Đại tướng Lê Đức Anh không chỉ tài ba trên chiến trường; giỏi đối ngoại, đối nội ở thời bình mà còn có một trái tim nhân hậu
Những chuyến “vi hành” dọc đường cùng ăn bánh mì, khoai lang với Đại tướng Lê Đức Anh khiến người học trò là trợ lý – đại tá Khuất Biên Hòa nhớ cả đời.
Nghĩ cho người khác
Lần giở 3 cuốn hồi ký về Đại tướng do chính ông biên soạn, đại tá Hòa xúc động: “Cả cuộc đời bác luôn giản dị, tiết kiệm, luôn nghĩ cho người khác hơn là nghĩ cho mình. Đến lúc về với đất mẹ, theo nguyện vọng của bác, con cháu trong gia đình cũng tổ chức tang lễ đơn giản, các đoàn viếng không mang vòng hoa”.
Dù Đại tướng sống tình cảm, sâu sắc nhưng ông Hòa vẫn không quên những lần bị rầy la do để một số địa phương tổ chức đón tiếp rình rang. Năm 2004, Đại tướng tuổi đã ngoài 80, trải qua 2 lần xuất huyết não, lại đi ôtô từ
TP HCM đến Lào Cai thị sát cột mốc biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Ông Hòa càng lo lắng và căng thẳng hơn khi Đại tướng yêu cầu không ghé vào nghỉ ngơi hay dùng cơm ở các tỉnh mà sẽ ăn nghỉ dọc đường. Lúc đó, đoạn quốc lộ đi qua tỉnh Yên Bái rất xấu, không có bóng cây nào để dừng ăn trưa, Đại tướng Lê Đức Anh lệnh: “Tấp xe vào lề, bật máy xe nhè nhẹ cho mát rồi ăn nhanh”. Bữa ăn khô khan chỉ bánh mì và sữa tươi, nước suối, chừng 20 phút xe lại đi tiếp.
“Do tình hình an ninh phức tạp, không thể để bác và phu nhân nghỉ ngơi trên xe nên đêm đó, tôi xin phép bác cho thông báo với Tỉnh ủy Yên Bái ngủ lại 1 đêm. Trước khi đến, tôi dặn kỹ anh Tiến – bí thư tỉnh ủy lúc đó – không được đón tiếp rình rang, chỉ ăn uống đơn giản. Vậy mà, vừa bước xuống xe, tỉnh ủy cử vài người mang hoa đón bác rồi bày 5 mâm cơm tiếp đoàn. Bác Lê Đức Anh rất tinh tế, vẫn tươi cười, cảm ơn khi nhận hoa và ăn uống vui vẻ nhưng khi đưa bác vào nghỉ, bác đỏ bừng mặt la: “Chú Hòa, tôi đã bảo không đón tiếp gì cả mà sao đến 5 mâm cơm? Chỉ 1 mâm là đủ rồi, tốn kém quá!” – ông Hòa kể lại.
Khi thăm cột mốc, Đại tướng lặng lẽ quan sát lòng sông, bên kia bờ Trung Quốc đã đóng kè chắc chắn, bên Việt Nam thì chưa mà dòng nước xoáy rất mạnh. Đại tướng băn khoăn: “Sao ta chưa làm kè, để thế này sẽ mất đất?”. Được địa phương báo cáo do vướng cơ chế, về trung ương, Đại tướng yêu cầu các bộ, ngành giải quyết ngay, vậy là tuyến kè dọc biên giới hoàn thành.
Đại tướng Lê Đức Anh và phu nhân trong chuyến thăm cột mốc biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Ảnh: TƯ LIỆU
Lo sinh kế của dân
Trong cuốn album mà ông Khuất Biên Hòa giữ kỹ, chúng tôi thấy rất nhiều hình ảnh Đại tướng và phu nhân mặc áo sơ-mi, quần tây hay đồ bà ba đi thăm nông dân, thăm đồng bào dân tộc và các Mẹ Việt Nam anh hùng. Hầu hết các chuyến đi, Đại tướng đều thẳng đến các hộ dân nắm tình hình thực tế, xong, ông lên xe về. Lần nào “vi hành”, Đại tướng cũng phát hiện ra các vấn đề của địa phương, hầu hết liên quan đến sinh kế, đời sống tinh thần, đền ơn đáp nghĩa.
Một lần đến thăm Kiên Giang và Cần Thơ, Đại tướng Lê Đức Anh phát hiện nhiều nông dân mất ruộng đất canh tác. Hỏi ra mới biết, do hoàn cảnh khó khăn, nông dân bán đất cho cán bộ, tình hình diễn ra khá phổ biến. Ngay khi về trung ương, ông đề xuất và được Bộ Chính trị chấp thuận để Chính phủ trích một khoản ngân sách hỗ trợ cho nông dân chuộc lại ruộng đất canh tác.
