Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh việc nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Luật biển 1982.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) đã khai mạc sáng 31-7 tại Bangkok, Thái Lan. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao thảo luận nhiều nội dung về tình hình xây dựng Cộng đồng, quan hệ đối ngoại, và rà soát việc chuẩn bị cho các Hội nghị Cấp cao cuối năm, cũng như trao đổi ý kiến về những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu đích danh nhóm tàu Hải Dương 8 vi phạm chủ quyền Việt Nam trên biển
Các Bộ trưởng khẳng định quyết tâm thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, tiếp tục triển khai các định hướng, sáng kiến xây dựng ASEAN tự cường, sáng tạo và phát triển bền vững mọi mặt trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều chuyển biến nhanh chóng.
Các Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh tầm quan trọng của đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong quan hệ với bên ngoài.
Các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác duy trì và thúc đẩy hoà bình, ổn định và an ninh khu vực, xử lý hữu hiệu các thách thức đang nổi lên. Theo đó, ASEAN sẽ tích cực triển khai Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN 2025, ưu tiên hợp tác ứng phó với những thách thức phi truyền thống, tăng cường hợp tác quốc phòng-an ninh và hợp tác biển, tích cực quảng bá các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử của ASEAN … Nhân dịp này, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ký văn kiện mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) cho Peru đã tham gia Hiệp ước, nâng tổng số thành 38 bên tham gia Hiệp ước.
ASEAN hoan nghênh những tiến triển tích cực trên Bán đảo Triều Tiên, trong đó có các Thượng đỉnh liên Triều và Thượng đỉnh Mỹ-Triều, coi đây là đóng góp cho mục tiêu lâu dài về một Bán đảo Triều Tiên hoà bình, ổn định và không có vũ khí hạt nhân.
Các Bộ trưởng đã thảo luận sâu rộng về tình hình Biển Đông, ghi nhận quan ngại về các hoạt động tôn tạo bồi đắp, đặc biệt là những sự cố nghiêm trọng đang diễn ra trên Biển Đông, đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và gây phương hại tới hoà bình, an ninh và ổn định khu vực. Theo đó, ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 (Công ước Luật biển 1982), kêu gọi các bên kiềm chế, không quân sự hoá và tránh có các hành động làm phức tạp tình hình; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982. Các nước ASEAN cam kết duy trì tiếp tục nỗ lực thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (thứ 5 từ phải qua) cùng các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao kết quả 4 năm triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Phó Thủ tướng đề nghị ASEAN tiếp tục đề cao đoàn kết, gắn kết, tăng cường hợp tác nội khối, giữ vững vai trò trung tâm trong quan hệ đối ngoại, qua đó ứng phó hiệu quả với những chuyển dịch nhanh chóng trong cục diện chiến lược khu vực và thế giới. Phó Thủ tướng đề xuất ASEAN tiến hành kiểm điểm giữa kỳ các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng, gia tăng thương mại và đầu tư nội khối, thúc đẩy hợp tác xã hội, bảo vệ môi trường, đồng thời tiếp tục cải tiến phương thức làm việc thông qua tận dụng và vận hành hiệu quả trụ sở mới của Ban Thư ký ASEAN.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hoá, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép. Phó Thủ tướng nhấn mạnh những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Luật biển 1982. Nghiêm trọng hơn, đây là diễn biến tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hoá các cấu trúc tranh chấp trên biển. Các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hài và hàng không ở Biển Đông, vi phạm DOC và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC.
Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị ASEAN giữ vững đoàn kết và tiếng nói chung, tái khẳng định các nguyên tắc và cam kết đối với hoà bình và ổn định, lên tiếng kêu gọi kiềm chế, không có các hành động đơn phương làm phương hại tiến trình đối thoại và hợp tác khu vực, cản trở hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven biển; và nỗ lực xây dựng một COC hiệu lực, thực chất.
Khánh Thi