Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa ký ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị: Cục Kế hoạch – Tài chính, Cục Con nuôi, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và Cục Bồi thường nhà nước.
Theo đó, Cục Kế hoạch – Tài chính là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý về công tác kế hoạch, thống kê, tài chính, kế toán, quản lý tài sản công và đầu tư phát triển của Bộ Tư pháp; tổ chức thực hiện hoạt động dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Cục Kế hoạch – Tài chính có tư cách pháp nhân, có trụ sở tại thành phố Hà Nội, có con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Cục Kế hoạch và Tài chính có 20 nhóm nhiệm vụ quyền hạn, trong đó có thể kể đến như công tác quản lý ngân sách, kinh phí; quản lý tài sản công; quản lý đầu tư phát triển; quản lý đấu thầu…
Về Cơ cấu tổ chức của Cục gồm có Cục trưởng và không quá 03 Phó Cục trưởng. Các tổ chức trực thuộc Cục: Phòng Kế hoạch – Tổng hợp; Phòng Thống kê; Phòng Quản lý ngân sách – tài sản; Phòng Quản lý đầu tư. Đơn vị sự nghiệp: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và mua sắm tài sản tập trung.
Đối với Cục Con nuôi, là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực nuôi con nuôi; giải quyết các việc về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật; giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ của cơ quan trung ương về nuôi con nuôi quốc tế của Việt Nam. Cục Con nuôi có tư cách pháp nhân, có trụ sở tại TP Hà Nội, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.
Cục Con nuôi có 20 nhóm nhiệm vụ, trong đó có tổ chức, theo dõi thi hành pháp luật, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách và các VBQPPL thuộc phạm vi quản lý của Cục; Rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất VBQPPL và pháp điển hệ thống QPPL thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Cục; Kiểm tra, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ về đăng ký nuôi con nuôi…
Cục Con nuôi gồm có Cục trưởng và không quá 03 Phó Cục trưởng. Các tổ chức trực thuộc Cục: Văn phòng; Phòng Pháp luật và Quản lý con nuôi trong nước; Phòng Quản lý con nuôi nước ngoài.
Đối với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá, hợp nhất VBQPPL, pháp điển hệ thống QPPL thực hiện kiểm tra VBQPPL thuộc trách nhiệm và thẩm quyền kiểm tra của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; tổ chức thực hiện rà soát, hệ thống hoá, hợp nhất VBQPPL, pháp điển hệ thống QPPL theo quy định của pháp luật.
Cục Kiểm tra VBQPPL có tư cách pháp nhân, có trụ sở tại TP Hà Nội, có con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Cục có 17 nhiệm vụ, quyền hạn, có thể kể đến các nhiệm vụ như tổ chức thực hiện đề án, chương trình, kế hoạch, VBQPPL về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất VBQPPL, pháp điển hệ thống QPPL; kiểm tra VBQPPL, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, pháp điển hệ thống QPPL…
Cục gồm có Cục trưởng và không quá 03 Phó Cục trưởng. Các tổ chức trực thuộc Cục: Văn phòng; Phòng Kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL khối kinh tế (gọi tắt là Phòng Kiểm tra khối kinh tế); Phòng Kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL khối khoa giáo – văn xã (gọi tắt là Phòng Kiểm tra khối khoa giáo – văn xã); Phòng Kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL khối nội chính (gọi tắt là Phòng Kiểm tra khối nội chính); Phòng Pháp điển và hợp nhất VBQPPL (gọi tắt là Phòng Pháp điển).
Đối với Cục Bồi thường nhà nước, là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về công tác bồi thường nhà nước theo quy định của pháp luật. Cục Bồi thường nhà nước là đơn vị có tư cách pháp nhân, có trụ sở tại TP Hà Nội, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.
Cục Bồi thường nhà nước có 22 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ theo dõi việc thi hành các VBQPPL về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Theo dõi, đôn đốc hoạt động giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường, xem xét trách nhiệm hoàn trả; Hướng dẫn nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước; Tham gia xác minh thiệt hại, thương lượng việc bồi thường đối với các vụ việc theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ…
Cục gồm có Cục trưởng và không quá 03 Phó Cục trưởng. Các tổ chức trực thuộc Cục gồm các tổ chức giúp Cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước: Văn phòng Cục; Phòng Nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án (gọi tắt là Phòng Nghiệp vụ 1); Phòng Nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động tố tụng (gọi tắt là Phòng Nghiệp vụ 2). Đơn vị sự nghiệp: Trung tâm Hỗ trợ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.
Các quyết định nói trên cũng quy định về trách nhiệm và mối quan hệ công tác của các đơn vị.