Một trong những vấn đề nóng được ĐBQH đặc biệt quan tâm là các chỉ tiêu trong lĩnh vực lao động – việc làm. Bởi lẽ với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, tỉ lệ mất việc đang có xu hướng tăng lên.
Và sáng 24.10, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đi vào ngày làm việc thứ hai, các đoàn đại biểu thảo luận theo tổ về tình hình kinh tế xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018.
Năng suất lao động 9 tháng đầu năm ước tính đạt 93,2 triệu đồng/1 lao động
Đánh giá ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong điều kiện khó khăn, thiếu thuận lợi, giai đoạn đầu năm các chỉ số phát triển đều thua kém cùng kỳ năm trước song với nỗ lực hết mình, Chính phủ đã cùng nhân dân đạt và có khả năng vượt 13/13 chỉ tiêu đã đề ra. Tuy thành tích rất đáng khích lệ song không thể chủ quan, vì để đạt được tăng trưởng cả năm 6,7% thì ngay trong quý này phải có mức tăng trưởng 7,31%.
“Dự toán chi ngân sách, hôm trước TVQH đề nghị ưu tiên chi bảo đảm tiền lương, trợ cấp người có công theo lộ trình và những nhiệm vụ quan trọng. Và phải tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên, phải bảo đảm tăng chi cho giáo dục đào tạo, tăng chi cho khoa học, công nghệ theo đúng nghị quyết. Còn lại những giải pháp khá đầy đủ” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Mặc dù các ĐBQH ghi nhận những thành tích trong 9 tháng đầu năm của Chính phủ, tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng băn khoăn khi năng suất lao động cao hơn so với năm 2016, ước tính tăng khoảng 5,87% (năm 2016 tăng 5,29%), theo giá hiện hành ước tính đạt khoảng 93,2 triệu đồng/1 lao động.
Năm 2017 đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp TFP trong tăng trưởng GDP ước tính đạt 44,13% (của vốn là 48,86% và của lao động là 7,01%), cao hơn so với năm 2016 (40,68%) và cao hơn nhiều so với bình quân giai đoạn 2011-2015 (33,58%).
Năm 2017, ước tính giải quyết việc làm cho 1,24 triệu lao động. Ảnh: P.V
Đối mặt áp lực cách mạng 4.0
ĐB Phạm Phú Quốc (TP.Hồ Chí Minh) nhận định năng suất lao động được cải thiện nhưng không do sự gia tăng của yếu tố lao động mà chủ yếu gia tăng vốn. Tức là thâm dụng vốn là nhiều hơn. Trong khi năng suất sử dụng vốn tương đương hoặc thấp hơn các nước. Vậy là thực tế ta đang thâm dụng vốn hơn là sử dụng vốn hiệu quả.
Trong báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội năm 2017 và dự kiến tình hình kinh tế xã hội năm 2018 cho biết, công tác đào tạo nhân lực đã có những thay đổi theo hướng tập trung nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động; đã xây dựng được chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo. Phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao; thực hiện đổi mới chương trình đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo, nghiên cứu xây dựng mô hình trường đại học phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Về tiêu chí này, ĐBQH Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nhận định “chúng ta có quyền tin vào các số liệu báo cáo của Chính phủ, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định các doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn, duy trì hoặc tái khởi động các doanh nghiệp trước đây tạm dừng hoạt động. Năm 2018 chúng tôi cũng kỳ vọng là tiếp tục tăng trưởng kinh tế cao sẽ giải quyết tốt công ăn việc làm”.
Quan trọng là chất lượng lao động đảm bảo dân sinh
Song thực tế là chính trong báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận: “Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, nhất là đối với lao động được đào tạo trình độ đại học, cao đẳng vẫn còn cao; chất lượng việc làm chưa cao; việc tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa nghiêm, tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội tiếp tục gia tăng”.
Bởi vậy mục tiêu tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4% xem ra khó thực hiện khi mà chiến lược của Chính phủ trong năm 2018 sẽ là “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường lao động, đặc biệt gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Trong khi đó, theo nhận định của ĐB Phạm Phú Quốc thì “chỉ tiêu thất nghiệp dưới 4% nôm na là có việc làm, có việc lương rất thấp, rất ít cũng là việc làm, quan trọng là quan tâm đến dân sinh thế nào để việc làm đảm bảo được cuộc sống, chất lượng việc làm, chất lượng lao động, đảm bảo được dân sinh mới là
quan trọng”.
