Friday, November 22, 2024

Giải mã chiêu trò mới của Trung Quốc ở Hoàng Sa

Không chỉ lo ngại, trả lời Thanh Niên, giới chuyên gia quốc tế còn dự báo âm mưu của Trung Quốc khi nước này ngang nhiên kêu gọi tư nhân đầu tư phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN trên Biển Đông.

Giải mã chiêu trò mới của Trung Quốc ở Hoàng SaTrung Quốc xây dựng nhiều hạ tầng trên đảo Phú Lâm

Như Thanh Niên đã thông tin, Cục Hải dương và Ngư nghiệp Hải Nam ngang nhiên kêu gọi “mọi tổ chức hay cá nhân” đăng ký tham gia “phát triển du lịch và xây dựng” những đảo không người ở tại các khu vực mà nước này chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông. Truyền thông Trung Quốc còn thừa nhận kế hoạch này bước đầu chủ yếu nhằm vào Hoàng Sa.

Tự vẽ “hồ sơ hành chính”

“Đây là một chiêu trò mới của Bắc Kinh nhằm đẩy mạnh kiểm soát Hoàng Sa. Cộng đồng quốc tế có thể lên án, nhưng Bắc Kinh có lẽ lại “bịt tai” rồi bất chấp”, bà Bonnie Glaser, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ, nhận xét như vậy khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên vào ngày 9.7.

Cũng trả lời Thanh Niên, theo PGS Stephen Robert Nagy (chuyên gia quan hệ quốc tế của Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada): Bắc Kinh vẫn luôn ưu tiên dùng các chiêu trò “hành chính” để phục vụ tham vọng chủ quyền ở các vùng biển như Biển Đông và biển Hoa Đông. Cụ thể, bất chấp sự chỉ trích của các bên, Trung Quốc tìm mọi cách tự “hợp pháp hóa” các biện pháp mang tính “bình phong”. Trong trường hợp này, thông qua việc cấp phép cho doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào những thực thể ở Hoàng Sa, Bắc Kinh muốn thể hiện quyền kiểm soát hành chính tại đây. Thông qua các giấy phép đầu tư, Trung Quốc có thể tự vẽ ra một “hồ sơ hành chính” về “liên tục quản lý” các đảo nhằm bao biện cho tuyên bố chủ quyền.

TS Koh Swee Lean Collin (chuyên gia quân sự của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) nhận định: Nhiều năm qua, Trung Quốc ra sức tăng cường sức mạnh quân sự, thiết lập cả bộ chỉ huy quân sự của cái gọi là “TP.Tam Sa” (do Trung Quốc lập ra và trực thuộc tỉnh Hải Nam nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của VN). Bộ chỉ huy này được đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Song hành cùng sức mạnh quân sự, Bắc Kinh cũng luôn bày tỏ tham vọng kiểm soát bằng cả biện pháp dân sự. Và việc cấp phép đầu tư là cách thức để tăng cường kiểm soát dưới hình thức dân sự.

Mục tiêu vẫn là quân sự

TS Satoru Nagao (chuyên gia tại Viện Hudson, Mỹ) cho rằng sau khi triển khai các loại tên lửa cùng khí tài đến Hoàng Sa, Trung Quốc đang tiến một bước tiếp theo bằng các biện pháp dân sự khi đưa ra lời mời đầu tư vào các thực thể tại đây. TS Nagao chỉ ra các điểm nổi bật cần lưu ý trong bước đi này của Trung Quốc..

Thứ nhất, dù mang “bình phong” là hoạt động dân sự nhưng việc đầu tư dường như vẫn mang mục đích cuối cùng là tăng cường quân sự. Cụ thể, chính quyền Bắc Kinh dự kiến thời hạn hoạt động của các nhóm dự án đầu tư tại đây như sau: nuôi trồng thủy sản có hạn thời gian là 15 năm, du lịch và giải trí thì 25 năm, khai thác muối và khoáng trong 30 năm, an sinh cộng đồng thì 40 năm và lâu nhất là các dự án xây dựng cầu cảng, đóng tàu có thời hạn hoạt động đến 50 năm. Như vậy, việc xây dựng cầu cảng và đóng tàu được ưu tiên hơn cả. Trong khi đó, thời gian qua, Bắc Kinh không ngừng phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng về cầu cảng, đường băng, để tăng cường thực lực quân sự tại đây.

Thứ hai, nhiều năm qua, Bắc Kinh đã tiêu tốn nguồn lực quá lớn để xây dựng hạ tầng kiểm soát Biển Đông. Nay họ tận dụng thêm nguồn lực dân sự để phát triển cơ sở ở các đảo đá không người ở.

Từ thực tế về những hành động của Bắc Kinh gây căng thẳng, TS Nagao cho rằng cộng đồng quốc tế cần có những động thái mạnh mẽ hơn để hạn chế tham vọng mà Trung Quốc đang hướng tới. Theo đó, bên cạnh các hoạt động như thực thi tự do hàng hải, Mỹ cũng cần kiên quyết hơn với Trung Quốc.

Theo Thanh niên

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG