Ngày 15 tháng 4 năm 2017, khi xung đột trong vụ tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội lên đến cao trào, nhóm người bạo động của xã này đã bắt 38 cảnh sát, nhà báo và cán bộ làm con tin (1). Sau nhiều xung đột và đối thoại giữa các bên, đến tháng 7 năm 2017, vụ việc này đã bắt đầu có hướng giải quyết.
Các đối tượng chống nhà nước tìm mọi cách “cổ súy” cho tổ Đồng Thuận (Ảnh Internet)
Tuy nhiên, từ đầu năm 2018, nhóm bạo động mang tên “tổ Đồng Thuận”, do dòng họ Lê Đình dẫn dắt, đã có nhiều động thái để “hâm nóng” lại cuộc xung đột. Cụ thể, chỉ trong ba tháng đầu năm, nhiều gương mặt trong phong trào chống Cộng Việt Nam đã đổ xô đến “thăm hỏi, động viên” “tổ Đồng Thuận” (2). Số này bao gồm Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Đình Ấm, Đặng Bích Phượng, Nguyễn Tường Thụy, Trương Văn Dũng, Ngô Duy Quyền, Nguyễn Lê Hùng, Nguyễn Thúy Hạnh, Trịnh Bá Phương… Họ là thành viên của nhiều nhóm chống Cộng – như “No-U Hà Nội”, “dân oan Dương Nội”, “Hội Anh em Dân chủ”, “Hội Bầu bí Tương thân”… tất cả đều có liên quan ít nhiều đến đảng khủng bố Việt Tân, một tổ chức chuyên kích động, lợi dụng những người dân thiếu hiểu biết.
Hồng Thái Hoàng (thành viên Việt Tân) và Lê Đình Kình (Ảnh Internet)
Mới đây, ông Lê Đình Công, một trong những người cầm đầu “tổ Đồng Thuận”, lại vận động người dân Đồng Tâm tổ chức lễ kỷ niệm 1 năm vụ bắt cóc con tin ngày 15 tháng 4 năm 2017. Theo một bài viết trên trang Loa Phường, thì “tổ Đồng Thuận” đã gõ cửa từng nhà dân để thu tiền tổ chức buổi lễ. Những hộ không nộp tiền đều bị họ chửi bới, đe dọa, quy là “phản lại dân Đồng Tâm” (3). Hành động tống tiền của “tổ Đồng Thuận” nhắc chúng ta nhớ đến thủ đoạn của đảng khủng bố Việt Tân, khi đảng này cho mafia gõ cửa từng nhà dân trong cộng đồng người Việt hải ngoại, để ép đồng bào đóng tiền “ủng hộ quân kháng chiến”.
Vụ tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm có rất nhiều tình tiết phức tạp, bí ẩn. Trong vụ này, ngay cả đơn thư khiếu kiện của những hộ dân cùng “phe” cũng còn chứa một số điểm mâu thuẫn. Sau đó, vì cả báo chí chính thống, dư luận mạng lẫn người trong cuộc đều chỉ cung cấp một phần sự thật, mà độc giả ở xa không có cách nào để kiểm chứng, thông tin quanh vụ việc này càng hỗn loạn hơn. Nên nói một cách trung thực và công bằng, thì độc giả không có đủ căn cứ để kết luận rằng trong vụ này ai đúng ai sai, và đâu là cách giải quyết tốt nhất.
Tuy nhiên, ta không nên để tình huống phức tạp che khuất những sự thật đơn giản. Nếu bình tĩnh nhìn lại toàn cảnh vụ việc, độc giả sẽ thấy trong cuộc xung đột, “tổ Đồng Thuận” và các hội đoàn chống Cộng không hề có chung lợi ích với người dân. Người dân Đồng Tâm chỉ được lợi nếu cuộc xung đột được giải quyết một cách êm thấm, giúp họ nhận được khoản hỗ trợ, đền bù. Trong khi đó, “tổ Đồng Thuận” và các hội đoàn chống Cộng lại được lợi khi xung đột không được giải quyết. Cụ thể:
– Dòng họ Lê Đình, lực lượng cầm đầu “tổ Đồng Thuận”, cần lợi dụng cuộc xung đột để giữ quyền lực. Không phải tự nhiên mà họ Lê Đình tự cho mình cái tư cách đại diện cho người dân Đồng Tâm. Từ nhiều năm nay, những chức vụ cao nhất ở Đồng Tâm đều nằm trong tay họ Lê Đình (4). Chẳng hạn, Lê Đình Kình từng làm Bí thư Đảng ủy, Lê Đình Thuận từng làm Phó Bí thư Đảng ủy, Lê Đình Thuần từng làm Phó Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND Xã… Như vậy, dòng họ Lê Đình chẳng khác gì một hào trưởng địa phương, cầm quyền trong trật tự “phép vua thua lệ làng”. Việc Lê Đình Công bao vây, dọa đánh những người dân làng ủng hộ phương án giải tỏa đất đai của nhà nước (5), hoặc đến từng nhà dân dọa nạt, đòi thu tiền tổ chức hội hè (3), là những biểu hiện rõ ràng của trật tự địa phương đó.
– Nếu xung đột ở Đồng Tâm được giải quyết theo đúng trình tự mà pháp luật quy định, và theo phương án của trung ương, thì trật tự địa phương này sẽ được ổn định, khiến dòng họ Lê Đình mất quyền lực. Vì vậy, họ quyết tâm duy trì cuộc xung đột này, dù việc đó đi ngược lại lợi ích thiết thực của dân chúng. Giờ đây, tương tự đảng Việt Tân ở hải ngoại, họ đang tiếp tục cầm quyền bằng cách duy trì một “thiết quân luật” và một không khí thời chiến ở Đồng Tâm.
– Các hội đoàn chống Cộng cần lợi dụng cuộc xung đột để xây dựng lực lượng cho mình. Họ tìm mọi cách “chính trị hóa” cuộc xung đột, biến những xung đột lợi ích xoay quanh vấn đề đất đai thành những xung đột chính trị giữa nông dân và thể chế. Họ kêu gọi nông dân biểu tình, để đòi những củ cà rốt mơ hồ như “công lý cho người bị hại” hoặc “quyền tư hữu đất”, thay vì tìm cách đạt được những quyền lợi thiết thực của bản thân. Nông dân biểu tình càng nhiều thì quân số và tiền tài trợ của các hội đoàn chống Cộng càng phình to, trong khi lợi ích thực tế của nông dân càng nhỏ lại.
Tóm lại, dù ai đúng ai sai trong cuộc xung đột ở Đồng Tâm, thì “t
ổ Đồng Thuận” và các hội đoàn chống Cộng liên quan cũng đang cố duy trì, thổi phồng xung đột để tìm cách trục lợi. Khi tổ chức lễ kỷ niệm một năm vụ bắt cóc, họ khiêu khích chính quyền, để khơi lại cuộc xung đột tưởng đã êm xuôi. Nếu xung đột bùng phát trở lại, họ sẽ dùng những màn “Chí Phèo ăn vạ”, như vụ Lê Đình Kình bị gãy chân năm ngoái, để trục lợi từ dư luận và nước ngoài.
Vì vậy, cả các cơ quan hữu quan lẫn dư luận đều nên giữ thái độ bình tĩnh, thực tế, công tâm, tránh rơi vào màn “biến không thành có”, “chuyện bé xé ra to” của các nhà chống Cộng và tổ Đồng Thuận./.