ĐB Trương Minh Hoàng nhận định “Khi công nghiệp 4.0 đi vào cuộc sống, chỉ trong vòng 10 năm nữa, tỉ lệ máy móc, robot thay thế con người sẽ tăng cao và khả năng thay thế từ 60-65% nhân lực lao động. Khi đi thực tế ở địa phương, chúng tôi có hỏi vấn đề cách thức báo vấn đề lao động có việc làm như thế nào thì được nói rằng cứ có người thông báo đi lao động ở tỉnh khác hoặc khu công nghiệp là cán bộ tích vô là có việc làm. Nhưng đeo bám để biết được họ ra đi thực sự có việc làm hay không thì lại không có. Thành ra tôi thấy rất lo về con số này.
Tình hình lao động, việc làm, ước tính thực hiện năm 2017
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên: 54,58 triệu người; Trình độ lao động: Vẫn còn thấp, tỉ trọng lực lượng lao động đã qua đào tạo không cao; Số lượng lao động qua đào tạo: 11,3 triệu người, chiếm 20,9% lực lượng lao động, trong đó khu vực nông thôn (11,2%) và thành thị (33,7%). Tỉ trọng lao động: Lĩnh vực nông-lâm và thủy sản: Chiếm 41%; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng: 25%; lĩnh vực dịch vụ: 34%. Giải quyết việc làm 9 tháng năm 2017: 1,24 triệu người, đạt 77,3% kế hoạch năm, tăng 3,48% so với cùng kỳ năm 2016. Ước tính cả năm 2017 tạo việc làm cho trên 1,62 triệu người, tăng 1,3% so với kế hoạch (Trong đó tạo việc làm trong nước: 1.505 nghìn người, đạt 100,7% kế hoạch; xuất khẩu lao động: 116.000 người, đạt 110,5% kế hoạch). Tỉ lệ thất nghiệp 2017 giảm: Quý I là 2,30%, quý II là 2,26%, quý III ước tính là 2,21%.
ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long): Đời sống công nhân hiện nay rất khó khăn, nhất là công nhân làm việc lâu năm có mức lương và tiền đóng BHXH cao nên bị doanh nghiệp tìm cách chấm dứt lao động. Nhiều doanh nghiệp trốn đóng BHXH nên quyền lợi chính đáng của người lao động không được đảm bảo. Nhất là lao động nữ 40 tuổi có lương cao và tiền đóng BHXH cao bị tìm cách đuổi đi, bị bóc lột sức lao động. Nhiều người sau khi bị sa thải phải đi xin việc ở chính nơi sa thải mình nhưng được nhận vào làm với điều kiện hưởng mức lương thấp như người mới vào và tiền đóng BHXH thấp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi: Việc đưa người lao động ra khỏi dây chuyền sản xuất có 3 nguyên nhân: Thứ nhất là do ký kết hợp đồng lao động có thời hạn; Hai là công nhân vô kỷ luật; Thứ ba là công nhân tìm được công việc có thu nhập cao hơn. Thực tế có doanh nghiệp thải loại công nhân nhưng chiếm tỉ trọng rất ít.
ĐB Trần Kim Yến (TPHCM): Mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi bị trừ 1% bắt đầu từ 1.1.2018 đang làm cho lao động nữ không yên tâm. Từ đó, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp thâm dụng lao động, doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữ. Hiện nay, với BHXH, 15 năm đầu, người lao động được hưởng 45% khi nghỉ hưu. Sau đó, mỗi năm lao động tiếp theo là 2%, riêng lao động nữ là 3%. Việc này sẽ chấm dứt từ 1.1.2018, từ đó cả nam và nữ đều 2%. Điều muốn nói chính là việc lao động nam, ta có lộ trình 4 năm 2018-2022 nhưng lao động nữ từ 1.1.2018 áp dụng ngay. Tức là có sự bất công với lao động nữ.
ĐBQH Trương Minh Hoàng (Cà Mau): Để giải quyết vấn đề sa thải lao động ở độ tuổi 35-40 thì khi ký hợp đồng lao động cần phải có những ký kết cụ thể. Ví dụ như nếu tôi làm tốt, năm nào tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ thì chế độ lao động của tôi được duy trì, hưởng lợi như thế nào? Kể cả tổ chức công đoàn nơi đó cũng phải hỗ trợ người lao động trong chuyện đó.
ĐỨC THÀNH – XUÂN HẢI