Thursday, November 21, 2024

‘Hành động ngược chiều’ có thể hủy hoại thỏa thuận hạt nhân Iran

Chủ đề thỏa thuận hạt nhân Iran gây tranh cãi và chia rẽ giữa Mỹ với các đồng minh trong gần 10 tháng qua kể từ khi ông Trump nhậm chức.

'Hành động ngược chiều' có thể hủy hoại thỏa thuận hạt nhân Iran

Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump không xác nhận Iran tuân thủ Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) mà Tehran và nhóm P5+1, gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức ký kết năm 2015, không phải là động thái gây bất ngờ, song nó đang đẩy thỏa thuận hạt nhân lịch sử này vào tình thế bấp bênh, đồng thời tạo ra những rủi ro chưa thể lường hết đối với nhiều mối quan hệ quốc tế và tình hình an ninh khu vực.

Việc Tổng thống Donald Trump, trong bài phát biểu ngày 13/10 về chiến lược mới của chính quyền Mỹ đối với Iran, tuyên bố Tehran “nhiều lần vi phạm thỏa thuận này” và “không tuân thủ tinh thần của thỏa thuận”, đồng nghĩa với khả năng Mỹ rút khỏi JCPOA, như lời đe dọa lâu nay của ông Trump, vẫn còn bỏ ngỏ.

Những thay đổi về chính sách và cách tiếp cận mang tính đối đầu hơn của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran đã được dự báo từ lâu khi ông chủ Nhà Trắng liên tục chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran là “thỏa thuận tồi tệ và một chiều nhất” mà Mỹ từng ký.

Chủ đề thỏa thuận hạt nhân Iran cũng gây tranh cãi và chia rẽ giữa Mỹ với các đồng minh trong gần 10 tháng qua kể từ khi ông Trump nhậm chức.

Hơn 2 năm qua, JCPOA, một thỏa thuận hạt nhân toàn diện, cho phép dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran để đổi lấy việc nước cộng hòa Hồi giáo này hạn chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi, đã phần nào chứng tỏ đây là thành công của ý chí chính trị và những nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ của cộng đồng quốc tế.

Thỏa thuận mang tính bước ngoặt này đã chấm dứt “cuộc đua maraton” đàm phán cam go liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran kéo dài suốt gần 13 năm và nhiều lần lâm vào bế tắc, thậm chí đe dọa đẩy khu vực tới bên bờ vực chiến tranh.

Không chỉ mở ra chương mới trong quan hệ giữa Iran và phương Tây, JCPOA còn góp phần đáng kể trong việc đem lại sự ổn định cho khu vực khi một mặt vẫn công nhận quyền phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích dân sự của Iran, song mặt khác có thể ngăn chặn Tehran chế tạo vũ khí hạt nhân.

Trên thực tế, qua các đợt thanh sát, cho tới nay Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đều khẳng định Iran tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử về giảm mạnh khả năng hạt nhân.

Bởi vậy, những động thái cứng rắn của Tổng thống Mỹ liên quan JCPOA đã vấp phải sự phản đối của nhiều bên, kể cả các đồng minh của Mỹ.

Không chỉ Iran cảnh báo Mỹ, mà tất cả các đồng minh châu Âu của Washington thời gian qua đều nỗ lực để ngăn cản những “hành động ngược chiều” có thể hủy hoại thỏa thuận hạt nhân mà cộng đồng quốc tế đã phải rất khó khăn mới có thể đạt được, nhất là trước những hậu quả nghiêm trọng nếu Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA.

Bởi khi đó, gần như chắc chắn Mỹ phải một mình xoay xở trong vấn đề Iran, với nguy cơ đẩy quan hệ với các đồng minh quan trọng, đặc biệt ở châu Âu, vào tình thế khó xử.

Hệ quả tất yếu xảy ra là sự đối đầu với Iran, đẩy nguy cơ xung đột trong khu vực lên cao, thậm chí đến mức không thể đảo ngược. An ninh và sự ổn định tại nhiều nơi đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng.

