AP đưa tin ngày 13/7, hàng nghìn người tại Đặc khu hành chính Hong Kong đã xuống đường tuần hành phản đối các thương nhân tới từ Trung Quốc Đại lục, nhanh chóng biến đây trở thành một mùa Hè bất ổn tại vùng lãnh thổ bán tự trị của Trung Quốc.
Người biểu tình Hong Kong phản đối các thương nhân từ Trung Quốc
Đám đông biểu tình đi qua các nhà thuốc và cửa hàng mỹ phẩm đang tạm thời đóng cửa, vốn là những địa điểm quen thuộc với du khách và thương nhân Trung Quốc, những người gom hàng hóa mang về bán tại Đại lục.
Các cuộc biểu tình lớn nổ ra trong tháng qua nhằm phản đối một đề xuất thay đổi Luật Dẫn độ một lần nữa đánh thức các phong trào khác tại Hong Kong. Các cuộc biểu tình đều có chung một thông điệp: Chính quyền Hong Kong không giải quyết những lo ngại của công dân.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã cam kết sẽ lắng nghe người dân, song nhiều người biểu tình kêu gọi bà từ chức.
Trước đó, các thủ lĩnh biểu tình ở Đặc khu Hành chính Hong Kong phản đối chính quyền của Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết sẽ tiếp tục biểu tình cho dù bà Lâm đã tuyên bố nỗ lực sửa đổi dự luật dẫn độ gây tranh cãi dữ dội đã “chết”.
Người biểu tình vẫn kiên trì đòi phải chính thức hủy bỏ dự luật dẫn độ và phải mở một cuộc điều tra công khai về những chiến thuật mạnh tay mà cảnh sát đã sử dụng chống lại người biểu tình.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời đại diện của Trung Quốc tại Hong Kong ngày 11/7 cho biết chính quyền trung ương tại Bắc Kinh tiếp tục ủng hộ Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, người đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất tại thành phố này kể từ khi Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997.
Hàng triệu người đã đổ xuống các tuyến phố ở Hong Kong trong tháng qua, tổ chức một số cuộc biểu tình lớn nhất và bạo lực nhất trong nhiều thập kỷ qua chống lại dự luật dẫn độ cho phép chuyển người dân sang Trung Quốc đại lục để xét xử.
Theo các chuyên gia, các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ cho thấy người dân lo sợ Hong Kong đang mất đi các quyền tự do đã được bảo đảm khi cựu thuộc địa của Anh được trao trả lại cho Trung Quốc đại lục vào năm 1997. Nếu dự luật được hiện thực hóa, các nhà phê bình lo ngại các nghi phạm sẽ đối mặt với các phiên xét xử không công bằng và chính trị hóa.
Trí Đức (Lược dịch)