Bìa cuốn sách Công dung ngôn hạnh phụ nữ Việt Nam xưa và nay do tác giả PGS.TS. Lê Thị Bừng chủ biên, NXB Thanh Niên phát hành bị tố vi phạm bản quyền hình ảnh.
Hình ảnh do nhiếp ảnh gia Lê Xuân Bách cung cấp (trái) và ảnh bìa sách của NXB Thanh Niên
Xâm phạm bản quyền trắng trợn
Ngày 23/9, nhiếp ảnh gia Lê Xuân Bách bày tỏ bức xúc khi phát hiện mình bị xâm phạm bản quyền một cách trắng trợn. Theo đó, cuốn sách Công dung ngôn hạnh phụ nữ Việt Nam xưa và nay của tác giả là PGS. TS. Lê Thị Bừng (chủ biên) đã sử dụng một bức ảnh do nhiếp ảnh gia Lê Xuân Bách sở hữu để làm trang bìa mà không có sự cho phép của anh. Cuốn sách do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2017, được bán trên nhiều hệ thống nhà sách.
Theo nhiếp ảnh gia Lê Xuân Bách, tình cờ vào hiệu sách, anh thấy một hình ảnh quen và bắt mắt trên trang bìa một cuốn sách. Nhìn kỹ đó là bức ảnh do chính tay anh chụp người mẫu ảnh của mình tên là Thu Hiền, chụp giữa năm 2017 và anh từng cho phép một tờ báo đăng tải bộ ảnh.
Nhiếp ảnh gia Lê Xuân Bách vô cùng bất ngờ bởi cuốn sách này được cấp giấy phép từ một nhà xuất bản nổi tiếng, tác giả cuốn sách là phó giáo sư, tiến sĩ, nhưng vẫn xảy ra việc xâm phạm bản quyền. Tuy nhiên, anh chưa bao giờ nhận được lời xin phép sử dụng ảnh để làm bìa sách. Người mẫu Thu Hiền trong bức ảnh cũng tỏ ra kinh ngạc khi hình ảnh của mình bỗng dưng xuất hiện trên một bìa sách. Theo Thu Hiền, cô đã giao toàn bộ quyền sở hữu và quản lý bức ảnh cho nhiếp ảnh gia.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên hình ảnh của Lê Xuân Bách bị sử dụng trái phép. “Để có được bộ hình đẹp, tôi phải đào sâu tìm tòi ý tưởng, thuê mẫu, mua trang phục, phụ kiện, lặn lội tìm địa điểm, đầu tư hàng trăm triệu đồng thiết bị chụp ảnh, thuê cả một ê-kíp để thực hiện việc sáng tác. Vậy mà họ ngang nhiên sử dụng không xin phép, không trả một xu bản quyền. Đây là hành vi vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, coi thường pháp luật, coi thường tác giả tác phẩm”, anh chia sẻ. Anh cũng cho biết thêm, sẽ quyết tâm kiện đến cùng nếu phía nhà xuất bản không có lời giải thích chính đáng.
Vi phạm bản quyền vẫn tràn lan
Luật sư Nguyễn Trí Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội), đại diện của nhiếp ảnh gia Lê Xuân Bách cho hay, anh đã kiểm tra ảnh bìa cũng như ảnh chính gốc do nhiếp ảnh gia cung cấp và khẳng định: Có việc xâm phạm bản quyền tác giả. Theo luật sư Tú, đây là một tác phẩm hoàn thiện, đã chèn chữ ký nhưng phía NXB Thanh Niên lại sử dụng mà không xin phép, cũng không trả tiền bản quyền.
“Trong trường hợp này, anh Bách không đăng ký bản quyền đối với hình ảnh của mình nhưng có đầy đủ chứng cứ chứng minh mình là chủ sở hữu của tác phẩm gốc một cách hợp pháp. Chúng tôi đang chờ phản hồi của NXB Thanh Niên. Nếu phía NXB không xin lỗi anh Bách và có động thái chấm dứt việc vi phạm thì chúng tôi sẽ gửi văn bản yêu cầu chấm dứt việc vi phạm bản quyền. Ngoài ra, nếu có thiệt hại thì chúng tôi sẽ xem xét, yêu cầu cơ quan nhà nước thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm. Cần thiết sẽ khởi kiện vụ án xâm phạm bản quyền”, luật sư Nguyễn Trí Tú chia sẻ.
Anh cũng cho biết thêm, vấn đề vi phạm bản quyền ở Việt Nam đang rất tràn lan. Thậm chí, có biên tập viên làm sách vẫn mù mờ về vấn đề bản quyền và cho rằng, việc sử dụng hình ảnh trên mạng là không vi phạm nếu ghi nguồn “internet”.
Thực tế, câu chuyện vi phạm bản quyền hình ảnh vốn đã không còn là chuyện mới lạ ở Việt Nam, dù vấn đề này ít gây ồn ào hơn so với nạn vi phạm bản quyền nội dung sách. Về bìa sách, Đến Nhật Bản học về cuộc đời của tác giả Nguyễn Lê Nhật Linh, do NXB Trẻ ấn hành bị tố sử dụng bức tranh của họa sỹ Nhật Bản Tatsuro Kiuchi để làm bìa, nhưng phần bìa lại được ghi là họa sỹ Việt Nam vẽ. Hay, Công ty TNHH Văn hóa Đông Tây cũng bị tố tự ý lấy hai bức ảnh của một sinh viên là Nguyễn Mai Hương (Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội) để làm bìa cho 2 cuốn sách Giấc mơ đôi chân thiên thần của tác giả Trần Hà My và tuyển tập Gửi về miền Trung (nhiều tác giả) mà không có sự cho phép của tác giả. Tuy nhiên, hai vụ việc này sau đó nhanh chóng đi vào dĩ vãng.
“Ở quốc tế, việc vi phạm bản quyền sẽ bị xử phạt rất nặng. Nhưng ở ta, việc vi phạm vẫn tràn lan. Một phần vì chính những người bị xâm phạm cũng chưa có ý thức bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Còn người sử dụng cũng mù mờ về vấn đề sở hữu trí tuệ”, luật sư Tú nói.
Báo Giao thông đã liên hệ với ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc NXB Thanh Niên để tìm hiểu rõ hơn về sự việc với nhiếp ảnh gia Lê Xuân Bách. Ông Trường cho biết, NXB Thanh Niên chỉ cấp phép cho cuốn sách này. Hiện tại, NXB đang liên hệ với tác giả cuốn sách để tìm hiểu thực hư và sẽ đưa ra câu trả lời sau.
Hoàng Anh/Báo Giao thông