Chủ tịch Tập Cận Bình dự APEC 2018 ở Papua New Guinea với tâm thế hoàn toàn khác các lãnh đạo thế giới bởi Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng đáng kể ở đây.
Trung Quốc đã bỏ ra 16 triệu USD xây một đại lộ trông vô cùng ấn tượng, rộng tới vài trăm mét, với 6 làn xe, 2 lối đi bộ, 3 bộ đèn giao thông và tận 5 công viên cây xanh trên chiều dài chỉ vỏn vẹn 1 km dẫn vào trung tâm hội nghị của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2018 tại Papua New Guinea.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong lễ khai trương đại lộ Độc lập ở Papua New Guinea. (Ảnh: Getty Images)
“Con đường chẳng đi tới đâu”
Vào ngày 16/11 vừa qua, cũng là ngày đầu tiên trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh của 21 nền kinh tế ở “vành đai Thái Bình Dương” này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng lãnh đạo nước chủ nhà Papua New Guinea đã chính thức khai trương đại lộ mang tên “Độc lập” (Independent) ở thủ đô Port Moresby.
Có điều, đại lộ biểu tượng cho quan hệ Trung Quốc – Papua New Guinea, đồng thời thể hiện tham vọng của Bắc Kinh muốn cạnh tranh với Australia ở ngay cửa ngõ châu lục này, lại dẫn tới một con đường nhỏ gập ghềnh dưới chân đồi. Giới phê bình đã gọi đây là “con đường chẳng đi tới đâu” như cái cách Trung Quốc đang muốn gây thanh thế ở khắp châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có APEC lần này.
Google map chưa kịp cập nhật hình ảnh song phần khoanh đỏ là nơi xây dựng đại lộ Độc lập nối tòa nhà Quốc hội (Parliament) và trung tâm hội nghị APEC (Convention Centre).
Không thể phủ nhận rằng, việc được làm chủ nhà của APEC là một vinh dự to lớn và lại càng có ý nghĩa hơn với quốc gia nghèo nhất APEC – Papua New Guinea. Vì thế chẳng có gì khó hiểu hay sai trái khi Papua New Guinea muốn chứng minh cho các nước thành viên khác rằng, nước này đã phát triển ra sao và nỗ lực hết sức cho sự kiện chính trị đầu tiên lớn như thế ở quốc đảo này.
“Cao tốc Poreporena và Đại lộ Độc lập sẽ là tâm điểm của APEC” – Thủ tướng Papua New Guinea – Peter O’Neill ca ngợi dự án do Trung Quốc tài trợ. “Những con đường này và trung tâm hội nghị sẽ không chỉ được dùng cho các nhà lãnh đạo thế giới và quan chức, khách mời tới APEC mà Papua New Guinea sẽ sử dụng những cơ sở hạ tầng này trong nhiều năm nữa”.
Nhưng không phải mọi người dân Papua New Guinea đều nghĩ như vậy, nếu không phải là một bộ phận đáng kể dư luận có nhận định ngược lại.
“Đại lộ Độc lập là một con đường tốt hoàn hảo, chỉ có điều nó chẳng dẫn đi đâu cả và ai mà biết được vì sao họ lại xây nó” – Tỉnh trưởng tỉnh Oro của Papua New Guinea, ông Gary Juffa nói.
“Bẫy nợ”
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc vung tiền khắp Nam Thái Bình Dương bởi Bắc Kinh có quá nhiều mục tiêu ở khu vực này, trong đó có việc “mua chuộc” những quốc đảo đã chính thức công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập, điều mà Trung Quốc không thể chấp nhận được.
Đối với một số nước nhỏ ở khu vực này, giờ là lúc phải trả cả gốc lẫn lãi.
Như Tonga, nước đã nhận 160 triệu USD của Trung Quốc để tái thiết trung tâm thủ đô sau cuộc bạo động năm 2008, và giờ nước này đang phải vật lộn để trả lại khoản nợ chiếm gần 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của họ.
120 triệu USD là khoản tiền Vanuatu đã nhận từ Trung Quốc để xây cầu cảng được quảng bá là dài nhất khu vực, có thể tiếp đón từ tàu du lịch đến tàu chở containter, thậm chí là tàu chiến. Hồi tháng 4 vừa qua, chính phủ Vanuatu đã lên tiếng khẳng định, tin đồn rằng Trung Quốc muốn sử dụng cầu cảng mới này như một căn cứ quân sự chỉ là “sự suy đoán”, nhưng sự quan ngại ở trong và ngoài Vanuatu về viễn cảnh đó là điều có thật.
