Trung Quốc đang xúc tiến kế hoạch xây dựng căn cứ trí tuệ nhân tạo dưới biển phục vụ cho hoạt động của tàu ngầm tự hành ở Biển Đông.
Tàu ngầm không người lái Tiềm Long III có thể được dùng cho dự án căn cứ AI
Dự án nói trên đang được khởi động tại Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm một viện nghiên cứu biển nước sâu ở Hải Nam hồi tháng 4. Khi đó, ông Tập yêu cầu các nhà khoa học và kỹ sư “mạo hiểm làm điều chưa được ai làm trước đó”, theo tờ South China Morining Post (SCMP) hôm qua. Với tên gọi Hades, nghĩa là “địa ngục” trong thần thoại Hy Lạp, Trung Quốc tham vọng trung tâm này là căn cứ trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên trái đất.
Giống như trạm không gian, căn cứ mới sẽ có các bến đậu và tàu ngầm tự hành sẽ được gửi đến để khảo sát đáy biển cũng như thu thập mẫu khoáng sản. Căn cứ mới cũng mang chức năng một phòng thí nghiệm tự điều khiển, có thể phân tích mẫu và gửi báo cáo tới các trung tâm nghiên cứu liên quan trên đất liền. Tuy phụ thuộc vào dây cáp kết nối với tàu hay trung tâm năng lượng và liên lạc, “bộ não” cùng các bộ cảm biến mạnh của căn cứ sẽ cho phép cơ sở này thực hiện sứ mệnh tự động.
Lược đồ vị trí rãnh Manila – ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH SCMP – ĐỒ HỌA: HỒNG SƠN
Đáy biển nước sâu là môi trường cực kỳ phức tạp, nơi áp suất cao, địa chất hay thay đổi và động đất có thể đe dọa bất kỳ cấu trúc nào. Điều này có nghĩa kinh phí xây dựng căn cứ có thể vượt xa ước tính ban đầu. Trung Quốc đã dành ngân sách 1,1 tỉ nhân dân tệ (gần 3.700 tỉ đồng) để xây dựng căn cứ dưới đáy biển, mức cao chưa từng có đối với một cơ sở nghiên cứu dưới biển nước sâu, theo SCMP. Một số nhà khoa học tham gia dự án thừa nhận sẽ gặp nhiều thách thức để hiện thực hóa tham vọng trên. Tiến sĩ Đỗ Thanh Hải thuộc Đại học Hải dương Thượng Hải (Trung Quốc) nhận định: “Việc đó có thể khó hơn xây dựng một trạm không gian. Chưa có quốc gia nào tiến hành dự án như thế trước đây”. Tuy vậy, ông Đỗ đánh giá nếu được thực hiện thành công, dự án sẽ làm cho Trung Quốc “mạnh hơn và dẫn đầu thế giới trong những lĩnh vực trọng yếu”.
Giáo sư Nghiêm Phẩm thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, cho biết địa điểm xây dựng căn cứ dưới đáy biển cần đáp ứng nhiều yêu cầu. Theo đó, vị trí đó phải đủ sâu, có nhiều vận động địa chất cho nghiên cứu khoa học, nhưng hoạt động không quá mạnh. Theo ông Nghiêm, một trong những vị trí sáng giá cho căn cứ AI dưới biển của Trung Quốc là rãnh Manila, rãnh đại dương nằm ở phía tây đảo Luzon và Mindoro ở Philippines, đạt đến độ sâu khoảng 5.400 m. “Đây là nơi duy nhất ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông – NV) với độ sâu vượt 5.000 m”, ông Nghiêm nhận định với SCMP. Rãnh Manila cũng nằm gần bãi cạn Scarborough tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. Chuyên gia này không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ xây dựng căn cứ AI dưới biển cho hoạt động của tàu ngầm gần Scarborough.
Chưa rõ kế hoạch cụ thể của Trung Quốc, nhưng chắc chắn dự án này sẽ đưa tới các hệ lụy khó lường đối với an ninh khu vực, nhất là khi Bắc Kinh thời gian qua liên tục tiến hành quân sự hóa phi pháp trên Biển Đông bất chấp phản đối của cộng đồng quốc tế. Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể chia sẻ dữ liệu thu được từ hoạt động của căn cứ với các nước để đổi lại sự ủng hộ đối với những yêu sách phi lý của họ trên Biển Đông.
Văn Khoa (Thanh niên)