Trong năm 2017, Bộ Tư pháp đã phát hiện 5.639 văn bản trái pháp luật. Trong đó có 1.236 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; 3.829 văn bản quy phạm pháp luật về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày; còn lại 574 văn bản không phải là quy phạm pháp luật nhưng lại chứa quy phạm pháp luật.
Thông tư 32 của Ngân hàng Nhà nước từng bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” do có một số quy định không hợp pháp (ảnh chụp màn hình).
Từ vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, việc quy trách nhiệm trong ban hành văn bản trái pháp luật cần được cụ thể hóa trong luật.
Hàng nghìn văn bản trái pháp luật
Tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 13.9, khi cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Nhiều ĐBQH đã nêu về việc Bộ Tư pháp báo cáo qua công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã phát hiện 5.639 văn bản trái pháp luật. Thậm chí, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng để không tái diễn tình trạng này trong thời gian tới thì việc xử lý trách nhiệm cần nghiêm minh hơn.
Nhiều văn bản của các bộ, ngành sau khi ban hành đã bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” phải sửa đổi. Đơn cử như, cuối năm 2017, Bộ Tư pháp đã “tuýt còi” Thông tư 33 của Bộ Tài nguyên và Môi trường khi quy định ghi tên tất cả thành viên trong gia đình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bộ này sau đó đã ban hành Thông tư số 53/2017 “ngừng hiệu lực thi hành” khoản 5 Điều 6 Thông tư số 33 về việc ghi tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất vào sổ đỏ hộ gia đình.
Trong nhiều năm qua, Bộ Tư pháp liên tục kiểm tra và phát hiện hàng nghìn văn bản trái pháp luật, trong đó có những văn bản khi ban hành đã gặp phản ứng mạnh trong dư luận.
Mới đây, Thông tư 45/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định về giấy tờ hành khách có thể xuất trình khi làm thủ tục đi máy bay nội địa lại “gây bão” khi không đưa vào những loại giấy tờ như: Thẻ đảng viên; thẻ nhà báo; giấy phép lái xe; thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay; thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam.
Vào cuộc kiểm tra, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp nhận định việc loại bỏ một số giấy tờ nêu trên nhưng lại chấp nhận những giấy tờ khác là chưa thống nhất về tiêu chí xác định các loại giấy tờ được chấp nhận, dẫn đến không công bằng và chưa hợp lý. Ngay sau đó, Bộ GTVT đã “phân trần” là do sai sót trong quá trình soạn thảo, ký ban hành thông tư.
Cần phải có chế tài
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, việc ban hành văn bản trái pháp luật sẽ phát sinh chi phí khá lớn phục vụ quá trình xử lý văn bản trái pháp luật, trong đó có chi phí ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần nội dung văn bản đó.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật qua quá trình rà soát cũng phát hiện một số văn bản có nội dung trái pháp luật đưa vào thực thi đã gây thiệt hại về kinh tế, thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp; phát sinh khiếu nại, khiếu kiện. Như mới đây, nhiều chủ ôtô bức xúc khi không thể đăng kiểm phương tiện do chưa nộp “phạt nguội” theo Thông tư 70.
Trao đổi với Báo Lao Động về vấn đề này, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Ủy viên Thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội – cho rằng, việc ban hành hiến pháp và văn bản pháp luật là vấn đề quan trọng. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Hơn 5.600 văn bản vi phạm pháp luật dẫn đến méo mó quyền lực nhà nước. Ngoài ra, vi phạm này gây ra việc không hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước ở các cơ quan đơn vị, đồng thời xâm phạm lợi ích của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
“Lỗi ra văn bản quy phạm pháp luật không đúng thuộc trách nhiệm của người đứng đầu với thẩm quyền của mình. Chúng ta có Luật Cán bộ công chức, Luật Hành chính và cả Luật Hình sự. Tùy từng trường hợp, văn bản gây ra hậu quả với mức độ nghiêm trọng ra sao mà có hướng xử lý phù hợp” – ông Nhưỡng nói.
Theo ông Nhưỡng, muốn hạn chế thực trạng trên, cần nâng cao chất lượng đội ngũ tham mưu. Phải có công tác phối hợp giữa các cơ quan ban hành và tăng cường việc kiểm tra, thanh tra và xử lý thật nghiêm nếu có vi phạm.
Trong khi đó, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, các bộ, địa phương khi soạn thảo, ban hành văn bản đều cố gắng để an toàn nhất cho mình, ít khi quan tâm đến lợi ích của các bộ, các ngành hay những nhóm đối tượng khác. Chính điều này đã khiến xung đột lợi ích từ các văn bản quy phạm pháp luật, gây chồng chéo. Ngoài ra, các bộ phận giúp việc cho bộ, UBND các cấp ban hành văn bản còn xa rời thực tế, năng lực chưa đáp ứng được. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa phục vụ lợi ích của nhân dân mà đang hướng đến cơ quan quản lý, phục vụ lợi ích cục bộ.
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn – nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) – cho biết, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay tồn tại nhiều văn bản pháp luật bất hợp pháp hay còn gọi là văn bản pháp luật khiếm khuyết gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả điều chỉnh của pháp luật. Ông Sơn cho rằng, để xảy ra việc nhiều văn bản vi phạm như vậy trước hết, mình phải tìm ra được nguyên nhân. Sau đó cần xử lý nghiêm người ban hành văn bản có nội dung sai đó.
* Trao đổi qua điện thoại với Lao Động, ông Đồng Ngọc Ba – Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay việc này vẫn đang trong quá trình xử lý.
Theo Bộ Tư pháp, thực tế cho thấy việc ban hành và đưa vào áp dụng các văn bản trái pháp luật đã để lại hậu quả, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thậm chí làm ảnh hưởng đến tính “tối thượng” của pháp luật trong nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy trách nhiệm bồi thường trong ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật gây ra, vì thế càng làm gia tăng bức xúc trong xã hội. Cơ quan này lấy dẫn chứng về quy định không cho phép học sinh, sinh viên tham gia biểu diễn nghệ thuật tại vũ trường, quán karaoke là những quy định chưa sát thực tế, mang tính cấm đoán.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ Tư pháp kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó hoàn thiện cơ chế xử lý văn bản trái pháp luật nhanh chóng, triệt để. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong việc ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật.
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn – nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) – cho biết, cần phải tìm ra được người chịu trách nhiệm để xử lý cho đúng yêu cầu. Bởi về bản chất ở đây những sai phạm có thể dính dáng đến những vi phạm thiếu tinh thần trách nhiệm hay về cố ý làm trái. Thậm chí ở đây còn có hành vi tham nhũng. Nói cách khác là tham nhũng về thể chế. Cũng theo tiến sĩ Sơn, hiện nay, nhiều trường hợp người tham gia soạn thảo văn bản pháp luật trình độ còn chưa tinh nhuệ, còn hời hợt, cứ chọn việc dễ làm nên khi ra văn bản đã sai lệch.
*Xét báo cáo của Bộ Tư pháp về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2017, phương hướng nhiệm vụ năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu kiểm điểm, xử lý, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với người đứng đầu, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc ban hành văn bản trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 30.11.2018 để tổng hợp.
Cao Nguyên/Laodong.vn