Monday, December 9, 2024

ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA VÀ NGHỆ THUẬT GỐM BIÊN HÒA

Chính do sự vận động của cuộc sống với những mối giao tiếp qua lại đã hòa hợp, trộn lẫn cái riêng của từng thành phần tộc người lại để tạo thành cái chung đặc trưng đầy bản sắc của khu vực Đông Nam bộ. Điều này đã làm cho gốm Biên Hòa – Đồng Nai có những sáng tác trang trí mang hơi thở riêng của vùng miền, trên nền tảng kế thừa nghệ thuật trang trí truyền thống của dân tộc.

Nghề gốm có truyền thống từ khi con người còn cư ngụ ở trong hang, gắn bó với nền văn hóa của mỗi tộc người như một minh chứng vật thể rất quan trọng về lịch sử hình thành và phát triển của họ. Qua những di vật được khai quật, hình ảnh của người xưa được tái hiện phần nào về trình độ, kỹ thuật sản xuất và nhu cầu cuộc sống của con người.

Miền Đông Nam bộ được biết đến như một vùng đất mới khai hoang của các chúa Nguyễn. Năm 1679, Trần Thượng Xuyên được phép của triều đình cho định cư tại Biên Hòa, cùng người Việt di cư từ Đàng Ngoài vào lập nên Nông Nại Đại Phố. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh đi kinh lược ở phương Nam đã chính thức lập bản đồ địa chính cho khu vực. Sự chính thức hành chính hóa của chúa Nguyễn đã công nhận một vùng đất có những đặc trưng văn hóa riêng trong nền văn hóa Việt Nam.

Dù lịch sử định cư, di trú của các tộc người ở miền Đông Nam bộ có khác nhau nhưng nguồn gốc xã hội của họ vẫn mang những điểm tương đồng: là những người nghèo cùng nhau khẩn hoang nhọc nhằn, đương đầu với thiên nhiên hoang dã, có chung nền văn hóa nông nghiệp, cùng một số phận lịch sử. Tuy có những đặc điểm tộc người riêng biệt, văn hóa, tôn giáo khác nhau nhưng do cộng cư lâu ngày trên một địa bàn chung, họ đã ít nhiều thích nghi, ảnh hưởng văn hóa của nhau và quá trình giao tiếp văn hóa ấy đã tạo nên những yếu tố văn hóa tương đối đồng nhất, mặc dù mỗi dân tộc đều giữ bản sắc văn hóa của riêng mình. Qua sự thích nghi của người dân đối với môi trường địa lý cảnh quan và ảnh hưởng văn hóa lẫn nhau đã thể hiện những đặc trưng tâm lý, văn hóa tộc người, hình thành nét đặc trưng của vùng văn hóa miền Đông Nam bộ.

Đông Nam bộ vào TK XVII là nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa với đa dạng tộc người khác nhau. Thứ nhất là người Việt di cư từ miền Trung vào khai hoang, mang theo văn hóa và ngành nghề truyền thống đến. Chính họ đã thực sự là chủ thể của những sáng tác mang tính đặc trưng vùng miền cho gốm Đông Nam bộ. Thứ hai là người Minh Hương, từ Phúc Kiến, Quảng Đông (Trung Quốc) chạy trốn khỏi nhà Thanh qua Việt Nam, được Chúa Nguyễn cho định cư tại Nam bộ. Họ đưa đến những kỹ thuật và phong cách sáng tác gốm của quê hương phương Bắc. Thứ ba chính là những tộc ít người với văn hóa bản địa.

Trong một xã hội văn hóa pha trộn ấy, cả người Việt và người Hoa đều có những kỹ thuật làm gốm riêng của họ như làm đồ đất nung của người miền Trung, làm gốm có men của người Minh Hương… Tuy nhiên, sự giao thoa về văn hóa của những con người cùng sống trên một mảnh đất đã thúc đẩy nghề gốm phát triển với một nghệ thuật trang trí rất đặc trưng, mang trong mình đầy đủ thế giới quan, nhân sinh quan của xã hội thu nhỏ đó.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, dấu ấn đời sống, văn hóa của từng thời đại đã được in hằn trên bề mặt sản phẩm gốm. Khi con người đã biết dùng nghệ thuật là công cụ để truyền tải những tâm tư tình cảm của mình, khi kỹ thuật đã cho phép họ được rộng mở hơn trong thể hiện các ý tưởng sáng tạo thì những đặc điểm của dân tộc, truyền thống cộng đồng càng trở thành yếu tố quan trọng của từng dòng sản phẩm. Nghề làm gốm thật đúng với câu: “Tất thảy những gì người ta biết hoặc làm theo truyền thống, tức là bằng một sự lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ nọ, nhờ ở lời nói hay làm mẫu”.

