Ngày 30/4 còn là ngày “thảm họa” đối với ngành truyền thông, khi có tới 10 phóng viên thiệt mạng trong các vụ tấn công tại Afghanistan.
Ngày 30/4, một loạt vụ đánh bom và tấn công khủng bố liên tiếp xảy ra tại nhiều khu vực của Afghanistan, khiến gần 40 thiệt mạng, trong đó có 10 nhà báo và 11 trẻ em.
Ngày khủng bố đẫm máu tại Afghanistan. Ảnh: AP |
Ngày “đẫm máu” xảy ra trong bối cảnh Afghanistan vẫn chưa hết bàng hoàng về một loạt các vụ đánh bom kinh hoàng mới diễn ra cách đây ít ngày. Cộng đồng quốc tế lập tức đưa ra những phản ứng quan ngại về tình hình an ninh tại quốc gia sắp bước vào cuộc bầu cử quan trọng sau ít tháng nữa.
Chỉ 1 tuần sau vụ đánh bom đẫm máu nhằm vào 1 địa điểm đăng ký cử tri ở thủ đô Kabul, khiến 60 người thiệt mạng và hơn 130 người khác bị thương, ngày 30/4 một lần nữa trở thành ngày “đẫm máu” tại Afghanistan. Liên tiếp các vụ đánh bom và tấn công khủng bố đã xảy ra tại nhiều địa phương của nước này, bao gồm thủ đô Kabul, tỉnh Kandahar và tỉnh Khost.
Đặc biệt, ngày 30/4 còn được coi là ngày “thảm họa” đối với ngành truyền thông khi có tới 9 phóng viên thiệt mạng trong một vụ đánh bom tại Kabul và 1 phóng viên của hãng tin BBC bị giết hại tại tỉnh Khost của Afghanistan.
Theo giới chức an ninh Afghanistan, dường như vụ đánh bom thứ hai tại Kabul chủ yếu nhằm vào giới phóng viên, khi kẻ tấn công đóng giả phóng viên đến đưa tin tại chính hiện trường một vụ đánh bom xảy ra trước đó không lâu. Người đứng đầu lực lượng cảnh sát Kabul, Mohammad Daud Amin cho biết:
“Kẻ đánh bom, giả danh một phóng viên quay phim, đã cho phát nổ bom trên mình khi đứng giữa nhóm phóng viên đến đưa tin. Một số phóng viên và nhiều người gần xung quanh hiện trường vụ nổ thứ nhất đã thiệt mạng và bị thương”.
Vài giờ sau vụ tấn công ở Kabul, một kẻ đánh bom liều chết tiếp tục tấn công một đoàn tàu vận tải quân sự của Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở tỉnh Kandahar, giết chết 11 trẻ em đang theo học tại một trường tôn giáo gần đó.
Nhóm khủng bố nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lập tức lên tiếng nhận tiến hành các vụ tấn công trên.
Trước loạt vụ đánh bom cướp đi sinh mạng của hàng chục người, bao gồm nhiều trẻ em và nhà báo tại Afghanistan, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 30/4 đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tình hình an ninh của Afghanistan hiện nay.
Ông Guterres nhấn mạnh, mục tiêu tấn công nhằm vào các nhà báo đã cho thấy rõ mối nguy hiểm mà những người làm truyền thông phải đối mặt trong khi tác nghiệp. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi nhanh chóng đưa những kẻ thực hiện hành động tội ác này ra chịu tội trước pháp luật.
Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại, bà Federica Mogherini cùng ngày cũng đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân, đồng thời nhấn mạnh loạt vụ tấn công trên là hành động coi thường luật nhân đạo quốc tế.
Bà Mogherini cam kết, châu Âu sẽ tiếp tục hỗ trợ tìm kiếm hòa bình và ổn định chính trị tại Afghanistan-quốc gia Nam Á từ lâu đã chìm trong bạo lực đẫm máu do các hoạt động khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và phiến quân Taliban.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định, các vụ tấn công tại Afghanistan là “man rợ và phi nghĩa”.
Các vụ tấn công khủng bố liên tiếp gây nhiều thương vong những ngày qua tại Afghanistan đang cho thấy những lỗ hổng an ninh nghiêm trọng tại quốc Nam Á này, bất chấp sự hỗ trợ từ phía Mỹ và các nước đồng minh.
Loạt vụ tấn công khủng bố chính là hồi chuông cảnh báo cho một tiến trình hòa bình cần phải được tiến hành ngay lập tức giữa Chính phủ quốc gia Nam Á này và các lực lượng nổi dậy, đứng đầu là Taliban, để Afghanistan không trở thành một Syria hay Iraq thứ 2-nơi mà tổ chức khủng bố IS đã từng ươm mần và phát triển./.
Theo V.O.V