“Đó là một chủ trương nhân văn, khơi nguồn cho các phong trào đền ơn đáp nghĩa sau này. Không chỉ chăm sóc, nhận nuôi dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng mà các phong trào xây nhà tình thương, hỗ trợ người neo đơn, người khó khăn… cứ lan rộng.Điều đáng quý là không chỉ các tổ chức nhà nước mà doanh nghiệp, cá nhân, hội, nhóm… đã cùng chung tay tham gia” – đại tá Khuất Biên Hòa xúc động nói.
. Trung tá NGUYỄN THỊ NGA:
Lối sống bình dị
Năm 1989, tôi được phân công về nhà số 5A Hoàng Diệu, TP Hà Nội để làm công tác cấp dưỡng, phục vụ Đại tướng Lê Đức Anh. Được phân công nhiệm vụ, tôi rất lo lắng vì một cán bộ trẻ mới mười chín, đôi mươi mà gặp trực tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Gia đình Đại tướng có những chiếc nồi đến hơn 30 năm nhưng Đại tướng và phu nhân thường căn dặn “còn dùng được thì cứ dùng”. Khi chồng tôi qua đời cách đây 4 năm do bệnh hiểm nghèo, Đại tướng thường xuyên hỏi han, động viên tôi chăm sóc, dạy dỗ con cái trưởng thành. Thỉnh thoảng Đại tướng lại hỏi: “Các cháu học thế nào?”.
Đại tướng Lê Đức Anh thường ăn món thịt luộc chấm tôm chua Huế, sườn rim, canh mướp đắng, canh chua. Khi là Bộ trưởng rồi đến Chủ tịch nước thì khẩu vị của ông không hề thay đổi, vẫn bình dị, gần gũi như thế.
. Thượng úy NGUYỄN MẠNH TRƯỜNG:
Những chiếc áo sờn
Năm 2007, tôi được cử về làm cảnh vệ tiếp cận của Đại tướng Lê Đức Anh. Không hình dung được nhà của Chủ tịch nước ở số 5A Hoàng Diệu lại là căn nhà cũ. Lúc lên chào ông bà, tôi thấy ông bà đang chuẩn bị ăn cơm, ông bà cười rất niềm nở.
Chủ tịch nước Lê Đức Anh là một nguyên thủ sống giản dị, ông lấy đó làm niềm vui. Tôi nhớ rõ những chiếc áo khoác mùa đông màu ghi sáng, ở cổ tay bắt đầu sờn nhưng Đại tướng vẫn dùng. Ngay cả những việc nhỏ trong cuộc sống hằng ngày như đèn cầu thang ban ngày không tắt, Đại tướng cũng nhắc nhở: “Điện nước là của nhà nước, của nhân dân, mình dùng phải tiết kiệm”. Tôi may mắn được phục vụ Đại tướng khi ông đã nghỉ hưu và thấy rằng ông luôn một lòng đau đáu vì đất nước, vì nhân dân.
. Bác sĩ – đại tá NGUYỄN TRUNG KIÊN:
Trọn tình với đồng đội
Chăm sóc sức khỏe cho Đại tướng Lê Đức Anh từ năm 2000 đến thời điểm Đại tướng mất, tôi không khỏi ngạc nhiên về một nguyên thủ lại sống gần gũi như vậy. Nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe của Đại tướng rất áp lực, nhiều khi công tác chuyên môn chỉ là một phần, quan hệ nói năng, cách cư xử, các hành động chăm sóc khám chữa bệnh có thể chưa phù hợp… Tuy nhiên, Đại tướng bảo: “Chú cứ coi tôi như người dân ấy, như người lính của chú. Chú khám bệnh cho người lính thế nào thì khám cho tôi như vậy”.
Lo lắng không đảm đương được nhiệm vụ thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho Đại tướng nên tôi từng ngỏ ý xin thôi việc. Đại tướng đã động viên, căn dặn cái gì khó mình không biết thì mình học, hỏi Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hỏi các anh đi trước. Khi Đại tướng nói vậy, tôi rất thoải mái, yên tâm, xóa đi khoảng cách giữa thủ trưởng và người lính.
Nhiều lần Đại tướng kể chuyện các bác cựu chiến binh cùng thời ở miền Nam khuyên Đại tướng giờ lớn tuổi đừng đi xa, không tốt cho sức khỏe. Đại tướng nói ông tuổi cũng đã cao, trách nhiệm với Đảng và dân tộc đã hoàn thành nên ông đi thăm rừng, thăm những anh em cùng thời chiến tranh người còn thì ít, người mất thì nhiều, còn ông không quan trọng về sống chết.
Tấn Phong ghi
Thu Hồng