Quan điểm của nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức TƯ Nguyễn Đình Hương là “không có vùng cấm. Bất kỳ ai bảo kê cho doanh nghiệp, ai chịu trách nhiệm về vụ việc thì đều phải “lôi ra” bằng được.
Nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương: Phải làm cho rõ ai đứng đằng sau, ai “chống lưng” cho Nhật Cường.
Sau hàng loạt cửa hàng của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường bị khám xét, ngày 14/5, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố Tổng Giám đốc Bùi Quang Huy cùng 8 người khác để điều tra về tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Sâu xa hơn, nhiều dấu hỏi được đặt ra khi Nhật Cường từ lâu nay chỉ được biết đến qua buôn bán điện thoại, máy tính, thiết bị điện tử… vậy mà bỗng nhiên gần đây đơn vị này lại được lựa chọn để cung cấp nhiều các website phần mềm của Thành phố Hà Nội.
Chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc, ông Nguyễn Đình Hương cho hay, ông biết thông tin về khám xét Công ty Nhật Cường và diễn biến vụ việc qua báo chí. Trên thực tế, thời ông còn công tác cũng có những trường hợp doanh nghiệp được “bảo kê”, nhưng sự việc được làm rõ ở mức độ nào thì tuỳ thuộc vào cơ quan chức năng.
Trong vụ việc này, ông Nguyễn Đình Hương cho rằng, các cơ quan có trách nhiệm sẽ làm rõ người đứng sau Nhật Cường là ai.
“Phải làm cho rõ ai đứng đằng sau, ai chống lưng? Cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm làm việc này.
Quan điểm của tôi là không có vùng cấm. Ai bảo kê ai, ai chịu trách nhiệm về vụ việc thì phải lôi ra hết”, nguyên Phó ban Tổ chức TƯ nhấn mạnh.
Liên quan đến vụ việc này, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ, ông cũng chỉ biết qua dư luận khi họ đồn Nhật Cường là doanh nghiệp sân sau.
“Vậy đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền phải làm rõ vấn đề này. Có hay không có công ty sân sau? Có hay không có bảo kê? Phải xem xét tất cả các cơ quan liên quan trong vấn đề này. Cùng với đó là quy trách nhiệm khi để doanh nghiệp tồn tại lâu như vậy mà nay mới phát hiện. Đầu tiên phải xử lý về mặt trách nhiệm, sau đó mới xem xét những khía cạnh khác”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Giả sử kết luận cho thấy có tình trạng bảo kê cho Nhật Cường, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, tùy theo tính chất mức độ vi phạm để xem xét.
“Cao nhất là xử lý hình sự. Nếu “anh” bảo kê, bao che hoặc tham gia vào quá trình buôn lậu và được hưởng lợi từ việc buôn lậu của doanh nghiệp thì sẽ bị quy tội tham nhũng.
Một trong những cửa hàng của Nhật Cường Mobile bị đóng cửa. (Nguồn: Zing.vn)
Đối với dấu hiệu bảo kê cho doanh nghiệp, tôi cho rằng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều rất mong muốn phải xử lý quyết liệt, không đánh trống bỏ rùi hay nói một đằng làm môt nẻo, hoặc khi phát hiện ra rồi lại tìm cách che chắn hoặc dĩ hòa vi quý”, ông Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ quan điểm.
Chia sẻ với Zing.vn, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) cho rằng, cơ quan công an cần thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ liên quan đến toàn bộ hoạt động, dự án của Nhật Cường để mở rộng điều tra bởi một mình Tổng Giám đốc Bùi Quang Huy khó có thể gây dựng được thương hiệu này sau chừng ấy năm thành lập.
Nhật Cường là doanh nghiệp lớn. Việc kinh doanh của đơn vị này diễn ra nhiều năm, làm khuynh đảo thị trường điện thoại nhưng đến nay Tổng giám đốc mới bị khởi tố, bắt tạm giam. Trên cơ sở đó, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định, có thể có thế lực “bảo kê” đứng đằng sau hoạt động của Nhật Cường. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Thành ủy Hà Nội cần làm rõ vấn đề này.
Theo ông, “làm rõ có hay không thế lực đứng sau Nhật Cường sẽ giúp làm trong sạch bộ máy”. Điều đó nhằm thực hiện đúng tinh thần “không có vùng cấm” trong đấu tranh chống tham nhũng.
Mai Châu