Như thường lệ, trong bản phúc trình thường niên tổ chức Freedom House tiếp tục đưa ra những thông tin thiếu khách quan, sai sự thật và thiếu thiện chí về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Bản phúc trình mới nhất của Freedom House ngày 5/2 và bài viết trên RFA ngày 6/2 đã mô tả rằng “Việt Nam vẫn là một quốc gia không có tự do về mọi mặt”. Cụ thể, theo thang điểm từ 0 đến 100, với điểm 0 là không có tự do đến điểm 100 là tự do nhất, thì Việt Nam được 20 điểm, thuộc vùng không có tự do?!
Thực tế cho thấy những gì mà Freedom House và RFA đưa ra đều dựa trên những thông tin xuyên tạc và không có cơ sở bởi cộng đồng quốc tế đã công nhận những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người.
Bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam, được thực hiện phù hợp với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng như các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.
Bản Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định sự nhất quán về nội dung quyền con người, quyền công dân trong các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992; đồng thời bổ sung nhận thức mới đầy đủ, sâu sắc hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với tình hình mới của đất nước và bối cảnh quốc tế hiện nay để từng bước cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.
“Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.” (Điều 14 Hiến pháp năm 2013)
Trong hợp tác quốc tế về bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, đến nay Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước của Liên hợp quốc về quyền con người như: Công ước về Quyền Dân sự, Chính trị; Công ước về quyền Kinh tế, Văn hóa, Xã hội; Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về Quyền Trẻ em;…
Việc tôn trọng, bảo đảm các quyền cơ bản của người dân không chỉ thể hiện ở việc kiện toàn hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến quyền con người mà được thực hiện trên tất cả các mặt như: Tự do ngôn luận, báo chí, thông tin; tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giáo dục…
Trên thực tế, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân phát triển ổn định, các tổ chức xã hội và người dân tham gia tích cực vào quá trình kiểm tra, giám sát việc thực thi luật pháp, chính sách của Nhà nước. Các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động. Báo chí, internet phát triển mạnh. Đáng chú ý, Việt Nam hiện nằm trong số 20 quốc gia có số người dùng Internet nhiều nhất thế giới, đứng thứ 8 ở khu vực châu Á và đứng thứ 2 trong ASEAN. Khoảng 50 triệu người Việt Nam sử dụng Internet và dễ dàng thể hiện quyền tự do ngôn luận của mình thông qua các tài khoản mạng xã hội…
Tất cả những sự thật ấy là bằng chứng cụ thể và xác thực, đủ sức chứng minh các đánh giá của Freedom House và RFA là bịa đặt, lố bịch./.
Đắc Chí