Nga bức xúc cáo buộc việc triển khai các hệ thống vũ khí chiến đấu đình đám của Mỹ Aegis Ashore ở trên đất Nhật Bản là vi phạm Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Nhật Bản ngay lập tức lên tiếng bác bỏ.
Kế hoạch triển khai các hệ thống phòng không Aegis Ashore do Mỹ chế tạo trên lãnh thổ Nhật Bản sắp tới không thể được coi là hành vi vi phạm hiệp ước INF bởi Nhật Bản không phải là nước ký kết hiệp ước này. Đây là tuyên bố vừa được Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đưa ra ngày hôm nay (20/2) trong cuộc tranh luận tại Quốc hội.
“Đất nước chúng tôi không phải là một bên của hiệp ước. Vì thế, Nhật Bản không có nghĩa vụ phải tuân theo hiệp ước đó”, ông Kono nhấn mạnh.
Trước đó, hồi đầu tháng, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya đã khẳng định trước Quốc hội nước này rằng, những hệ thống vũ khí Aegis Ashore mà Nhật Bản có kế hoạch mu
Hồi tháng 12 năm 2017, chính phủ Nhật Bản đã thông qua quyết định triển khai hai hệ thống Aegis Ashore để bảo vệ nước này khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa từ Triều Tiên. Tokyo sẽ mua những hệ thống Aegis Ashore từ Mỹ với trị giá 889 triệu USD/1 hệ thống. Hệ thống Aegis Ashore dự kiến được triển khai ở Nhật Bản vào năm 2023.
Hệ thống chiến đấu Aegis của tập đoàn lừng danh Lockheed Martin Aegis là sự kết hợp các thiết bị phức tạp khác nhau gồm radar, máy tính, phần mềm, máy phóng vũ khí và vũ khí nhằm chống lại một loạt mối đe dọa trên mặt đất, trên không và dưới nước. Mục đích của sự kết hợp này là nhằm tạo ra một hệ thống chiến đấu toàn diện nhất.
Không phải vô cớ mà Aegis được ví là tấm lá chắn huyền thoại của thần Dớt. Nó chính là hệ thống chiến đấu tiên tiến và phức tạp nhất thế giới, là “trái tim” của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo xuyên quốc gia mà Mỹ đang xây dựng.
Hải quân Mỹ đã sử dụng rộng rãi hệ thống Aegis. Aegis là một phần trong hệ thống lá chắn tên lửa của NATO ở Châu Âu.
INF được ký kết là để giải quyết một cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân thời Xô-viết nhằm vào các thủ đô phương Tây. Hiệp ước INF được ông Mikhail Gorbachev và ông Ronald Reagan ký năm 1987 cấm Nga và Mỹ phát triển, triển khai và thử nghiệm các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo được phóng đi từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng 300 đến 3.400 dặm (tương đương từ 482km đến 5470km). Hiệp ước này được coi là một thành tựu lớn đạt được trong nỗ lực nhằm “tháo ngòi” căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh và giúp hóa giải nỗi lo sợ về vũ khí hạt nhân ở Châu Âu.
Nga và Mỹ liên tục cáo buộc lẫn nhau về những vụ vi phạm hiệp ước. Mỹ tố cáo Nga chế tạo các tên lửa bị cấm trong hiệp ước. Trong khi đó, Nga tố ngược lại rằng Mỹ không tuân thủ INF khi thiết lập các căn cứ quân sự ở Đông Âu có khả năng không chỉ phòng thủ mà còn tấn công được và có thể nhằm vào Nga. Bất chấp những lời cáo buộc trên, chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama trước đó đã quyết định không từ bỏ thỏa thuận này.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 10 năm ngoái đã bất ngờ tuyên bố sẽ rút nước này ra khỏi INF để trả đũa cho việc Nga không tuân thủ INF. Hiện tại, Mỹ đang xúc tiến tiến trình rút khỏi INF.
Kiệt Linh (tổng hợp)