Cù Lao Phố là nơi dừng chân đầu tiên của Nguyễn Hữu Cảnh, cũng là thị cảng sầm uất vào bậc nhất phía nam ngày trước. Nơi đây đã sản sinh ra những làng gốm bên sông Đồng Nai. Trong bộ sưu tập gốm lòng sông Đồng Nai, có nhiều loại hình thuộc gốm Việt, Hoa, Chăm, niên đại tương đương với sự phát triển của Cù Lao Phố. Song những dấu tích gốm còn sót lại ở Rạch Lò Gốm (Cù Lao Phố), qua nhiều đợt nghiên cứu, điều tra, khảo sát của các nhà khảo cổ học, cho thấy có nhiều cứ liệu nhất về truyền thống gốm Đại Việt (Trung bộ) và gốm Việt gốc Hoa đã được sản xuất nơi đây. Khảo sát của Trần Anh Dũng và  Hà Văn Cẩn (Viện Khảo cổ học Việt Nam) năm 2001 đã tìm thấy dấu vết nền lò nung gốm của người Việt cùng những sản phẩm gốm nguyên vẹn như ghè đứng, bình vôi và cả mảnh bao nung sành. Chúng hoàn toàn tương ứng với kiểu lò và sản phẩm của một số khu lò gốm ở miền Trung, có niên đại ở TK XVII- XVIII. Như vậy, bộ sưu tập gốm lòng sông Đồng Nai cho thấy những người thợ gốm miền Trung đến lập nghiệp và sản xuất gốm tại Cù Lao Phố đã từ rất lâu.

Sự kết hợp của các dòng gốm quây tụ trên một vùng đã dần dần hòa nhập vào nhau, tạo thành một tổng thể phong cách, mà có lẽ chưa thấy vùng gốm nào của Việt Nam có được sự hội nhập một cách khá thuận lợi và gần như trọn vẹn như thế. Các yếu tố nghệ thuật chế tác, nghệ thuật tạo hình và trang trí sản phẩm, kỹ thuật và phong cách thể hiện, chất liệu…, đã làm nên tính đặc trưng của một dòng gốm nổi tiếng.

Làng gốm Biên Hòa nằm bên sông Đồng Nai, giống như đặc điểm của các làng gốm khác, phát triển dọc theo các triền sông, tiện đường chuyên chở và đất sét dọc triền sông là loại nguyên liệu phù hợp để sản xuất gốm sứ. Khởi đầu, gốm Biên Hòa gồm các đồ để chứa đựng như lu, khạp. Bên cạnh đó là những đồ sinh hoạt hàng ngày như nồi, niêu, ấm… Một số đồ có giá trị nghệ thuật là vò, bình rượu, chóe… Tất cả đều được làm bằng đất nung hoặc tráng men nâu, da lươn, loại men đơn giản, dễ chế biến bằng các nguyên liệu có sẵn như bùn, tro, vôi… Dần dần, các lò gốm Biên Hòa sản xuất những sản phẩm gốm men như bát, đĩa, bình, đèn, đôn, gốm trang trí, đặc biệt là tượng gốm phục vụ cho xây dựng đền chùa.

Cùng với sự tìm tòi phát triển, nhất là khi có những thợ gốm giỏi từ người Hoa, gốm Biên Hòa đã ngày một nâng cao chất lượng cả về kiểu dáng, trang trí lẫn men màu. Chủng loại gốm cũng dần được mở rộng để đáp ứng nhu cầu buôn bán với mọi miền trong nước và nước ngoài. Nhưng cuộc nội chiến đã làm ngắt quãng sự phát triển của Cù Lao Phố nói chung cũng như nghề gốm nói riêng.

Gốm Biên Hòa vừa có giá trị nghệ thuật lại vừa có giá trị sử dụng cao, là một trong những thành tựu văn hóa của địa phương với những sản phẩm gốm mỹ thuật trang trí độc đáo, phong phú và đa dạng ở đủ mọi chủng loại cùng nét trang trí cách tân hiện đại, tinh tế, sử dụng men nhẹ lửa, màu men thanh thoát.

Biên Hòa còn nổi tiếng bởi các sản phẩm gốm đất nung (gốm đỏ) không phủ men, mang vẻ đẹp tự nhiên. Sản phẩm gốm men xanh trổ đồng rất được thị trường ưa chuộng. Một trong những dòng sản phẩm gốm Biên Hòa được ưa chuộng nhất đó là tượng, đặc biệt là những phù điêu tranh lịch sử hoặc lễ hội dân gian rất công phu, các họa tiết chạm khắc khéo léo; những viên gạch gốm trổ thủng tạo thành các ô cửa sổ, gạch gốm bông lót các bậc thềm tam cấp…

Để đánh giá chất lượng của một sản phẩm gốm sứ, con người thường dựa vào những tiêu chí sau: nhất dáng, nhì xương, tam men, tứ trí. Như vậy, nghệ thuật tạo hình gốm là hết sức quan trọng bởi hình dáng sản phẩm là yếu tố đứng hàng đầu. Nó là cốt lõi của sản phẩm, là cơ sở để nghệ nhân tiến hành các hình thức trang trí khác. Hình dáng của sản phẩm gốm được quy định bởi nếp sống, nếp suy nghĩ, cá tính, trình độ thẩm mỹ của nghệ nhân sáng tạo cũng như công chúng mà nó hướng tới. Nó còn được quyết định bởi xu hướng và quan niệm thẩm mỹ của thời đại. Cuối cùng, đó là sự kết hợp của đường nét và mảng khối trong nghệ thuật tạo hình ba chiều với sự cho phép của chất liệu.

Trong những sản phẩm gốm gia dụng như lu, khạp, nồi đất, yếu tố công năng giữ vai trò quyết định về hình dáng. Tuy nhiên, chúng đều mang một vẻ đẹp chắc khỏe và đĩnh đạc. Sự liền lạc và dịu dàng của đường cong tạo ra cái lu, nồi đã toát lên vẻ đẹp bình dị, mộc mạc như tính cách vốn có từ ngàn đời của người dân Việt Nam.

Gốm Biên Hòa có vô vàn kiểu dáng với nhiều chủng loại khác nhau, song vẻ đẹp truyền thống mang tính đặc trưng của nó thể hiện qua hai khía cạnh: sự cân đối, hài hòa về hình dáng của sản phẩm cùng với nét độc đáo đầy tính thẩm mỹ qua các phù điêu và tượng nhỏ.

ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA VÀ NGHỆ THUẬT GỐM BIÊN HÒA

Một số sản phẩm của gốm Biên Hòa. Ảnh tư liệu

Khái niệm hài hòa thực sự là cái đích luôn mong muốn vươn tới của người nghệ nhân trong sáng tạo. Có nhiều yếu tố tạo ra sự hài hòa của một sản phẩm, ví dụ như kích thước của chiều cao và chiều rộng, của độ lớn hông bình với các bộ phận khác, của miệng và đáy bình, của từng bộ phận so với tổng thể. Có dạng bình tròn như trái bóng, hoặc là sự mô phỏng đường cong của tang trống. Phần miệng bình luôn dẫn người xem từ cảm giác chắc khỏe, đến sự dịu dàng và cao quý toát ra qua những tai bèo mềm mại. Phần cổ của bình lại hướng tới độ thanh thoát và là nhịp nối gắn kết sự hòa hợp giữa miệng và phần dưới của bình.

Đôn và bộ bàn gốm là một dạng đặc trưng của gốm Biên Hòa, có một số dáng đôn được sản xuất như loại đơn giản giống một cái trống, loại đôn ba mặt bợm và đôn voi. Đôn ba mặt được tạo dáng khá đẹp với một chỉnh thể gọn, hài hòa giữa mặt đôn để ngồi và thân đôn là phù điêu nổi cao của lân, một trong tứ quý lân,  ly, quy, phụng. Đôn voi lại là sự mô phỏng theo hình dáng của con voi theo hai dạng là loại vòi voi cất cao lên trên và loại thứ hai thì vòi của voi đi xuống. Cái đẹp của đôn là sự kết hợp hài hòa giữa tạo hình và hình thức trang trí rất chi tiết của nó.

Tượng Phật, Bồ tát, La hán… đã được các nghệ nhân gốm Biên Hòa chú trọng khai thác, sáng tạo bằng tất cả ngưỡng vọng và tâm hồn hướng đến cái đẹp, cái thiện. Những mẫu tượng thường thấy trong gốm Biên Hòa như Phật Thích Ca Mâu Ni với nhiều kiểu dáng nhập định, trì bình, cảm hóa rắn Naga, cầm bình bát, cầm bạch ngọc… Một số kiểu tượng Đạt Ma Tổ sư cũng được khai thác rất phong phú. Đặc biệt là tượng Bồ tát Quán Thế Âm. Có thể nói, trong các sản phẩm gốm mỹ nghệ Biên Hòa thì tượng và tranh gốm về Bồ tát Quán Thế Âm chiếm đa số.

Bên cạnh truyền thống tư duy, sáng tác dựa theo những yếu tố về tâm linh và dân gian thì môi trường sống với thiên nhiên tiếp xúc hàng ngày đã tác động quyết định đến cách nghĩ, cách làm của người dân bản địa. Hoa văn trang trí trên gốm Biên Hòa rất phong phú, với các loại từ hoa văn truyền thống của dân tộc đến những họa tiết riêng của vùng miền và nhiều môtip hiện đại khác. Sự đa dạng của hoa văn truyền thống đã đưa trang trí gốm Biên Hòa trở nên gần gũi với những người nuôi dưỡng và sử dụng nó. Gốm Biên Hòa có rất nhiều đồ án trang trí sử dụng chất liệu xung quanh mình. Đó là hình ảnh những loài hoa, con vật rất quen thuộc với địa phương như mai, cúc, bằng lăng, nai, cò, trâu hay tôm, cá…

Trong trang trí gốm Biên Hòa, ngoài những tượng đài và phù điêu hoành tráng, hình tượng con người còn được thể hiện rất phong phú qua những đề tài có sự nghiên cứu kỹ lưỡng. Mỗi đề tài đều gắn với một điển tích, một cảnh sinh hoạt hay một cốt truyện cụ thể trong dân gian. Nó là những lời ngợi ca các anh hùng, ngợi ca vẻ đẹp của con người Việt Nam trong lịch sử đấu tranh và lao động của mình. Nhờ sự kết hợp hài hòa của nhiều màu men, mỗi đồ án trang trí hiện diện như một tác phẩm hội họa với đầy đủ các yếu tố về bố cục, đường nét, không gian, thời gian… Nhiều đồ án trang trí về hình tượng người toát lên một chất dân gian đầy tính nhân văn của trang trí gốm Biên Hòa.

Phong cách thể hiện thủ pháp trang trí luôn tạo ra những đặc trưng riêng biệt của một dòng gốm. Trong trang trí gốm Biên Hòa, phong cách trang trí của gốm men ngọc hay gốm hoa nâu được kế thừa và phát triển hơn qua những tai sen trên vai sản phẩm, những lằn khắc sâu họa tiết rồi mới phủ men. Các mảng màu men trang trí được phân định rõ ràng. Men màu trên gốm Biên Hòa rất phong phú, có cả hệ màu sáng lẫn men màu trầm, mỗi sản phẩm có thể được phối hợp nhiều màu rất hài hòa, tạo ra đặc điểm vùng miền của gốm Biên Hòa. Các men màu thường được điều chế từ chất liệu của địa phương. Tuy nhiên, ngày nay đã có rất nhiều hóa chất và men màu được nhập từ ngoài vào đã làm đa dạng thêm sắc màu trên gốm Biên Hòa. Tất cả các phong cách trang trí ấy đều được nghệ nhân gốm Biên Hòa sử dụng và sáng tạo cho hoàn thiện hơn.

Đầu TK XX, người Pháp đã thành lập các trường đào tạo kỹ thuật, mỹ thuật ở Việt Nam, giảng dạy và truyền thụ cho người Việt kiến thức khoa học phương Tây về lĩnh vực mỹ thuật, trong đó có trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa, cái nôi của gốm Biên Hòa trong TK XX. Chính sự kết hợp của các quan niệm và kỹ thuật của cả phương Đông và phương Tây đã tác động rất nhiều đến yếu tố thẩm mỹ của gốm Biên Hòa. Các sáng tác trang trí từ đây đều dựa trên nền tảng của lý luận mỹ thuật. Trong nhiều đồ án trang trí, những yếu tố như bố cục, đường nét, mảng miếng, phối màu… được chắt lọc, sắp xếp theo các quy tắc của nghệ thuật trang trí.

Biên Hòa từ giữa TK XVII đến nay đã có lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển. Đây là thời gian thật ngắn so với mấy ngàn năm của lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, vùng đất Biên Hòa lại có những đặc trưng văn hóa riêng, mang nặng dấu ấn của những con người cùng đến khai phá và xây dựng một cuộc sống mới. Trong xã hội thu nhỏ ấy, người Việt, người Hoa và người bản địa cùng sát cánh bên nhau, tạo ra những mối liên hệ, giao thoa giữa cái chung và riêng của nền văn hóa mỗi tộc người.

Xuất phát từ truyền thống dân tộc, hình thành và phát triển trên cơ sở kế thừa nghệ thuật truyền thống dân tộc, nghệ thuật trang trí gốm Biên Hòa đã khẳng định vị trí của mình, góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng nghệ thuật trang trí của đất nước.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016

Tác giả : TRẦN ĐÌNH QUẢ

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG