Nói về kinh nghiệm và thành công bước đầu của quá trình thực hiện mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND, bà Ðỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh bày tỏ: Có nhiều con đường để đi đến mục tiêu chung, chỉ cần chúng ta thực sự muốn đi thì mới có thể thành công.
Huyện đảo Cô Tô đã nhất thể hóa Bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND huyện. Trong ảnh Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 1 thăm và làm việc tại huyện Cô Tô Ảnh: Hoàng Phương
PV: Nhân sự là việc người. Thời gian qua Quảng Ninh đã và đang tiến hành công việc nan giải ấy cụ thể là thực hiện Đề án 25 về sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị. Xin bà tóm tắt những kết quả bước đầu?
– Đề án 25 của Quảng Ninh thực hiện đồng bộ toàn diện cả bốn nội dung đổi mới phương thức lãnh đạo; nâng cao năng lực sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên; sắp xếp tổ chức bộ máy; tinh giản biên chế.
Về tổ chức bộ máy biên chế có thể có một số kết quả dễ nhìn thấy như so với năm 2015, đã giảm được 107 phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương; 519 biên chế công chức và 1.314 người làm việc (biên chế viên chức). Triển khai hợp nhất một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng giữa cấp ủy và chính quyền ở cấp huyện (Tổ chức – Nội vụ ở 12/14 địa phương; Cơ quan Ủy ban kiểm tra – Thanh tra ở 13/14 địa phương. XB). Triển khai mô hình Cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh.
Nhưng điều quan trọng không phải là con số tinh giản tổ chức, bộ máy biên chế mà là những vấn đề về tăng cường sự thống nhất đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo thông qua nhất thể hóa chức danh, hợp nhất các cơ quan tham mưu giúp việc chung. Nâng cao hiệu quả của các cơ sở dịch vụ công (giáo dục, y tế). Chất lượng đội ngũ cán bộ ngày càng đáp ứng đòi hỏi của thực tế và người dân được hưởng lợi nhiều hơn…
Việc nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND ở Quảng Ninh đã làm ở cấp xã từ năm 2002, cấp huyện thì làm ở Cô Tô từ năm 1994. Cơ sở nào để Quảng Ninh triển khai hay do cấp trên chỉ đạo, thí điểm? Kinh nghiệm, thực trạng nào ở những địa phương ấy đã làm cú hích cho Quảng Ninh tiếp tục tự tin, sáng tạo trở thành điểm sáng để nhiều tỉnh thành trong cả nước tham khảo, học tập?
– Huyện đảo Cô Tô là địa phương có tính đặc thù. Diện tích nhỏ, dân cư thưa, xa đất liền, phương tiện liên lạc, giao thông khó khăn. Huyện đảo Cô Tô luôn ẩn chứa phát sinh nhiều tình huống đặc thù bất thường về thiên tai, chủ quyền… đòi hỏi phải xử lý đồng bộ, tập trung, nhanh nhạy, kịp thời. Vậy nên chúng tôi đã mạnh dạn thí điểm thực hiện nhất thể hóa Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện. Từ những hiệu quả bước đầu, chúng tôi đã mạnh dạn triển khai thí điểm với cấp xã.
Hiện nay, toàn tỉnh đang thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã ở 85/186 đơn vị cấp xã, 2/14 đơn vị cấp huyện, đồng thời, đã nhất thể Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở 1.542/1.565 thôn, bản, khu phố (98,53%).
Với việc thực hiện nhất thể hoá chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, người đứng đầu cấp ủy – chính quyền đã bám sát chức năng, nhiệm vụ của cấp ủy, Điều lệ, các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, Luật Tổ chức HĐND, UBND để lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Việc lập kế hoạch, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, nhiệm vụ của cấp trên và của cơ sở được kịp thời, nhanh gọn, sát thực tế và có tính khả thi cao, sớm đi vào cuộc sống. Từ khâu ra nghị quyết của cấp ủy đến điều hành của chính quyền là một thể thống nhất, tạo sự chủ động, tập trung cao trong lãnh đạo và thực thi nhiệm vụ.
Trong lãnh đạo, vận hành bộ máy linh hoạt, cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin nhanh, nhạy, kịp thời và hiệu quả hơn, nhất là giải quyết những vấn đề khó, mới phát sinh ở cơ sở; tập trung được sự lãnh đạo từ việc đề ra chủ trương, kế hoạch và tổ chức thực hiện.
