Sunday, September 29, 2024

Có phải “Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 không đem lại lợi ích gì ngoài việc tốn tiền thuế của dân”

Lướt qua một số trang mạng xã hội, rất nhiều bình luận thắc mắc, tranh cãi về vấn đề lợi ích khi Việt Nam phải gấp rút đầu tư mọi nguồn lực để có thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần 2?. Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam tổ chức sự kiện này “không đem lại lợi ích gì ngoài việc tốn tiền thuế của dân” hay “vì hội nghị thượng đỉnh mà cấm đường, chặn xe; gây bất tiện, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân”, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, sao phải đăng cai làm gì cho mệt”, thậm chí tệ hại hơn là chửi bới Nhà nước rồi đem những vấn đề không liên quan như “cơm áo gạo tiền” ra so sánh…

Xin đưa ra thông tin về những lợi ích không nhỏ của nước ta khi đăng cai sự kiện tầm cỡ thế giới này.

Có phải “Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 không đem lại lợi ích gì ngoài việc tốn tiền thuế của dân”

So sánh kinh phí tổ chức và khoản thu mang lại

Tiền luôn là vấn đề đầu tiên, khi nhiều khoản chi phí tổ chức hội nghị sẽ do nước chủ nhà đảm nhận. Năm ngoái, để tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 1, nước chủ nhà Singapore đã phải chi khoảng 13 triệu USD, thiết lập hàng rào an ninh 4 lớp; điều động tới hơn 7.400 người đã tham gia vào công tác chuẩn bị và thực hiện.

Tuy nhiên, sau đó Singapore đã thu về khoảng 700 triệu USD từ sự kiện này khi thu hút hơn 2.500 nhà báo từ khắp nơi trên thế giới. Mỗi khách du lịch đến Singapore đóng góp khoảng 1.500 USD vào tổng doanh thu ngành du lịch trong trung bình 3,5 ngày. Trước khi sự kiện này diễn ra, các doanh nghiệp Singapore đã “chìm” trong “cơn sốt” hội nghị thượng đỉnh, họ kiếm bộn tiền từ các hoạt động tổ chức sự kiện và bán đồ lưu niệm.

Theo ước tính sơ bộ của Tổng cục Du lịch Singapore, sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên, lượng khách du lịch tới nước này tăng 6,2% lên 18,5 triệu lượt và doanh thu từ du lịch tăng 1% lên 27,1 tỷ USD. Cơ quan này cho biết, thông tin về hội nghị thượng đỉnh thu hút 2,36 tỷ lượt xem, cùng 8.000 bài viết có đề cập tới quốc gia của họ. Tính riêng ở Mỹ, một ngày trước khi hội nghị diễn ra, từ khóa “Singapore ở đâu?” đạt 2 triệu lượt tìm kiếm trên Google.

Đối với Việt Nam, một số cư dân mạng làm phép tính nhẩm: Khoảng 3.000 phóng viên quốc tế đã đổ về Hà Nội, trung bình tiết kiệm nhất thì mỗi người chi tiêu khoảng 200 USD/ngày và họ có khoảng 5 ngày tác nghiệp. Như vậy, Việt Nam đã có thể thu về khoảng 3 triệu USD. Đó chỉ là những thứ rất nhỏ đong đếm được.

Còn lợi ích to lớn hơn rất nhiều đối với kinh tế Việt Nam, đó là hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều là sự kiện quá tuyệt vời để quảng bá hình ảnh Việt Nam đến toàn thế giới như là một quốc gia có chính trị ổn định, an toàn, là điểm đến hòa bình và đầy hứa hẹn…

Thay vì phải trả hàng triệu USD cho mỗi phút quảng cáo trên các kênh truyền hình hàng đầu thế giới, qua hội nghị này, hình ảnh Việt Nam sẽ được quảng bá miễn phí. Từ đó chắc chắn các nguồn lợi kinh tế khác ở quốc tế sẽ đổ vào Việt Nam và chính chúng ta sẽ là người trực tiếp được hưởng lợi một cách lâu dài.

Dấu ấn lịch sử

Nguyên thủ các nước gặp nhau nhiều nhưng tổng thống Mỹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên thì quá hiếm. Cuộc gặp hai bên nhằm giải quyết cuộc đối đầu lịch sử đầy kịch tính tốn không biết bao nhiêu giấy mực của giới báo chí, phân tích chính trị và sử học quốc tế. Sự kiện sẽ thu hút sự quan tâm của hàng tỷ người trên thế giới.

Không phải ngẫu nhiên mà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên thống nhất họp thượng đỉnh tại Hà Nội. Việt Nam được coi là tấm gương trong phong trào chống chủ nghĩa thực dân và đế quốc ở thế kỷ 20, đồng thời cũng là ví dụ điển hình về sự hòa giải, hàn gắn quan hệ sau chiến tranh giữa các cựu thù.

Một trong những mục tiêu được mong đợi trong hội nghị lần này chính là Mỹ và Triều Tiên ký được hiệp ước hòa bình. Hai nước mới chỉ ký hiệp định ngừng bắn và chấm dứt xung đột vào năm 1953, chứ không chính thức kết thúc tình trạng chiến tranh. Còn gì tuyệt vời hơn khi lịch sử thế giới sau này sẽ luôn nhắc tới việc hòa bình được lập lại trên bán đảo Triều Tiên vào năm 2019 với việc lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên ký “Tuyên bố Hà Nội”?

Tất nhiên, Washington và Bình Nhưỡng còn rất nhiều bất đồng như phi hạt nhân hóa, cấm vận và sự hiện diện của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên. Những vấn đề này khó có thể giải quyết chỉ với một cuộc gặp thượng đỉnh kéo dài hai ngày, nhưng ai cấm chúng ta nghĩ về một viễn cảnh tích cực như thế.

Vị thế đất nước

Xét lợi ích về chính trị thì khỏi bàn, rõ ràng khi cả hai nước Mỹ, Triều Tiên chọn Việt Nam làm nơi đăng cai hội nghị thượng đỉnh sẽ đưa hình ảnh nước ta lên một tầm cao mới trong việc nhìn nhận Việt Nam như một quốc gia cho những cuộc thương thuyết hòa bình. Đây là điều hết sức quan trọng, giúp Việt Nam tiến sâu hơn vào chính trường quốc tế.

Bên cạnh đó, sau hội nghị này, Việt Nam có thể trở thành một địa điểm, một đối tác đáng tin cậy để các nước tổ chức các cuộc gặp gỡ, đàm phán. Lúc ấy, lợi ích thu được đối với đất nước và chính mỗi người dân sẽ lâu dài và “vô giá”.

Tóm lại, nếu như hội nghị này diễn ra thành công, nước chủ nhà làm tốt vai trò tổ chức và hòa giải, chúng ta hoàn toàn có hy vọng vào tương lai, Có thể một ngày nào đó Hà Nội sẽ trở thành một “Paris”, “Geneve” của thế giới. Đó hoàn toàn là hiện thực, không phải giấc mơ, đạt được hay không phụ thuộc vào chính mỗi người dân Việt Nam chúng ta!.

LĂNG PHONG

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG