Ngày 10/5/2018 BCHTW ban hành Quy định số 01-QĐ/TW quy định trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban kiểm tra trong công tác phòng, chống tham nhũng. Quy định gồm có 4 Chương, 8 điều quy định về nguyên tắc, trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban kiểm tra về phòng chống tham nhũng; phát hiện vi phạm về tham nhũng; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và giải quyết tố cáo và xử lý hành vi tham nhũng; trách nhiệm của cấp ủy đảng và Ủy ban kiểm tra trong tổ chức thực hiện. Việc xử lý kỷ luật cũng như điều tra, truy tố, xét xử hình sự đối với các cá nhân sai phạm thể hiện sự nghiêm minh của luật pháp, theo nguyên tắc “không có vùng cấm”, không có ngoại lệ. Cơ quan bảo vệ pháp luật càng phải chấp hành nghiêm pháp luật. Điều này thể hiện tinh thần của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay “xử một vài người để cứu muôn người”. Ở đây là xử lý người phạm pháp, vừa là việc áp dụng theo đúng quy định pháp luật, vừa là biện pháp để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung, vì sự ổn định và phát triển, làm trong sạch lực lượng. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, chỉ rõ: “Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra và các cơ quan tư pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ sai phạm theo quy định của pháp luật; trước mắt tập trung xử lý dứt điểm các vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội và nhân dân quan tâm và công khai kết quả xử lý. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng”.
Thực tế công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xây dựng chỉnh đốn đảng được Đảng ta quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong thời gian vừa qua và đã đạt nhiều kết quả tích cực, rõ nét. Đã có nhiều tổ chức đảng và đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật, trong đó có nhiều cá nhân đã từng công tác trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân. Như là vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc tại Phú Thọ (liên quan ông Phan Văn Vĩnh, ông Nguyễn Thanh Hóa); vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm); vụ án Đinh Ngọc Hệ (Út trọc),… Những vụ việc xử lý kỷ luật các cá nhân đã từng và đang công tác trong lực lượng vũ trang như trên thường được dư luận quan tâm nhiều hơn, đây cũng chính là cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng, suy diễn, quy chụp quá mức nhằm chống phá lực lượng vũ trang. Thực tế trên nhiều trang báo ngoài nước và mạng xã hội đã có những bài viết, bình luận mang tính suy diễn, quy chụp, vượt phạm vi khuôn khổ một vụ án, tại một phiên tòa cụ thể. Thậm chí chúng sản xuất các video clip, cắt ghép hình ảnh nhằm chế nhạo, miệt thị lực lượng vũ trang.
Thủ đoạn của chúng là, từ vụ án, vụ việc sai phạm, tiêu cực liên quan đến những cá nhân cụ thể, các đối tượng tìm cách đánh đồng, chụp mũ, quy kết thành vấn đề có tính “bản chất” của lực lượng, cho rằng sai phạm, tiêu cực “có tính hệ thống” và là “tảng băng chìm”. Một số trang mạng phản động, chuyên chống phá chế độ đã lợi dụng vụ án để phủ định sạch trơn truyền thống, thành tựu của lực lượng Công an nhân dân, tìm cách thổi phồng sự việc, bôi nhọ danh dự, đồng thời lên án, kích động tư tưởng phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, thậm chí đổ lỗi các hiện tượng tiêu cực là do “nguyên nhân chính trị”. Trong khi đó, không ít cá nhân trong và ngoài nước đã không nhận thức sâu sắc thủ đoạn của các thế lực thù địch, dễ bị ảnh hưởng bởi “hội chứng đám đông”, đã share bài viết, hình ảnh châm biếm và có những bình luận mang tính tiêu cực, suy diễn, vô tình hay cố ý tiếp tay cho mưu đồ phá hoại của kẻ xấu.
Từ những vụ việc trên chúng ta cần nhận thức rằng, trong quá trình xây dựng, phát triển, cùng những thành tựu, kết quả đạt được thì ở bất kỳ ngành, lĩnh vực nào cũng còn những tồn tại, khuyết điểm. Để sự phát triển được vững mạnh, củng cố niềm tin trong nhân dân, Đảng ta luôn xác định phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực, cùng việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu. Đối với lực lượng vũ trang, việc xử lý những cá nhân sai phạm cả về mặt kỷ luật hành chính và xử lý hình sự như vừa qua là thể hiện việc thực hiện nghiêm đường lối, chính sách của Đảng, trong đó có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII cũng như thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Điều quan trọng là từ những vụ việc đã xảy ra, chúng ta cần có quan điểm thấu đáo, từ đó đúc rút bài học cho chính mình, cho đồng chí, đồng đội. Với mỗi vụ án, vụ việc xảy ra là sự thức tỉnh, là bài học để mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tiếp tục phấn đấu rèn luyện, tuân thủ pháp luật, tận hiến công tác; khẳng định niềm tin vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xử lý nghiêm sai phạm, chấp nhận những tổn thất nhất định để giữ vững kỷ cương, phép nước, vì lợi ích chung. Đồng thời, phải nhìn nhận theo tinh thần xây dựng, một cách nhìn toàn diện vì công cuộc, sự nghiệp chung. Ở đây là sai phạm của cá nhân, trong một vụ án cụ thể, do đó phải nhìn nhận trong phạm vi vụ án và với chính cá nhân, hành vi đó. Không vì sai phạm của một cá nhân, một vụ việc mà đánh đồng, suy diễn ra vấn đề chung của lực lượng. Việc suy diễn, quy kết từ vụ việc cụ thể của các cá nhân thành vấn đề của ngành, của lực lượng rồi tìm cách bôi nhọ, miệt thị, thậm chí phủ nhận sạch trơn vai trò, vị trí, thành quả của lực lượng vũ trang rõ ràng mang động cơ xấu, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá lực lượng vũ trang.
Những sai phạm, tiêu cực đã và đang xảy ra chỉ ở bộ phận nhỏ không thể phủ nhận bản chất, truyền thống của lục lượng vũ trang. Các thế lực thù địch, kẻ xấu luôn dựa vào những vụ việc đó để tìm cách xuyên tạc, chia rẽ, dựa vào những vụ việc, hiện tượng sai phạm của một số cán bộ, chiến sĩ để đánh đồng đó là bản chất của lực lượng vũ trang. Âm mưu, hành vi chống phá đó cần phải nhận thức rõ để đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.