Đối với các địa phương triển khai mô hình này thì việc lựa chọn, bố trí nhân sự để thực hiện Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND là nhân tố quyết định.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh có lần thẳng thắn là sẽ không để cán bộ nào phải đứng đường! Việc sắp xếp tinh gọn là luôn đụng chạm đến con người đến cán bộ cụ thể. Quảng Ninh làm cách nào để tránh được tình trạng gây tâm tư xáo trộn mất đoàn kết cũng như mất động lực của cán bộ?
– Việc tinh giản không chỉ dừng lại ở con số giảm biên chế mà nó được đặt trong giải pháp tổng thể, thống nhất. Mục đích cuối cùng là để có một bộ máy hoạt động hiệu quả, một đội ngũ cán bộ có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, tầm nhìn. Trong thực tế chúng tôi chưa phải loại ai ra khỏi bộ máy. Tất cả những vị trí giảm đều có lộ trình khi đủ điều kiện mới thực hiện. Đối với các vị trí lãnh đạo quản lý có sự thay đổi khi sắp xếp, áp dụng các mô hình mới cũng vậy. Ví dụ khi thực hiện nhất thể hóa, chúng tôi chỉ cho triển khai khi mà 1 đồng chí nghỉ hưu hoặc có đủ điều kiện bố trí chức danh khác thì đồng chí còn lại sẽ kiêm nhiệm. Vì cần đủ điều kiện nên chúng tôi không làm đồng loạt ở tất cả địa phương.
Có ý kiến cho rằng giảm được cấp trưởng nhưng lại lạm phát cấp phó ở đơn vị mới? Vấn đề này ở Quảng Ninh được thực hiện và chấn chỉnh ra sao?
– Điều này về cục bộ sẽ khó tránh khỏi. Tuy nhiên chúng tôi luôn thường trực sự tỉnh táo để tính toán, điều chỉnh trong tổng thể với mục tiêu thực hiện điều chuyển đảm bảo hợp lý, phù hợp với năng lực cán bộ.
Thưa bà, số cán bộ còn lại của Quảng Ninh thuộc diện phải cơ cấu tinh giảm các cấp là bao nhiêu? Và lộ trình sẽ như thế nào?
– Quảng Ninh sẽ phải tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế theo đúng lộ trình đến năm 2021 là giảm 10% so với năm 2015 đồng thời với đó là thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để cơ cấu lại đội ngũ.
Niềm động viên khích lệ hay những trăn trở day dứt mà cá nhân bà và đội ngũ cán bộ đã đón nhận, đã gặp phải trong công việc nan giải này như thế nào?
– Trăn trở day dứt thì nhiều. Thực tế vấn đề này Trung ương đã có nhiều nghị quyết và hầu như nhiệm kỳ nào cũng đặt ra nhưng hiệu quả chưa cao. Vì vậy chúng tôi phải thành lập một nhóm nghiên cứu gọi là “Tổ đề án”, tiến hành khảo sát nghiên cứu nghiêm túc, có thể nói là “dò đá qua sông”. Song cũng phải xác định là vừa làm vừa bổ sung, vừa rút kinh nghiệm, không duy lý, không hình thức, quyết liệt nhưng phải thận trọng vì sản phẩm của đề án tác động đến đời sống vật chất tinh thần của mỗi con người với gia đình, người thân và cả xã hội.
Cũng may mắn là tập thể lãnh đạo Quảng Ninh đồng thuận, thống nhất, quyết tâm, đoàn kết bên nhau cùng một tiếng nói, động viên, chia sẻ và cùng tháo gỡ để “cái gì lợi cho dân, cho nước dù nhỏ cũng phải cố gắng làm”.
Vâng, có thể gọi là kinh nghiệm bước đầu của Quảng Ninh liệu có áp dụng vận dụng cho những nơi khác? Bởi tôi nhận thấy rất nhiều địa phương đang gặp khó trong công việc nan giải này?
– Tỉnh Quảng Ninh với Đề án 25 là địa phương đầu tiên đặt vấn đề tương đối tổng thể, bằng sự chủ động, thận trọng, bám sát chỉ đạo của Trung ương để từng bước cụ thể hóa một cách sáng tạo, một số nhiệm vụ giải pháp đã được đúc kết bổ sung vào Nghị quyết Trung ương 6 và được nhiều tỉnh thành quan tâm, chia sẻ. Có nhiều con đường để đi đến mục tiêu chung, chỉ cần chúng ta thực sự muốn đi thì mới có thể thành công.
Cảm ơn bà.
Bà Ðỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh:
Trong thực tế chúng tôi chưa phải loại ai ra khỏi bộ máy. Tất cả những vị trí giảm đều có lộ trình khi đủ điều kiện mới thực hiện. Ðối với các vị trí lãnh đạo quản lý có sự thay đổi khi sắp xếp, áp dụng các mô hình mới cũng vậy.
XUÂN BA