Nếu rút khỏi JCPOA, Mỹ sẽ làm hệ thống giám sát hoạt động hạt nhân của Iran mất tác dụng, và khiến nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân trở nên khó khăn hơn nhiều.

Khi JCPOA, được xem là minh chứng rõ ràng rằng các biện pháp ngoại giao và hợp tác có thể giúp vượt qua những căng thẳng và đối đầu kéo dài nhiều thập kỷ, bị đổ vỡ, thì một giải pháp ngoại giao để Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, chắc chắn cũng không có hy vọng đạt được.

Giờ đây, bằng quyết định “đẩy bóng sang phần sân” Quốc hội Mỹ, ông Trump đang nhắm tới nhiều mục đích. Trước hết, ông không muốn phải lưỡng lự cứ mỗi 90 ngày để xác nhận Iran tuân thủ JCPOA trong khi bản thân ông nhiều lần chỉ trích đây là “thỏa thuận tồi tệ nhất”.

Thứ hai, việc không xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận không có nghĩa Mỹ rút khỏi JCPOA. Thứ ba, với việc trấn an đồng minh, Tổng thống Trump có thể lôi kéo các nước châu Âu tham gia nỗ lực trừng phạt Tehran về chương trình tên lửa đạn đạo và các hoạt động của nước Cộng hòa Hồi giáo mà Washington gọi là “gây bất ổn khu vực” .

Đến nay, việc Quốc hội Mỹ có áp đặt lại các biện pháp trừng phạt Iran hay không vẫn còn để ngỏ. Dù kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội, song để thông qua bất kỳ biện pháp nào theo luật định, đảng Cộng hòa cần phải nhận được sự ủng hộ của đảng Dân chủ.

Đây là nhiệm vụ khó khăn bởi gần như chắc chắn hầu hết nghị sĩ Dân chủ sẽ bỏ phiếu chống, do JCPOA là một trong những di sản chính sách đối ngoại quan trọng nhất của chính quyền tiền nhiệm. Trong khi đó, bản thân nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa thừa nhận chưa quyết định sẽ làm gì với Iran.

Tuy nhiên, không thể hoàn toàn loại bỏ kịch bản tồi tệ nhất, khi Quốc hội Mỹ áp đặt lại toàn bộ các biện pháp trừng phạt Iran, hoặc tận dụng cơ hội để đưa ra những yêu cầu mới với thỏa thuận này.

Quyết định đó sẽ dẫn đến việc đơn phương đàm phán lại JCPOA – động thái đến nay Iran và các bên ký kết khác vẫn cực lực bác bỏ. Khi đó, Iran có thể không tiếp tục tuân thủ một phần hoặc toàn bộ JCPOA, buộc Hội đồng Bảo an LHQ sẽ phải bỏ phiếu về một nghị quyết xem xét liệu có tiếp tục dỡ bỏ trừng phạt Iran hay không.

Nếu một nghị quyết như vậy không được thông qua trong vòng 30 ngày, các nghị quyết trừng phạt trước đó của HĐBA sẽ được áp dụng trở lại. Và lúc ấy, nhiều hậu quả khó lường chắc chắn sẽ xảy ra ở cả tầm khu vực và thế giới, trong bối cảnh Iran đã nhiều lần tuyên bố đáp trả ngay lập tức nếu Mỹ rút khỏi JCPOA.

Hơn thế nữa, chính Tổng thống Trump cũng tuyên bố chính quyền sẽ làm việc với Quốc hội và các nước đồng minh để xử lý “những lỗi nghiêm trọng của thỏa thuận” và trong trường hợp các nỗ lực thất bại, ông có thể rút lại sự tham gia của Mỹ đối với thỏa thuận này.

Trong bối cảnh đó, bản thân các nước tham gia ký kết và cộng đồng quốc tế cần chuẩn bị trước những kế hoạch phòng ngừa để giảm thiểu tác động từ kịch bản này.

Đặc biệt là các nước châu Âu cần phải có một lộ trình rõ ràng để bảo vệ JCPOA cũng như giải quyết những hệ quả phát sinh, thậm chí là cả một cuộc chiến pháp lý với Mỹ, nếu cần thiết.

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG