Sáng ngày 14/3/2019, UBND Tp Hà Nội, quận Nam Từ Liêm cùng các ban ngành liên quan đã tổ chức Lễ gắn tên đường cho Danh nhân Trịnh Văn Bô. Tới dự có đông đảo con cháu chắt, bà con họ hàng, người thân của gia đình Danh nhân Trịnh Văn Bô.
Một số hình ảnh về lễ gắn tên đường (Nguồn: FB).
Đánh giá về công lao của ông Trịnh Văn Bô (1914-1988), một nhà tư sản dân tộc đã có công lao to lớn giúp đỡ cách mạng khi mới giành được chính quyền VNDCCH, Tháng 8 năm 1945. Không thể không nhắc tới sự kiện Vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô đã từng hiến 5.147 lượng vàng cho cách mạng kể từ sau ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 và tiếp đó là trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến khi dân tộc ta giành thắng lợi. Ngoài số vàng ủng hộ chính quyền cách mạng, họ còn hiến cả ngôi nhà 48 Hàng Ngang, trị giá hàng trăm tỉ đồng theo thời giá bây giờ, để làm Nhà lưu niệm, ghi dấu tích nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập đọc tại lễ Quốc khánh 2.9.1945.
Vì những cống hiến lớn lao đó, rất nhiều nhã lãnh đạo của đảng cộng sản và nhà nước sau này từ chủ tịch Hồ Chí Minh đến đại tướng Võ Nguyên Giáp mỗi lần nhắc tới vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô đều nói rằng, đó là “một hình mẫu doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, một lòng một dạ phụng sự nền độc lập, tự do của dân tộc, dám hi sinh quyền lợi bản thân mà bất chấp hiểm nguy, nếu như bị mật thám phát hiện, coi như cơ đồ của cách mạng tan trong phút chốc” (theo báo Thanh Niên).
Ghi nhận công lao của cụ và theo quy định, sau khi cụ Trịnh Văn Bô mất 10 năm thì có thể xem xét đặt tên đường để tôn vinh. Nhưng rồi vì sự lãng quên của những người hiện tại và việc gia đình thì không muốn đi xin xỏ nên việc này chưa thực hiện được. Việc gắn tên đường cụ Trịnh Văn Bô một lần nữa gặp phải gian nan khi: “Mãi gần đây, năm 2016, theo quy định hiện hành, Hội đồng Tư vấn đặt tên đường phố thành phố Hà Nội đã đề xuất đưa tên doanh nhân Trịnh Văn Bô vào danh sách hiệp thương để đặt tên đường phố. Theo quy trình, việc hiệp thương có nhiều đơn vị tham gia nhưng phải được sự đồng thuận từ cấp xã, phường dự kiến gắn biển tên. Tiếc rằng, văn bản hiệp thương của sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội đã không được chính quyền phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) đồng thuận (mặc dù phường giáp ranh có đoạn phố chạy qua là phường Dịch Vọng đã ủng hộ). Lý do thật khôi hài và cũng thật vô cảm: Dân phường Quan Hoa không đồng ý vì khi họp dân phố, nhân dân trên địa bàn cho rằng họ không biết nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô là ai!!
Năm ngoái, cụ bà Trịnh Văn Bô khi còn tinh tường đã nghe được câu chuyện buồn trên, sau khi Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội gửi công văn trả lời gia đình”.
Nhưng thật mừng, cách đây không lâu việc xem xét đặt tên đường đã hoàn tất và UBND TP Hà Nội đã có quyết định cuối cùng. Lễ gắn biển được diễn ra hết sức trang trọng và có sự tham gia của nhiều nhân chứng, nhà khoa học, nhà lịch sử học. Và đó là sự ghi nhận của hậu nhân đối với sự đóng góp của một con người, một cá nhân cụ thể cho cách mạng thời kỳ còn non trẻ nhất. Đó cũng là bài học cho lớp doanh nhân hiện nay về lòng yêu nước và tinh thần dân tộc.
Việc gắn tên đường có thể xem là một cái kết đẹp trong mối quan hệ giữa chính quyền Hà Nội với gia đình cụ. Hi vọng điều này sẽ làm yên lòng 2 cụ khi đã quá cố và nó cũng khiến cho những kẻ đang nhân sự hiểu lầm của cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ lúc sinh thời để khoét sâu mâu thuẫn, tố cáo và lên án chính quyền.
Mõ Làng