Một số học giả cáo buộc Trung Quốc đang rải “bẫy nợ” ở khắp nơi như một công cụ hỗ trợ cho chính sách ngoại giao của Bắc Kinh. Về cơ bản, Trung Quốc đã nhìn ra khả năng những “con nợ” của họ không thể trả nổi số tiền khổng lồ kia và chỉ chờ thời điểm thích hợp để đưa ra những lời đề nghị “giúp” giãn nợ, giảm nợ hay xóa nợ, tùy thuộc vào độ “khó” của yêu cầu từ phía Bắc Kinh.
Bài học của Sri Lanka
Hành động gần đây của Trung Quốc ở Sri Lanka càng làm các nước nhỏ ở châu Á – Thái Bình Dương cảnh giác hơn về ý đồ thực sự của Bắc Kinh đằng sau những khoản tiền có vẻ “hào phóng” đó.
Chính phủ Sri Lanka hiện nợ Bắc Kinh tới 4 tỷ USD để thực hiện một dự án cảng biển mới, mà đến nay vẫn ngổn ngang. Khi Sri Lanka không thể trả nợ, Trung Quốc đường hoàng nắm đa số cổ phần của cảng biển này. Và một số người lo ngại họ sẽ biến nó trở thành một tiền đồn quân sự của Trung Quốc đặt sát sườn đối thủ ở khu vực là Ấn Độ.
Cũng là cảng biển, năm 2015, lãnh thổ Bắc Australia đã cho 1 công ty tư nhân của Trung Quốc thuê với giá 500 triệu USD, một bản hợp đồng mà cả đôi bên đều vui vẻ nhưng chính phủ Mỹ thì khó chịu ra mặt vì cảng biển này nằm quá gần 1 căn cứ của họ ở gần đó.
Đầu tư của Trung Quốc ở Thái Bình Dương vẫn đứng sau Australia nhưng nó đang tăng với tốc độ đáng nể, giảng viên luật kinh doanh của trường đại học Charles Darwin, ông John Garrick nhận định.
Những khoản vay của Trung Quốc quá hấp dẫn với những quốc gia nghèo “đói” cơ sở hạ tầng, khiến các khoản đầu tư cho giáo dục, đào tạo, quản trị công…, như cái cách mà Australia hay các nước phương Tây đưa ra, không thể cạnh tranh dù có hiệu quả bền vững.
Một phân tích của Reuters về 11 nước Nam Thái Bình Dương đã tổng kết rằng, các khoản cho vay của Trung Quốc ở khu vực này đã tăng từ con số gần như bằng “0” lên hơn 1,3 tỷ USD chỉ trong vòng 1 thập kỷ.
“Tín dụng mà các ngân hàng nhà nước Trung Quốc đang rải ở khắp các quốc gia nghèo khổ và đang phát triển trông rất giống một hình thức ‘chủ nghĩa thuộc địa con nợ’. Điều đáng sợ là Trung Quốc đang sử dụng những khoản vay đó như là đòn bẩy để mở rộng ‘dấu chân’ quân sự của họ” – ông Garrick nhận định.
Thuyết âm mưu
Trung Quốc vẫn một mực khẳng định các khoản đầu tư nước ngoài của họ là nhằm phát triển kinh tế và xã hội.
Global Times, một “phát ngôn viên” của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã phủ nhận nước này rải “bẫy nợ” ở khắp nơi. Trong 1 bài báo hồi tháng 6, tờ báo này cho rằng cái gọi là “bẫy nợ” chỉ là một “thuyết âm mưu” của truyền thông phương Tây. Trung Quốc nói rằng, cảng biển mới mà họ nắm đa số cổ phần ở Sri Lanka có tiềm năng rất lớn và “Trung Quốc luôn tuân theo nguyên tắc cùng chia sẻ tăng trưởng”.
Trở lại với “con đường chẳng đi tới đâu” ở Papua New Guinea, Global Times cho biết, đây là một “món quà” từ Trung Quốc bởi kinh phí xây dựng dự án này không phải là tiền vay mượn.
Với 800 triệu USD mà Papua New Guinea đang nợ Trung Quốc, thực tế, việc thêm khoản kinh phí đó vào chỉ là trồng thêm 1 cái cây trên núi nợ khổng lồ. Quốc đảo nhỏ bé này đang là con nợ lớn nhất của Bắc Kinh ở Nam Thái Bình Dương.
Nợ tiền, nợ cả “tình” mà Bắc Kinh đã gửi gắm qua món quà ở APEC, Papue New Guinea sẽ khó lòng từ chối các yêu cầu của Trung Quốc.
“Con đường chẳng đi tới đâu” kia sẽ trở thành “đường cao tốc” đưa Bắc Kinh tới mục tiêu bành trướng ảnh hưởng ở Papua New Guinea.
Còn đại lộ “Độc lập” đó sẽ khiến Papua New Guinea bớt “độc lập” hơn trong những quyết sách có thể ảnh hưởng tới lợi ích của Bắc Kinh ở khu vực này./.
Diệu Hương/VOV.VN