Thay vì chăm lo sứ mệnh của vị chủ chăn, củng cố đức tin, linh mục Nguyễn Thanh Tịnh quản xứ Cồn Sẻ, Quảng Lộc, TX Ba Đồn, Quảng Bình chuyên kích động giáo dân biểu tình, gây mất ổn định tình hình ở địa bàn và có những chuyến đi sang Liên minh Châu Âu, Đài Loan và mới đây là Australia để xuyên tạc tình hình đất nước, nói xấu chế độ, cầu viện ngoại bang, chẳng khác nào “cõng rắn cắn gà nhà”.
Quang cảnh buổi “điều trần”
Tháng 2/2017, LM Nguyễn Thanh Tịnh được thuyên chuyển làm quản xứ Cồn Sẻ kiêm giáo xứ Vĩnh Phước, xã Quảng Lộc, TX Ba Đồn. Thay vì chăm lo sứ mệnh của một chủ chăn “thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, thánh hoá và lãnh đạo đối với cộng đoàn” (Điều 519, Giáo luật 1983), củng cố đức tin cho giáo dân… linh mục Nguyễn Thanh Tịnh luôn tìm mọi cách gây bất ổn và biến giáo xứ này trở thành điểm nóng về an ninh trật tự của tỉnh Quảng Bình. Không dừng lại ở đó, linh mục Nguyễn Thanh Tịnh còn có những chuyến đi sang Liên minh Châu Âu, Đài Loan và mới đây là Australia xuyên tạc tình hình nhân quyền, tôn giáo trong nước, bôi nhọ, nói xấu chế độ.
Tháng 5/2017, trong vai trò Thư ký của Ban Hỗ trợ nạn nhân chịu thiệt hại do sự cố Formosa của GP Vinh (được Giám mục Giáo phận Vinh thành lập vào tháng 9/2016) linh mục Nguyễn Thanh Tịnh đã tháp tùng Giám mục Nguyễn Thái Hợp cùng một số linh mục sang gặp gỡ, làm việc với chính giới các nước châu Âu, các tổ chức về môi trường, nhân quyền để gửi thỉnh nguyện thư, kêu gọi ủng hộ việc khởi kiện Formosa ra tòa án quốc tế…. Trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, linh mục Nguyễn Thanh Tịnh xuyên tạc trắng trợn tình hình các tỉnh miền Trung sau sự cố môi trường biển khi cho rằng “Mục đích chính của phái đoàn sang đây là đưa tiếng nói của nạn nhân của Formosa ra trước công luận quốc tế vì họ là người dân thấp cổ bé họng bị đối xử bất công mà họ không có điều kiện đi đến những cơ quan quốc tế để nói lên tiếng nói của họ, đòi hỏi quyền lợi của họ”.
Tháng 8/2017, linh mục Nguyễn Thanh Tịnh tiếp tục tháp tùng Giám mục Nguyễn Thái Hợp cùng một số linh mục sang làm việc với các tổ chức xã hội dân sự Đài Loan, họp báo với báo chí quốc tế về thảm họa môi trường do công ty Formosa gây ra, trao “Thỉnh nguyện thư” với gần 200.000 chữ ký đến Tổng thống Đài Loan và tiếp xúc với một số dân biểu của Quốc hội Đài Loan. Nội dung bản “Thỉnh nguyện thư” có nhiều lời lẽ xuyên tạc thực tế tình hình đã và đang diễn ra liên quan đến sự cố ô nhiễm môi trường biển do công ty Formosa gây ra. Ngoài Đài Loan, bản “Thỉnh nguyện thư” cũng đã được trao cho đại diện của các tổ chức như Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Bộ Ngoại giao của một số nước, tổ chức thuộc giáo hội Công giáo và một số tổ chức xã hội dân sự tại Na Uy, Bỉ, CHLB Đức và Thụy Sĩ.
Có thể thấy rõ mục đích chuyến đi Đài Loan dưới danh nghĩa “đi tìm sự thật về Formosa” của giám mục Nguyễn Thái Hợp và đám tùy tùng thực ra là để tiến hành các cuộc gặp gỡ với số cốt cán của tổ chức khủng bố Việt Tân như linh mục phản động Nguyễn Văn Hùng, Trưởng văn phòng pháp lý cô dâu và công nhân Đài Loan, Phạm Hồng Thuận, Angielina Trang Huỳnh, Hà Đông Xuyến… nhằm thực hiện vận động quyên góp kinh phí phục vụ các hoạt động chống đối trong nước, tuyên truyền, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp tôn giáo, qua đó nhằm hạ uy tín của Đảng, Nhà nước ta.
