Friday, March 29, 2024

Bộ GD-ĐT: Đã sai thì nói rằng sai!

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa làm hai chuyện khó tin. Đó là ra văn bản yêu cầu giáo viên “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa” và sau đó bảo cách diễn đạt của văn bản đã “gây hiểu lầm” chứ không có chuyện cấm đoán!

Xin thưa, chẳng ai hiểu lầm cả. Người ta toàn hiểu đúng. Hiểu đúng và phản biện gay gắt: Chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã sai.

Bộ GD-ĐT: Đã sai thì nói rằng sai!
Văn bản số 4612/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký.

Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ ký ngày 3-10-2017 nêu rõ: “Tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa (SGK) hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu; không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong SGK vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK.

Ý cuối trong phần trích dẫn bên trên là quá rõ ràng, cả chữ lẫn nghĩa, không thể hiểu khác. Thế mà ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học – Bộ GD-ĐT, phân bua với báo chí chiều 17-10: Do SGK cụ thể hóa mục tiêu của chương trình nên ý cuối cùng trong câu này nhằm nhấn mạnh yêu cầu không dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành (…) Việc diễn đạt như trên đã gây ra hiểu lầm là bộ chỉ cho phép giáo viên khai thác sử dụng SGK để dạy học.

Đối tượng liên quan trực tiếp đến Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH là các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục… Họ đọc là hiểu ngay và hiểu đúng chứ không phải như lời biện hộ giản đơn của ông phó vụ trưởng.

Nội dung cấm đoán nói trên bị đại đa số giáo viên phản ứng suốt mấy ngày nay, thông qua kênh báo chí. Nhiều người ngoài ngành giáo dục cũng xem đây là chỉ đạo đi ngược xu thế, “non kém” và “ngớ ngẩn”. Phải chăng trước áp lực đó, người có trách nhiệm ở Bộ GD-ĐT cố tìm cách phân bua để hạ nhiệt? Tuy nhiên, lý lẽ chẳng thuyết phục chút nào.

Chẳng thà thấy đã sai hoặc chưa chuẩn thì xin nhận, thu hồi văn bản để sửa hoặc cũng có thể đổ lỗi cho… người đánh máy, tức là có địa chỉ chịu trách nhiệm. Chứ đường đường là “bộ học” mà thảo cái văn bản chỉ đạo giáo viên trên toàn quốc mắc sai sót đến thế rồi nói “diễn đạt gây hiểu nhầm” thì mất uy tín lắm!

Thậm chí, bộ cần thể hiện sự cầu thị bằng cách xử lý trách nhiệm cá nhân tham mưu và ký ban hành văn bản có nội dung sai sót, gây bất bình để làm gương.

Đừng cho đây là tiểu tiết về chữ nghĩa. Đó thực ra là vấn đề lớn, liên quan câu chuyện về SGK và chương trình học bao năm nay Bộ GD-ĐT loay hoay cải tiến nhưng vẫn cứ như “đẽo cày giữa đường”. Không như nhiều nước khác, chúng ta độc quyền SGK trong thời gian quá lâu, Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm nội dung và chỉ định Nhà Xuất bản Giáo dục (thuộc bộ) in ấn, phát hành. Ai cũng biết độc quyền, phi cạnh tranh thì không thể tạo ra chương trình học tối ưu, lấy học sinh làm trung tâm, vậy nhưng tình trạng ấy cứ tồn tại mãi. Là vì cái gì?

Có phải vì độc quyền biên soạn, độc quyền in ấn đã thành tư duy cố hữu nên mới sinh ra chủ ý độc quyền phạm vi bài giảng như bộ mới vừa “gây hiểu lầm”?

  • An Quý (NLĐ)

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG