Một quan chức Mỹ giấu tên đã cung cấp thông tin trái ngược với tuyên bố của Tổng thống Trump về nguyên nhân thượng đỉnh Mỹ -Triều không đạt kết quả.
Trong cuộc họp báo diễn ra hôm 28-2, tại khách sạn JW Marriott sau khi kết thúc đàm phán với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Donald Trump cho biết ông rời khỏi hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai vì ông Kim yêu cầu Mỹ dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt.
Trái lại, trong cuộc họp báo được tổ chức gấp gáp lúc nữa đêm của phái đoàn Triều Tiên tại khách sạn Melia, các quan chức Triều Tiên nói rằng nước này chỉ yêu cầu Mỹ dỡ bỏ một phần trừng phạt để đổi lấy việc phá bỏ khu phức hợp hạt nhân Yongbyon.
Họ đã nói gì?
Cuộc họp rất được mong đợi của ông Trump và ông Kim, được tổ chức tại thủ đô Hà Nội vào hôm 27 và 28-2 đã kết thúc đột ngột và không có bất cứ thỏa thuận chung nào được kí giữa hai nhà lãnh đạo. Ngay sau đó, Tổng thống Trump tổ chức họp báo và nói rõ rằng chính việc tranh chấp về các biện pháp trừng phạt đã phá vỡ thỏa thuận.
Cụ thể theo ông Trump nói Triều Tiên đã yêu cầu Mỹ dỡ bỏ trừng phạt “hoàn toàn” và điều đó không thể chấp nhận.
“Đó là về trừng phạt. Về cơ bản họ muốn trừng phạt được dỡ bỏ hoàn toàn và chúng tôi không thể làm điều đó. Chúng tôi phải ” – Ông Trump nói tại cuộc họp báo.
Ông Trump tại buổi họp báo sau hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội ngày 28-2. Ảnh: AP
Vài giờ sau, hai thành viên cấp cao của phái đoàn Triều Tiên tổ chức họp báo và đính chính rằng, điều ông Trump nói không đúng như điều nhà lãnh đạo của họ yêu cầu.
Họ khẳng định ông Kim chỉ yêu cầu giảm nhẹ một phần lệnh trừng phạt để đổi lấy việc đóng cửa khu phức hợp hạt nhân Yongbyon. Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong Ho cho biết Triều Tiên cũng đã sẵn sàng đưa ra văn bản tạm dừng các vụ thử tên lửa đạn đạo hạt nhân và liên lục địa của nước này.
“Triều Tiên đưa ra một đề xuất mang tính thực tế là chấm dứt chương trình thử nghiệm hạt nhân và tên lửa tầm xa để đổi lại việc Mỹ gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận. Nếu các lệnh cấm vận của Mỹ được gỡ bỏ một phần thì Triều Tiên sẽ tháo dỡ vĩnh viễn các cơ sở hạ tầng sản xuất hạt nhân ở Yongbyon, dưới sự giám sát của các chuyên gia người Mỹ”- Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong-ho nói với các phóng viên ở Hà Nội.
Thứ trưởng Ngoại giao Choe Sun Hui có mặt tại buổi họp báo cũng cho biết phản ứng của ông Trump đã khiến ông Kim bối rối và nói thêm rằng ông Kim có thể đã ngưng muốn tiếp tục đàm phán.
Vậy ai là người nói sự thật?
Một quan chức cấp cao giấu tên ở Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 1-3 nói với AP rằng phía Triều Tiên “về cơ bản muốn được dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm vận”, nhưng quan chức này thừa nhận yêu cầu mà Bình Nhưỡng đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh là Washington ủng hộ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt từ tháng 3-2016, không bao gồm các nghị quyết trừng phạt trước đó.
Quan chức này đã đồng ý cung cấp thông tin tóm tắt cho các phương tiện truyền thông với điều kiện dấu tên vì ông không được phép thảo luận công khai các cuộc đàm phán.
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho trong cuộc họp báo tại khách sạn Melia đêm 28-2. Ảnh: TTXVN
Theo vị quan chức này, đề xuất của Triều Tiên không bao gồm những lệnh trừng phạt đã được Mỹ thiết lập gần một thập niên trước. Lãnh đạo Kim Jong Un và các quan chức Triều Tiên nhắm đến những biện pháp cấm vận đang tác động nền kinh tế và đời sống của người dân.
Điều này tương tự những gì Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho nói trong cuộc họp báo đêm 28-2, nhưng trái ngược với tuyên bố của Tổng thống Trump.
Được biết, Liên Hiệp Quốc từ năm 2006 tới nay đã áp đặt hơn 10 lệnh trừng phạt nhắm vào Triều Tiên, biến quốc gia này thành một trong những nước bị cấm vận nặng nề nhất trên thế giới. Các lệnh trừng phạt được ban hành từ tháng 3-2016 tới nay chủ yếu nhắm vào việc cấm Triều Tiên xuất khẩu kim loại, nguyên liệu thô, hàng xa xỉ, hải sản, than đá và nhập khẩu xăng dầu
Các lệnh cấm vận nhắm vào công nghệ tên lửa, vũ khí hạng nặng được đưa ra trước thời kỳ này và không nằm trong các lệnh trừng phạt Triều Tiên muốn được dỡ bỏ tại hội nghị Trump – Kim, quan chức này cho biết.
Đây được coi là sự khác biệt lớn trong quan điểm giữa Mỹ và Triều Tiên. Với Bình Nhưỡng họ sẵn sàng chấp nhận lệnh cấm vận liên quan trực tiếp đến vũ khí hạt nhân và công nghệ tên lửa, nhưng luôn coi việc áp đặt lệnh trừng phạt vào các lĩnh vực thương mại là hành động “không đàng hoàng”.
Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Trump và các cố vấn cho rằng bất đồng giữa họ là quá lớn vì Washington đã quyết định rằng việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận sau 2016 sẽ mang lại cho Triều Tiên “nhiều tỷ USD” và số tiền này có thể được Bình Nhưỡng sử dụng để tiếp tục các chương trình hạt nhân, tên lửa.
Vậy nên, đây có thể là điều Triều Tiên muốn. Nhưng đó không chính xác như điều mà Tổng thống Trump nói là Triều Tiên muốn dở bỏ tất cả lệnh trừng phạt.
Ông Kim đã cảm ơn những nỗ lực tích cực của ông Trump, mong chờ cuộc gặp tiếp theo giữa hai người. Ảnh: AP
Ông này cũng nói rằng yêu cầu do phía Triều Tiên đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh không phải là điều bất ngờ, bởi họ đã thúc đẩy mong muốn này trong các cuộc đàm phán cấp thấp nhiều tuần trước.
Dù không đạt được sự thống nhất trong cuộc đàm phán kéo dài tại khách sạn Metropole hôm 28-2, phái đoàn hai nước vẫn ra về trong thân thiện và “không ai giận dữ”, như lời của Trump nói. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders sau đó còn đăng lên Twitter ảnh ông Kim Jong-un tươi cười khi bắt tay tạm biệt Trump và cho biết ông Kim đã cảm ơn ông Trump vì đã nỗ lực tích cực cho cuộc họp thành công, cho rằng đây là một hành trình dài và hứa hẹn sẽ còn gặp nhau trong tương lai.
Tú Quyên / Plo