Mới đây, ngày 7/12/2017, linh mục Nguyễn Thanh Tịnh cùng hai linh mục Lê Quốc Thăng, Tổng Thư ký Ủy ban Công lý hòa bình, Hội đồng Giám mục Việt Nam và linh mục Giuse Phan Sỹ Phương, quản xứ Tân Lộc, phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò, Nghệ An thuộc “Uỷ ban Hỗ trợ nạn nhân môi trường biển” tham gia buổi “điều trần” tại Tiểu ban nhân quyền Quốc hội liên bang Australia về cái gọi là “tình trạng nhân quyền, tự do tôn giáo và thảm họa môi trường tại Việt Nam”. Ngoài ra có sự tham gia của BS Nguyễn Đỗ Thanh Phong, đại diện tổ chức khủng bố Việt Tân tại Australia, Nguyễn Trung Trọng Nghĩa, thành viên Hội Anh em dân chủ, con của mục sư Đỗ Trung Tôn (đã bị bắt). Đáng ra, tham dự buổi “điều trần” còn có linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc, Quỳnh Lưu, Nghệ An song đã bị Công an cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất dừng xuất cảnh vì lý do an ninh.
Cuộc “điều trần” này chỉ là cái cớ che đậy cho mục đích khác nhằm xuyên tạc tình hình tôn giáo, nhân quyền, cầu viện ngoại bang can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam và tìm kiếm ngân sách phục vụ cho các hoạt động gây bất ổn tình hình trong nước. Qua cuộc “điều trần” một lần nữa minh chứng mối quan hệ chặt chẽ giữa các đối tượng chống đối trong nước nói chung, các linh mục cực đoan nói riêng, trong đó đáng chú ý là các linh mục cực đoan Giáo phận Vinh với tổ chức khủng bố Việt Tân trên khắp thế giới.
Linh mục Nguyễn Thanh Tịnh trả lời phỏng vấn facebooker Nguyễn Hoàng
Khi trả lời phỏng vấn trên facebook cá nhân của Nguyễn Hoàng, một thành viên của tổ chức khủng bố Việt Tân, linh mục Nguyễn Thanh Tịnh một lần nữa xuyên tạc trắng trợn tình hình nhân quyền trong nước khi cho rằng “Có những linh mục, có những giáo dân, những người trong tôn giáo họ như là tiếng nói đối lập, hoặc là họ bảo vệ môi trường, hoặc họ có hoạt động để cổ vũ sự tự do dân chủ cho người dân thì những người đó lại bị bắt bớ. Đối với linh mục thì bị vu khống, hoặc như trường hợp cha Nguyễn Đình Thục và cha Đặng Hữu Nam thì bị họ dùng đám đông quần chúng, đội cờ đỏ, cờ gì gì đó quấy nhiễu, đập phá nhà cửa của giáo dân, rồi những vu khống bao nhiêu điều ở trên mạng hoặc dùng côn đồ đe dọa hành hung”.
Đặc biệt, linh mục Nguyễn Thanh Tịnh lên tiếng cho rằng Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xét xử đối tượng Nguyễn Văn Hóa 7 năm tù và 3 năm quản chế kể từ ngày chấp hành xong án phạt tù là “Bản án hết sức bất công”, đồng thời không quên cổ súy, tán dương hành vi sai trái của Nguyễn Văn Hóa “Thực ra phải cổ vũ cho nó, vì những đứa thanh niên như nó rất tốt, có tinh thần tự chủ, tự lập, nó biết giỏi về công nghệ, biết viết bài, viết báo để nói lên thực trạng mình sống và hy vọng nó tốt đẹp hơn”. Trong khi đó tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Hóa đã thú nhận hành vi phạm tội của mình (tại đây).
Một gương mặt khá nổi mà linh mục Nguyễn Thanh Tịnh đề cập đến tại buổi “điều trần” là đối tượng Trần Thị Xuân với những ngôn từ tráo trở 1800 khi cho rằng “Chỉ chuyên làm việc thiện, chỉ có tổ chức nhóm giới trẻ để nhặt ve chai, giúp cho người nghèo, giúp cho bão lụt, nạn nhân, cuối cùng giờ cũng bị bắt bớ và khởi tố theo Điều 79 – Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, Bộ luật Hình sự”, trong khi Trần Thị Xuân cũng đã thú nhận hành vi phạm tội, đồng thời có lời khuyên những người trẻ không nên nghe theo lời xúi giục của các tổ chức phản động mà có các hành vi sai phạm, vi phạm pháp luật (Tại đây).
Thay cho lời tổng kết, linh mục Nguyễn Thanh Tịnh không quên nhắc khéo để “khích tướng” các thành viên Tiểu ban nhân quyền tham dự buổi “điều trần”: “Nếu hợp tác với người khác, một đối tác (tức Việt Nam) mà chà đạp nhân quyền thì dường như người hợp tác cũng đang còn ở trong vị thế đồng lõa” nhằm gây sức ép với chính giới Australia cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhân quyền và đưa vấn đề này làm con bài mặc cả trong các toan tính khi đầu tư, hợp tác kinh tế với Việt Nam.
Linh Giang