMP)

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG