Các hoạt động sâu rộng của Trung Quốc ở Bắc Cực có thể mở đường cho sự gia tăng hiện diện quân sự, bao gồm việc triển khai tàu ngầm để phát triển năng lực răn đe trước các cuộc tấn công hạt nhân, Lầu Năm góc viết trong một báo cáo đưa ra ngày 2/5.
Đánh giá này được viết trong báo cáo thường niên của quân đội Mỹ trình lên Quốc hội về các lực lượng vũ trang Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh công bố sách trắng về chính sách Bắc Cực lần đầu tiên vào tháng 6 năm ngoái.
Trong sách trắng đó, Trung Quốc đề ra kế hoạch phát triển các tuyến vận tải biển được mở ra do hiện tượng ấm lên toàn cầu nhằm tạo nên “Con đường tơ lụa vùng cực”.
Dù không phải quốc gia tiếp giáp Bắc Cực, Trung Quốc ngày càng tích cực hoạt động ở khu vực này và trở thành quan sát viên của Hội đồng Bắc Cực từ năm 2013. Điều đó gây quan ngại cho các quốc gia Bắc Cực về những mục tiêu chiến lược lâu dài của Bắc Kinh, trong đó có khả năng triển khai sức mạnh quân sự.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompoe sẽ dự một hội nghị của Hội đồng Bắc Cực gồm 8 quốc gia ở Rovaniemi, Phần Lan, bắt đầu từ thứ 2 tới. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại trước những lợi ích thương mại gia tăng của Trung Quốc ở Bắc Cực.
Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Loại 094A và được trang bị tên lửa đạn đạo của Trung Quốc
REUTERS
Báo cáo của Lầu Năm góc nhấn mạnh rằng Đan Mạch đã thể hiện quan ngại về lợi ích của Trung Quốc ở Greenland, trong đó có đề xuất lập một trạm nghiên cứu, một trạm vệ tinh mặt đất, nâng cấp sân bay và mở rộng khai mỏ.
“Nghiên cứu dân sự có thể hỗ trợ hiện diện quân sự tăng cường của Trung Quốc ở Bắc Cực, bao gồm việc triển khai các tàu ngầm đến khu vực để phát triển năng lực răn đe trước các cuộc tấn công hạt nhân”, Reuters dẫn báo cáo cho biết.
Báo cáo của Lầu Năm góc nhấn mạnh rằng quân đội Trung Quốc đang hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm như một ưu tiên cao. Hải quân Trung Quốc đang vận hành 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân, 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân và 50 tàu ngầm tấn công bằng vũ khí truyền thống.
“Tốc độ tăng trưởng lực lượng tàu ngầm đã chậm lại và có thể sẽ tăng lên 65-70 chiếc vào năm 2020”, báo cáo viết.
Báo cáo cũng nói rằng Trung Quốc đã chế tạo 6 tàu ngầm lớp Jin, trong đó có 4 chiếc đang hoạt động còn 2 chiếc đang được chế tạo ở xưởng đóng tàu Huludao.
Trong một báo cáo đưa ra vào tháng 2 năm nay, Cơ quan tình báo quốc phòng thuộc Lầu Năm góc nói rằng hải quân Trung Quốc sẽ cần tối thiểu 5 tàu ngầm lớp Jin để duy trì năng lực răn đe hạt nhân liên tục trên biển.
Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh đang tăng cường triển khai năng lực chống ngầm trên khắp khu vực Đông Á, trong đó có việc gia tăng tuần tra bằng máy bay săn ngầm P-8 Poseidon triển khai từ Singapore và Nhật Bản.
Việc Trung Quốc mở rộng lực lượng tàu ngầm chỉ là một yếu tố trong nỗ lực hiện đại hóa sâu rộng và tốn kém của quân đội. Các chuyên gia Mỹ cho rằng nỗ lực này chủ yếu nhằm ngăn chặn bất kỳ hành động nào của lực lượng Mỹ.
Dù ngân sách quốc phòng chính thức mà Trung Quốc công bố năm 2018 là 175 tỷ USD, Lầu Năm góc ước tính con số thực tế phải lên đến 200 tỷ USD, chi cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển và mua sắm vũ khí từ nước ngoài. Ước tính ngân sách quốc phòng chính thức của Trung Quốc sẽ tăng lên khoảng 260 tỷ USD vào năm 2022.