Loạt lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) từ năm 2005 đến năm 2017 đều vướng phải lao lý khiến cho hoạt động kinh doanh của PVN gặp nhiều khó khăn.
Loạt cựu lãnh đạo PVN vướng lao lý
Từ năm 2005 đến 2017, PVN đã trải qua 4 đời Chủ tịch và cả 4 cựu lãnh đạo trên đều bị khởi tố bắt tạm giam, liên quan đến tham nhũng.
Ông Đinh La Thăng – Chủ tịch PVN từ 2005-2011 bị tuyên án 18 năm tù vì làm thất thoát 800 tỉ đồng trong vụ góp vốn vào Oceanbank và bị kết án 13 năm tù trong vụ án liên quan đến Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí (PVC).
Tháng 1.2019, ông Đinh La Thăng lại bị khởi tố thêm vì liên quan đến dự án ethanol Phú Thọ đắp chiếu.
Ông Phùng Đình Thực – cựu Tổng giám đốc, Chủ tịch PVN 2011-2014, bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố về tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự.
Cựu Chủ tịch PVN 2014-2015, ông Nguyễn Xuân Sơn bị khởi tố và bắt giam trong đại án OceanBank – Hà Văn Thắm. Ông Nguyễn Xuân Sơn bị buộc tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng”; “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trước ông Nguyễn Vũ Trường Sơn – Tổng Giám đốc Tập đoàn hiện tại, ông Nguyễn Quốc Khánh – Chủ tịch PVN 2016-2017 bị khởi tố và bắt giam cùng ngày với ông Đinh La Thăng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nợ dài hạn tăng liên tục
Dưới thời của cựu Chủ tịch Đinh La Thăng, PVN gắn liền với những dự án đầu tư thua lỗ.
Năm 2008, PVN bắt đầu đầu tư vào Oceanbank với 20% cổ phần tại ngân hàng này. Nhưng sự sụp đổ của Oceanbank cùng vụ án Hà Văn Thắm khiến PVN mất trắng 800 tỉ đồng.
Một loạt dự án nghìn tỉ được phê duyệt dưới thời ông Đinh La Thăng đến nay lâm cảnh thua lỗ, đắp chiếu, dừng hoạt động, có dự án đầu tư dở dang như dự án xơ sợi Đình Vũ – Hải Phòng và các dự án nhiên liệu sinh học gồm ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi), dự án Ethanol Phú Thọ, Ethanol Bình Phước.
Đến thời gian ông Phùng Đình Thực dẫn dắt PVN, năm 2012, doanh thu thuần của toàn tập đoàn đạt gần 363 nghìn tỉ đồng, tăng so với năm 2011 là 325 nghìn tỉ đồng. Năm 2013, doanh thu thuần của DN đạt 390 nghìn tỉ đồng, tiếp tục tăng 9% so với năm trước.
Nhưng từ năm 2014 trở đi, doanh thu của PVN liên tục giảm. Cụ thể, năm 2014 giảm xuống 381 nghìn tỉ đồng. Doanh thu năm 2015 và 2016 lần lượt giảm 23% và 20% so với năm trước đó.
Năm 2017, doanh thu của PVN có khả quan hơn, đạt 271 nghìn tỉ đồng. Đặc biệt sang năm 2018, doanh thu của đơn vị này tăng vọt lên 627.800 tỉ đồng.
Dù doanh thu có tăng qua các năm 2016, 2017, 2018 nhưng DN có khoản nợ dài hạn liên tục tăng qua các năm. Năm 2017, nợ phải trả của PVN tăng lên 342 nghìn tỉ đồng.
Hiện tại, Cơ quan điều tra Bộ Công an yêu cầu PVN cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án đầu tư liên doanh phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2 Venezuela của Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP).
Dự án này Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí là chủ đầu tư (40% vốn) cùng với Tổng công ty dầu khí Venezuela (60% vốn). Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 1,8 tỉ USD cho giai đoạn 1 từ 2010-2015. Dự án đã tạm dừng triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, 10 dự án đầu tư nước ngoài khác của PVN cũng đang gặp khó khăn buộc phải dừng lại hoặc chuyển nhượng cho đối tác khác.
DUNG PHẠM