Thursday, October 31, 2024

Bộ trưởng Công Thương: “Vụ việc Khaisilk làm tổn thương lòng tự tôn dân tộc”

Người đứng đầu ngành công thương khẳng định, vụ việc Khaisilk là hành vi vi phạm pháp luật và cũng là làm tổn hại đến lòng tin, lợi ích của người tiêu dùng và cũng là tổn hại trực tiếp đến giá trị thương hiệu Việt.

Bộ trưởng Công Thương: “Vụ việc Khaisilk làm tổn thương lòng tự tôn dân tộc”

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh (Ảnh: Việt Hưng)

Trả lời bên lề hành lang Quốc hội sáng nay (27/10), liên quan tới vụ việc của Tập đoàn Khaisilk, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Thông qua sự việc của Khaisilk, chúng ta chưa kết luận cụ thể xem mức độ vi phạm đến đâu, những nội dung gì và ở mức độ nào nên chưa thể nói ngay là sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những giá trị thương hiệu của sản phẩm cũng như thương hiệu Việt”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Công Thương khẳng định, sơ bộ nhận thấy, như báo chí phản ánh doanh nghiệp có hành vi lừa dối người tiêu dùng khi sử dụng hàng hóa có xuất xứ không đúng với thông tin về sản phẩm, thương hiệu sản phẩm.

“Đó là hành vi vi phạm pháp luật và cũng là làm tổn hại đến lòng tin, lợi ích của người tiêu dùng và cũng là tổn hại trực tiếp đến giá trị thương hiệu Việt. Nhưng quan trọng hơn nó làm tổn thương đến tình cảm, lòng tự tôn dân tộc của người Việt Nam chúng ta”, ông nói.

Trả lời về quan điểm của Bộ trưởng đối với vụ việc của Khaisilk, người đứng đầu ngành công thương khẳng định, đối với các hoạt động của doanh nghiệp, Chính phủ và doanh nghiệp luôn luôn tạo điều kiện tốt nhất trong việc phát triển thị trường, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các hoạt động đó phải đáp ứng, tuân thủ pháp luật, đặc biệt các nội dung liên quan đến pháp luật bảo vệ lợi ích, quyền lợi người tiêu dùng.

“Đó là nguyên tắc cơ bản mà các doanh nghiệp đều phải thực hiện. Những hoạt động của doanh nghiệp ngoài yêu cầu của luật pháp thì phải dựa trên nền tảng đạo đức, văn hóa, nhất là văn hóa doanh nghiệp, người tiêu dùng. Qua hành vi vừa rồi mà báo chí phản ánh và hoạt động về kinh tế, thương mại của doanh nghiệp Khaisilk thì có những dấu hiệu cho thấy sự vi phạm cả luật pháp cũng như là nền tảng đạo đức doanh nghiệp”, ông nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng nói thêm rằng: “Tất nhiên, đạo đức doanh nghiệp là khái niệm có tính phạm trù không cụ thể hoặc có thể thiếu những nền tảng cụ thể hơn nhưng có những nền tảng rất cơ bản là sự tôn trọng lợi ích người tiêu dùng, trung thực trong hoạt động kinh doanh, sản xuất. Vì vậy, các cơ quan quản lý, chức năng của Cục quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh và của Hà Nội đang tiến hành xác minh, làm rõ đối với các hoạt động vi phạm của doanh nghiệp”.

“Chắc chắn, các cơ quan chức năng sẽ có những báo cáo sớm, kiến nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật trên cơ sở bảo đảm bảo hiệu lực pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta liên quan đến hoạt động doanh nghiệp, của người tiêu dùng, đạo đức. Ngoài những điều chỉnh chế tài pháp luật thì ý thức về giá trị đạo đức, văn hóa của doanh nghiệp cũng rất quan trọng, các doanh nghiệp phải nhận thức, hiểu rõ điều đó là mang tính sống còn với hoạt động của doanh nghiệp”, ông nói thêm.

Trả lời câu hỏi có chuyển cơ quan điều tra vụ việc hay không, ông Tuấn Anh cho biết: “Chúng tôi đang tiếp tục làm, xác minh, làm rõ, trên cơ sở đó đánh giá vi phạm đến đâu, ảnh hưởng như thế nào và đặc biệt có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì mới có thể có cách xử lý phù hợp”.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, để xảy ra tình trạng này, cơ quan quản lý Nhà nước như quản lý thị trường cũng có trách nhiệm. Ở đây nói rộng ra còn thấy, một thực trạng đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập là ý thức, hiểu biết pháp luật và cả luật pháp Quốc tế liên quan đến bảo hộ quyền tác giả, sở hữu trí tuệ và cả vấn đề cụ thể hơn liên quan đến xuất xứ hàng hóa còn rất yếu, thậm chí trong chừng mực hành vi tiêu dùng còn có tính cách nương nhẹ, không dựa trên nền tảng của sự tôn trọng luật pháp quốc tế đó.

“Đây là yêu cầu đặt ra của Việt Nam trong quá trình hội nhập khi các cam kết hội nhập quốc tế, hàng loạt hiệp định thương mại tự do, điều ước quốc tế chúng ta tham gia đều hàm chứa điều này và đòi hỏi trước tiên những cải cách thể chế để đáp ứng điều đó. Thứ hai là những biện pháp, giải pháp tăng cường nhận thức chung của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước về điều này”, ông nói thêm.

Trước đó, trao đổi với báo chí, trước thông tin lùm xùm về nghi án Tập đoàn Khaisilk, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, ông mới chỉ đọc qua thông tin về Khaisilk ở trên các trang mạng chứ chưa nghe kết luận cụ thể. Tuy nhiên, nếu có kết luận cụ thể về việc doanh nghiệp này làm ăn gian dối, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Khaisilk này đã tự làm mất thương hiệu và uy tín của mình.

Ông Nguyễn Hồng Thanh cũng bày tỏ sự bất bình trước việc các doanh nghiệp Việt Nam tự làm mất uy tín của chính mình, không những gây ảnh hưởng cho chính họ mà còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

“Vụ việc mặt hàng hải sản của Việt Nam vừa rồi bị EU rút thẻ vàng là một ví dụ. Một số doanh nghiệp, cá nhân họ làm sai mà không nghĩ gì đến cộng đồng gì cả. Chúng ta không thể ủng hộ những chuyện như thế vì nó làm ảnh hưởng đến bao nhiêu doanh nghiệp và người lao động.”

Phương Dung

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG