Tình hình thế giới và khu vực trong thời gian qua có nhiều biến động, đặc biệt là những diễn biến chiến sự chống khủng bố tại quốc gia Tây Á Syria và tình hình căng thẳng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Các sự kiện trên phần nào đã thu hút chuyển dịch sự chú ý của giới quan sát và dư luận quốc tế, làm cho vấn đề căng thẳng, tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông có phần yên ắng.
Tuy nhiên thực tiễn thời gian qua cho thấy, Trung Quốc vẫn đã và đang ráo riết tiến hành hàng loạt các hoạt động phi pháp trên Biển Đông nhằm cụ thể hóa âm mưu độc chiếm Biển Đông với kế sách “lấn dần từng bước”, “biến không thành có”. Để thực hiện mục đích đó Trung Quốc tăng cường biện pháp tuyên truyền xuyên tạc bóp méo lịch sử. Có thể nói với âm mưu “độc chiếm biển Đông” Trung Quốc không từ một thủ đoạn nào trong quá trình tuyên truyền.
Hình ảnh được cho là tàu Trung Quốc trên biển Đông trong phim Điệp vụ Biển Đỏ
Trong quá trình giải quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Đông thời gian qua, Trung Quốc không chỉ khẳng định “chủ quyền” của mình bằng các tuyên bố mà họ còn tích cực tiến hành các hoạt động tuyên truyền với nhiều thủ đoạn tinh vi xảo quyệt.
Điển hình một hình thức tuyên truyền thâm hiểm không mới nhưng hết sức nguy hiểm của Trung Quốc đó là lồng ghép các nội dung xuyên tạc vào các bộ phim, game online, hộ chiếu… Các phim truyền hình của Trung Quốc được khéo léo cho lồng ghép các thông tin sai lệch lịch sử, xuyên tạc lịch sử về vấn đề Biển Đông, nhằm thông tin sâu rộng trong quần chúng nhân dân để kêu gọi sự ủng hộ từ nhân dân, kích động thù hằn, kích động chiến tranh.
Ví dụ mới nhất như bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ – của đạo diễn Lâm Siêu Hiền công chiếu vào đầu năm 2018. Sau khi chiêu đãi khán giả hàng loạt pha hành động mãn nhãn, “Điệp vụ Biển Đỏ” bỗng trở thành tác phẩm tuyên truyền kệch cỡm ở khoảng vài phút cuối phim có phần nhạt nhòa, nhưng lại hàm chứa ý đồ thâm sâu, mang đậm tính thời sự. Sau khi các sự kiện chính kết thúc, bộ phim xuất hiện hình ảnh một vùng biển với chú thích “Nam Hải” (cách Trung Quốc gọi biển Đông).
Tại vùng biển đó là hình ảnh một con tàu không rõ quốc tịch, bị bao vây bởi các tàu chiến và hải giám Trung Quốc. Phía quốc gia tỷ dân dùng loa thông báo rằng đây là hải phận của Trung Quốc, và yêu cầu con tàu phía trước ngay lập tức rút lui khỏi vùng biển. Vấn đề là đoạn này lạc điệu, không thực sự liên quan đến nội dung phim trước đó và chỉ nhằm phục vụ mục đích tuyên truyền lệch lạc, hiếu chiến về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Và như vậy chỉ với một bộ phim điện ảnh cũng đã trở thành công cụ tuyên truyền để chính quyền Trung Quốc phục vụ ý đồ xâm chiếm Biển Đông.
Hay gần đây Trung Quốc đã cho chiếu video về Biển Đông trên biển quảng cáo khổng lồ ở Quảng trường Thời đại tại New York, Mỹ, nhằm bao biện yêu sách chủ quyền của họ.
Màn hình hiển thị quảng cáo của hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua tại Quảng trường Thời đại
chúng ta cần phải luôn luôn cảnh giác trước các luận điệu tuyên truyền của Trung Quốc đồng thời tích cực triển khai nhiều hình thức tuyên truyền và biện pháp đấu tranh dư luận để bảo vệ chủ quyền quốc gia ở Biển Đông, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế; nâng cao nhận thức của nhân dân về chủ quyền biển đảo Việt Nam, tạo sự đồng thuận lớn hơn trong xã hội về vấn đề biển đảo. Phối hợp chặt chẽ, kết hợp linh hoạt đấu tranh chính trị, ngoại giao với đấu tranh dư luận bảo vệ chủ quyền; thông tin về quan điểm của các nước kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, cũng như phản bác các thông tin, lập luận sai trái về vấn đề Biển Đông để tranh thủ sự đồng tình của quốc tế, góp phần thúc đẩy đàm phán giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.