Friday, November 22, 2024

Công tác cán bộ: Phải nghe dân!

Theo ông Lê Quảng Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, công tác cán bộ cần công khai, minh bạch, lấy ý kiến người dân về việc đề bạt, bổ nhiệm

Công tác cán bộ: Phải nghe dân! Ông Lê Quảng Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương

Phóng viên: Vừa qua, việc kỷ luật, thậm chí khởi tố, bắt giam đối với một số cán bộ cho thấy công tác tổ chức cán bộ đang có lỗ hổng?

– Ông Lê Quảng Thưởng: Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, ông Nguyễn Xuân Anh đã bị cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho thôi chức Ủy viên Trung ương Đảng. Trước đó, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã bắt giữ ông Trịnh Xuân Thanh do những vi phạm liên quan.

Đây là quyết tâm rất cao của Đảng, trực tiếp là của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương. Những quyết tâm vừa qua của Đảng đã củng cổ niềm tin trong nhân dân.

Tuy nhiên, có thể thấy công tác cán bộ ở ta hiện này còn chưa chặt chẽ, còn kẽ hở để xảy ra các sai phạm. Tôi muốn nhấn mạnh đến trường hợp của ông Nguyễn Xuân Anh, đây là một cán bộ trẻ, được kỳ vọng. Tuy nhiên, cán bộ trẻ cũng là có những hạn chế trong công tác.

Việc bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Anh quá sớm, khi chưa có kinh nghiệm ở thực tiễn cho thấy sự vội vàng và có cả sự nể nang. Sai phạm của ông Nguyễn Xuân Anh được chỉ rõ là không trung thực trong việc kê khai bằng cấp nhưng đã “lọt” qua được các khâu kiểm tra, để đến nay Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới chỉ rõ.
Còn đối với ông Trịnh Xuân Thanh, việc đề bạt, bổ nhiệm cũng bị sự “thân quen” chi phối, thậm chí có cả vật chất trong đó. Sự giám sát, kiểm tra cũng chưa chặt chẽ. Cụ thể, trường hợp ông Thanh nếu không có vụ việc sử dụng xe cá nhân gắn biển xanh được báo chí nêu thì liệu có phát hiện được sai phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ này hay không? Ngoài ra, một số cán bộ được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo nhưng không phát huy được năng lực. Tư duy nhiệm kỳ vẫn tồn tại nên họ ngại va chạm. Có những cán bộ khi sắp kết thúc nhiệm kỳ thì hầu như chỉ ngồi im.

Công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ hiện có phải là “vùng cấm” đối với người dân không, thưa ông?

– Theo tôi, không hẳn là vùng cấm nhưng việc giám sát, lấy ý kiến của người dân trong công tác cán bộ chưa được chú trọng. Ví dụ, đến mỗi kỳ đại hội của Đảng bộ thành phố nào đó, Ban Chấp hành Đảng bộ của nhiệm kỳ cũ sẽ có những đề xuất, kiến nghị về nhân sự cho Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ mới. Đồng thời, tập hợp phiếu thăm dò, ý kiến của các sở, ngành trong thành phố. Sau đó, Thường vụ Thành ủy sẽ thảo luận trở lại về các ý kiến thu thập, ra nghị quyết nhân sự mới như thế nào và báo cáo lên Ban Bí thư, Bộ Chính trị thông qua Ban Tổ chức Trung ương. Trong khi đó, việc lấy ý kiến người dân chỉ thông qua các tổ chức đoàn thể.

Việc người dân đóng góp ý kiến vào công tác cán bộ chưa được chú trọng thực chất. Chúng ta đã làm nhưng chưa đến nơi đến chốn. Các thông tin về công tác cán bộ chưa đến được với người dân, người dân không được giám sát.

Theo ông, cần phải phát huy vai trò của người dân trong công tác tổ chức cán bộ hiện nay?

– Từ lâu chúng ta đã có khẩu hiệu “Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng” nhưng thực tế cho thấy chúng ta làm chưa tốt. Không ai hiểu cán bộ bằng người dân nếu cán bộ đó đi từ cơ sở lên. Người dân nhìn rõ những mặt được, những khuyết điểm của cán bộ đó khi ở cơ sở. Tốt thì dân khen, xấu thì dân chê.

Chúng ta đã lấy ý kiến người dân nhưng làm chưa tới. Người dân muốn phản ánh về các cán bộ thường thông qua đường thư tín nhưng nơi có nhiệm vụ nhận thư thì họ “chỉ đọc rồi để đấy” nên ý kiến của người dân chưa được ghi nhận một cách thực chất. Việc này còn làm qua loa thì công tác cán bộ chưa minh bạch, dân chủ được.

Để tránh những trường hợp đáng tiếc như trong thời gian vừa qua, công tác cán bộ cần phải thay đổi ra sao?

– Công tác cán bộ chắc chắn phải dân chủ, công khai và khách quan hơn. Khi bổ nhiệm cán bộ phải lấy phiếu tín nhiệm và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Ý kiến của họ là vô cùng quan trọng vì mỗi cán bộ được bầu lên cuối cùng cũng để làm việc phục vụ lợi ích của nhân dân.

Những người khi được quy hoạch, đề bạt phải được lấy ý kiến của nhân dân tại địa phương, lấy ý kiến của những người làm cùng cơ quan trước đó. Những đảng viên, người dân nơi địa phương đó họ biết tường tận về quan hệ xã hội của những cán bộ trong diện được lựa chọn để bổ nhiệm. Tuy nhiên, việc này phải làm thật tế nhị vì tâm lý chung của chúng ta hiện nay vẫn ngại đụng chạm.

Bên cạnh đó, ở tất cả các cơ quan, thủ trưởng phải gương mẫu, quyết liệt trong công việc và phải “giữ mình”. Thủ trưởng mà tham lam, tha hóa quyền lực, tìm mọi cách đưa người nhà, người thân vào bộ máy là hỏng. Nếu người đứng đầu không bị chi phối thì việc bố trí các cán bộ cấp dưới sẽ minh bạch, dân chủ.

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG