Friday, November 22, 2024

Cần có một khuôn khổ pháp lý ổn định để xử lý nợ xấu

Ngày 26-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, tại phiên họp tháng 9 năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, sau đó đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan hoàn thiện gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH.

Đến ngày 20/10/2017, đã có 26 Đoàn ĐBQH gửi lại ý kiến tham gia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo 2 phương án để xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Phương án 1: Để bảo đảm tập trung xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước, do đó không quy định “giá chuyển nhượng phần vốn góp bằng 0 đồng” mà thực hiện theo cơ chế giá thị trường, vì có thể giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ âm ngân hàng thương mại còn có giá trị thương hiệu, đội ngũ cán bộ, hệ thống mạng lưới trên cả nước và các giá trị khác. Do vậy, giá bán phần vốn góp vẫn phải do thị trường quyết định, giá bán có thể bằng 0 đồng hoặc cao hơn 0 đồng, không nên áp đặt phải là 0 đồng trong Luật.

Phương án 2: Theo báo cáo của Chính phủ, với 3 ngân hàng thương mại được mua bắt buộc vừa qua, đến nay giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của các ngân hàng đang âm rất lớn. Nếu theo thông lệ quốc tế đã được áp dụng tại một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc… để bán được các ngân hàng này Nhà nước sẽ phải bổ sung tiền để hết âm vốn rồi mới bán. Trong bối cảnh thực hiện chủ trương không sử dụng ngân sách Nhà nước để cơ cấu lại các TCTD yếu kém, trường hợp giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ âm thì việc xác định “giá chuyển nhượng phần vốn góp bằng 0 đồng” mới có cơ hội thu hút được các nhà đầu tư.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí lựa chọn Phương án 1 như đã thể hiện tại điểm đ, khoản 2 Điều 3 của dự thảo Luật.

Cần có một khuôn khổ pháp lý ổn định để xử lý nợ xấu

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn ĐBQH TP Hà Nội phát biểu tại phiên thảo luận Ảnh: Khánh Phong

ĐB Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, cần có một khuôn khổ pháp lý ổn định để xử lý nợ xấu. Chúng ta không nên sử dụng khái niệm trực tiếp hay gián tiếp ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu.

Liên quan đến chuyển giao bắt buộc, ĐB Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, còn có nhiều vấn đề cần bổ sung để đảm bảo tính chặt chẽ, cũng như cơ sở trong tổ chức thực hiện. “Dự thảo Luật chưa quy định chi tiết đối với bên nhận chuyển giao, còn thiếu các quy định chi tiết về năng lực quản lý, điều hành, năng lực tài chính của bên nhận chuyển giao. Quy trình, thủ tục chuyển giao cũng chưa được cụ thể, sẽ gây khó khăn cho tổ chức thực hiện, đặc biệt là nghĩa vụ của bên chuyển giao, bên nhận chuyển giao với bên thứ 3”, ĐB Vũ Thị Lưu Mai nhận định.

Về phạm vi điều chỉnh của dự án luật, ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đề nghị trước mắt cần hoàn thiện ngay các quy định về xử lý các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém để kịp thời xử lý các bất cập tồn tại trong thời gian vừa qua tránh ảnh hưởng tới an toàn hoạt động của toàn hệ thống TCTD và nền kinh tế.

Bàn về việc tái cơ cấu các TCTD yếu kém, ĐB Bùi Thanh Tùng cho rằng, cần làm rõ quyền lợi của người gửi tiền sẽ xử lý như thế nào khi thực hiện phá sản TCTD yếu kém. “Theo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước không thực hiện phá sản các ngân hàng để đảm bảo quyền lợi người gửi tiền cá nhân và ổn định hệ thống”, ĐB Bùi Thanh Tùng nêu quan điểm.

Băn khoăn với trường hợp ngân hàng có quy mô khách hàng lớn nếu thực hiện phá sản nguy cơ ảnh hưởng hệ thống, trật tự an toàn xã hội cao. Vậy chúng ta sẽ làm gì với những ngân hàng này? Trường hợp này, ở các nước nhà nước sẽ thực hiện vai trò người mua cuối cùng, nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém này để xử lý. “Do vậy tôi đề nghị cân nhắc bổ sung thêm quy định xử lý trường hợp không thực hiện việc chuyển giao bắt buộc nhưng không thể thực hiện phá sản TCTD yếu kém do bất lợi nó mang lại thì nhà nước cần có dự liệu về mặt chính sách để có thể xử lý từng trường hợp cụ thể, tránh rủi ro”, ĐB Bùi Thanh Tùng đề nghị.

Còn theo ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai), nhìn lại các vụ đại án liên quan các TCTD đưa ra xét xử trong những năm gần đây chứng tỏ thực trạng hết sức phức tạp, khó khăn khi giải quyết xử lý hậu quả các TCTD yếu kém và hậu quả pháp lý của những người liên quan.

Việc phân công con người đảm nhận nhiệm vụ này cũng phải có cơ chế đặc biệt, bởi lẽ cán bộ đang “ăn ngon ngủ yên” thì không ai dũng cảm xung phong giải cứu các TCTD được kiểm soát đặc biệt, tức là khó khăn đặc biệt cũng là rủi ro đặc biệt, lo lắng đặc biệt cho bản thân và gia đình.

ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) nêu quan điểm, luật phải xem việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền phải là ưu tiên số 1 vì đây mới thực sự là cổ đông của các TCTD, tiền người gửi vào ngân hàng chiếm 80% nguồn vốn của các TCTD. Tuy nhiên trong các phương án cơ cấu lại các TCTD được cơ cấu đặc biệt, nhưng chưa quy định quyền lợi của người gửi tiền trong hai trường hợp TCTD giải thể hoặc phá sản.

Khánh Phong

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG