Friday, November 22, 2024

Tư lệnh Sáu Nam với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Đại tướng Lê Đức Anh (bí danh Sáu Nam) không chỉ thể hiện vai trò chỉ huy quân sự tài tình trong suốt cuộc trường chinh đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, mà còn ghi dấu ấn trong trận chiến cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam khi là một trong 8 vị Chỉ huy của Chiến dịch Hồ Chí Minh và trực tiếp chỉ huy cánh quân Tây Nam, một trong 5 cánh quân tấn công vào Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Tư lệnh Sáu Nam với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết – Lộc Ninh, trong đó Trung tướng Lê Đức Anh là Phó Tư lệnh cùng với các đồng chí Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Đinh Đức Thiện và Trung tướng Lê Trọng Tấn. Trong Chiến dịch này, Trung tướng Lê Đức Anh chỉ huy cánh quân tiến công trên hướng Tây – Tây Nam Sài Gòn (đoàn 232), một trong năm cánh quân của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Ảnh: TTXVN
Tư lệnh mũi tiến công Tây – Tây Nam
Đầu tháng 4/1975, trên cơ sở ý kiến đề xuất của Bộ Tư lệnh Miền, Bộ Chính trị hoàn chỉnh kế hoạch đánh chiếm Sài Gòn, ngày 8/4/1974, công bố quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định (từ ngày 14/4/1975 mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh). Thực hiện kế hoạch trên, Đoàn 232 đổi tên thành Binh đoàn cánh Tây Nam. Bộ Tư lệnh Binh đoàn gồm: Trung tướng Lê Đức Anh (Sáu Nam, Tư lệnh), Thiếu tướng Lê Văn Tưởng (Hai Chân, Chính ủy).
Trong cuốn Hồi ký mang tên “Tổ quốc trên hết” của mình, Đại tướng Lê Đức Anh viết: “Sau khi giải phóng tỉnh Phước Long, Bộ Chỉ huy Miền bắt tay xây dựng kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn.(…). Cả Bộ Chỉ huy Miền gần như thống nhất sẽ tiến công giải phóng Sài Gòn vào tháng 4 vì sang tháng 5 đã vào đầu mùa mưa ở Nam Bộ, việc cơ động của ta, nhất là tăng, pháo và cơ giới sẽ khó khăn, mà khó khăn nhất là hướng Tây – Tây Nam Sài Gòn, vùng Long An mênh mông đồng nước, kênh rạch và sình lầy. Hướng Tây – Tây Nam là nơi khó nhất vì sình lầy, nhưng đây là một hướng tiến công rất quan trọng vì nhất định ta phải nhanh chóng chia cắt quân địch trên tuyến Quốc lộ số 4 để quân địch ở Sài Gòn không thể co cụm xuống cố thủ ở Tây Đô (Cần Thơ). Nếu địch co cụm được về đó thì phức tạp, “trận đánh cuối cùng” của ta sẽ không “thuận buồm xuôi gió”. Ngược lại, nếu ta chia cắt được Quốc lộ 4 thì Quân đoàn 4 và quân địch ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ không thể kéo về ứng cứu cho Sài Gòn. Tôi và anh Hai Tưởng (Thiếu tướng Lê Văn Tưởng – PV) được đảm trách chỉ huy và lãnh đạo cánh quân tiến công trên hướng Tây – Tây Nam, một trong 5 cánh quân của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”.
Đại tá Khuất Biên Hòa, trợ lý cho Đại tướng Lê Đức Anh giai đoạn 2000-2007 và là một nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, cho biết: Tướng Lê Đức Anh với tư cách là Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, nhưng đồng thời được điều phái làm Tư lệnh cánh quân Tây Nam, một trong 5 mũi tiến công chiến lược, đảm nhiệm cánh khó nhất là đánh từ Đồng bằng sông Cửu Long vào Sài Gòn.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ sử học, Đại tá Hồ Sơn Đài (nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7), nhiệm vụ của Binh đoàn là “sử dụng lực lượng Sư đoàn 5, tăng cường binh khí kỹ thuật thực hiện tiến công chia cắt, chặn đứng giao thông trên Quốc lộ 4, cô lập Sài Gòn trước hai ngày toàn chiến dịch đồng loạt tiến công địch; tập trung lực lượng Sư đoàn 9, Sư đoàn 3, các trung đoàn độc lập và lực lượng vũ trang Quân khu 7, Quân khu 8 thực hiện đột kích thọc sâu từ hướng Tây – Tây Nam vào nội ô Sài Gòn, đánh chiếm làm chủ các mục tiêu Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát, Tổng kho xăng dầu Nhà Bè, Trung tâm ra đa Phú Lâm…
Vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự ở địa bàn sông nước

Tư lệnh Sáu Nam với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm các cán bộ, chiến sĩ Hải quân vùng 3, ngày 9/1/1996. Ảnh: Cao Phong/TTXVN
Theo Đại tá Khuất Biên Hòa, hướng tiến công phía Tây Nam của Chiến dịch Hồ Chí Minh trải rộng trên một địa bàn phức tạp với nhiều kênh rạch, sình lầy. Chúng ta đang ở thế áp đảo, sử dụng vũ khí hạng nặng với các loại pháo to, xe tăng, các sư đoàn bộ binh nên rất khó khăn khi hành quân qua địa hình này. Lúc đó, quân đội Sài Gòn có hai cụm lớn, một là vùng phòng ngự nội đô và một rất mạnh ở Tây Đô, vùng 4 chiến thuật với sự chỉ huy của các tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Nguyễn Khoa Nam rất nổi tiếng. Vì vậy, nhiệm vụ của Binh đoàn cánh Tây Nam phải nhanh chóng cắt đứt Quốc lộ 4 để quân ở Sài Gòn không chạy về Tây Đô co cụm và tiếp viện ngược lại; đồng thời mở đường bất ngờ tiến vào Dinh Độc lập phối hợp cùng các cánh quân khác ở tất cả các hướng tiến về giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam.
Trước ngày 20/4/1975, theo lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch, cánh quân Tây – Tây Nam đã vào vị trí tập kết. Binh đoàn cánh Tây Nam đã áp sát tuyến sông Vàm Cỏ Đông và Hậu Nghĩa; Sư đoàn 5 và Sư đoàn 8 đã áp sát Quốc lộ 4 từ Tân An đến Cai Lậy, áp sát Mỹ Tho. Hai trung đoàn bộ binh đã tập kết ở Cần Đước và Cần Giuộc sát phía Nam quận 8 Sài Gòn… Cánh quân hướng Tây – Tây Nam đã cài thế chuẩn bị sẵn sàng tổng công kích.
17 giờ ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Các đơn vị hướng Tây – Tây Nam nổ súng tiến công. Đến 3 giờ sáng 27/4, Sư đoàn 5 đã cắt được Quốc lộ 4 đoạn từ Bến Lức tới Tân An. Sư đoàn 8 cùng quân và dân Tiền Giang thực hiện đánh cắt Quốc lộ 4 đoạn Trung Lương – Tấn Hiệp – Long Định, từ Mỹ Tho đến bờ sông Tiền. Tiểu đoàn công binh 341 của Quân khu 8 cùng bộ đội địa phương cắt đoạn Cai Lậy – An Hữu. Sư đoàn 3 tiến công đánh chiếm khu vực An Ninh – Lộc Giang, sau đó vượt sông Vàm Cỏ áp sát địch để bảo đảm cho Sư đoàn 9 cùng binh khí kỹ thuật vượt sông. Các trung đoàn 24 và 88 mở rộng vị trí đứng chân ở phía Bắc Cần Giuộc, áp sát vào nội đô phía Nam Sài Gòn.
Sáng 30/4/1975, các cánh quân ta cùng nhân dân nổi dậy, đồng loạt tiến công đánh chiếm các mục tiêu đã định. Đến 9 giờ 30 phút, quân địch về cơ bản đã mất sức chiến đấu. Cả Sài Gòn – Gia Định trở thành một rừng cờ, rừng hoa và biểu ngữ của nhân dân vẫy chào Quân giải phóng. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Lúc này, ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, quân và dân ta tự lực giải phóng địa bàn, góp phần cùng cả nước chấm dứt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc kéo dài 30 năm.
Đánh giá vai trò của người Tư lệnh Binh đoàn cánh Tây Nam, Đại tá Khuất Biên Hòa chia sẻ: Với nhiều kinh nghiệm tích lũy trong thời kỳ chỉ huy Quân khu 9, Tướng Lê Đức Anh chỉ huy mũi thứ 5 đã thực hiện đúng giờ, đúng yêu cầu đánh chiếm đúng mục tiêu, hiệp đồng tác chiến, tiến vào Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975. Thực tế trên chiến trường, cánh quân của Tướng Lê Đức Anh chỉ vào sau Lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đoàn 2 ít phút. Sau khoảng 10 phút kể từ lúc lá cờ Quân giải phóng được các chiến sỹ xe tăng Quân đoàn 2 kéo lên trên nóc Dinh Độc lập, thì cánh quân Tây Nam của Tướng Lê Đức Anh cũng đã hợp quân tại cứ điểm cuối cùng của chế độ Sài Gòn trong ngày 30 tháng 4 lịch sử.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Minh Hồng (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh), trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, cánh quân Tây – Tây Nam đã đáp ứng được đầy đủ, kịp thời nhiệm vụ của chiến dịch khi sớm làm chủ chiến trường, kìm giữ chân địch, tạo điều kiện cho các cánh quân sớm hoàn thành nhiệm vụ. Tài chỉ huy của Trung tướng Lê Đức Anh cũng được thể hiện rõ qua cách sử dụng con đường bạo lực cách mạng, sử dụng lực lượng vũ trang địa phương, huy động lực lượng của nhân dân tham gia cuộc chiến. Ông cũng đã tận dụng được sự giúp đỡ của nhân dân để vượt sông, giữ cầu, đánh chiếm cắt đường…
Đánh giá về vai trò của Binh đoàn cánh Tây Nam, Phó Giáo sư Tiến sỹ sử học, Đại tá Hồ Sơn Đài nhận định: Kết quả hoạt động của Binh đoàn cánh Tây Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 không chỉ thể hiện ý chí khắc phục khó khăn, sự mưu trí và tinh thần chiến đấu dũng cảm của toàn thể cán bộ, chiến sỹ, mà còn chứng tỏ khả năng của các cấp ủy Đảng, các cấp chỉ huy của Binh đoàn trong việc vận dụng đúng đắn và sáng tạo đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng lực lượng vũ trang, về nghệ thuật tác chiến hợp đồng quân binh chủng giữa các đơn vị chủ lực với hợp đồng phối hợp, tạo thế của lực lượng vũ trang địa phương, sự nổi dậy giải phóng quê hương của quần chúng trong thế trận chiến tranh nhân dân ở địa bàn đặc thù sông nước Nam Bộ.
Vào ngày 30/4 năm nay, khi đất nước kỷ niệm 44 năm ngày thống nhất, không còn sự hiện diện của Đại tướng Lê Đức Anh, một chứng nhân lịch sử và cũng là một trong những người đã làm nên chiến thắng vĩ đại đó của dân tộc – ngày kết thúc một cuộc chiến trường kỳ giành độc lập dân tộc, mở ra một chương mới cho lịch sử dân tộc, mở ra con đường phát triển của đất nước trong hòa bình, tự do, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.
Sự ra đi của người chỉ huy cuối cùng trong Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh năm ấy, là một quy luật của tạo hóa, nhưng những chiến thắng trên các chiến trường của vị tướng đã kinh qua các cuộc chiến tranh lớn của đất nước, sẽ sống mãi trong tâm trí, lòng biết ơn của người dân đất Việt về một nhà chỉ huy quân sự tài ba của dân tộc trong thế kỷ XX.
Xuân Khu – Anh Tuấn (TTXVN)

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG