Giáo xứ Song Ngọc (xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lưu, Nghệ An): xây dựng công trình trái phép trên đê và lòng sông Thái làm ách tắc dòng chảy, gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống và tính mạng của người dân
Vào tháng 4/2017, linh mục quản xứ Song Ngọc Nguyễn Đình Thục và Hội đồng mục vụ giáo xứ Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc đã tự ý ép cọc, đổ bê tông và xây dựng các công trình trái phép trên đê, lấn chiếm lòng sông Thái. Việc làm này đã gây nên những hậu quả hết sức nghiêm trọng, làm ách tắc dòng chảy, dẫn tới sạt lở bờ sông, gây ngập lụt ở nhiều xã, thị trấn của huyện Quỳnh Lưu trong mùa mưa bão đe dọa trực tiếp đến tính mạng cũng như xản xuất của người dân các xã như Quỳnh Ngọc, Quỳnh Thọ, Quỳnh Diễn, Quỳnh Hưng, thị trấn Cầu Giát, Quỳnh Lâm…khiến nhân dân trong vùng hết sức bất bình và phẫn nộ, lo ngại khi mùa mưa bão 2018 sắp tới.
Những đợt mưa lớn, liên tiếp gây ngập lụt nghiêm trọng vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10 năm 2017 đã qua đi, nước đã rút và người dân trở lại cuộc sống bình thường, thế nhưng khi chúng tôi hỏi về những ngày sống trong cảnh ngập lụt ấy, nhiều người dân vẫn còn hoang mang, lo sợ. Ở xã Quỳnh Hưng, mưa lớn đã làm cho nhiều vùng bị ngập cục bộ, trong đó, nặng nhất là ở xóm 11 và xóm 12. Cả 2 xóm hiện có 600 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu. Mưa lớn, cùng với triều cường dâng cao, dòng chảy bị cản trở đã làm cho nước tràn qua đê khoảng 20cm. Hàng chục héc ta nuôi thủy sản và sản xuất vụ Đông của bà con bị mất trắng, nhiều nhà dân ngập sâu đến hơn 1m, chỗ ngập nhẹ nhất cũng trên 50cm. Hệ thống đê điều bị xói lở.
Một giáo dân ở giáo xứ Thuận Giang – xã Quỳnh Hưng cho biết: “Dòng chảy qua địa bàn bị hẹp, không thông thoáng như trước đây nên khi nước dâng, mưa to gây ngập lụt nghiêm trọng. Vừa rồi, khu vực này ngập lụt hết, nước mặn tràn vào trong làng khiến bà con nuôi trông thuỷ sản mất hết tôm, cá”.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Định – Xóm trưởng xóm 11, xã Quỳnh Hưng cho biết: Mưa thì không lớn nhưng lại gây ra trận ngập lụt lớn nhất từ trước đến nay mà ông biết, hậu quả về kinh tế cho bà con cũng rất nặng nề. Nguyên nhân thì theo ông là do ách tắc dòng chảy sông Thái, nước từ thượng nguồn đổ về, gặp với triều cường dâng cao nên mới gây ngập lụt nặng như vậy.
Ông Nguyễn Ngọc Định cho biết thêm: “ Gió thì không to lắm, nhưng nước dâng trước, nước mặm lên mà đê Sông Thái 2 máy múc đứng trực một cái đê trên, một cái đê dưới để múc bờ, đắp bờ, bao nhiêu hồ tôm, bao nhiêu ao cá…là trắng hết, để lại một hậu quả rất nguy là 4 lỗ dột, 3 cống ông ngựa hư hết cả 3. May mà mấy ông ủy ban đưa máy múc dã chiến tạm thời chứ không là nó đứt cho 2 đoạn đê thì hết chỗ nói luôn. Nhà mà xây đến 1/3 dòng sông thì nó ảnh hưởng lớn. Xây ở trong lòng sông thì không được. Như ở giáo xứ Quỳnh ngọc, bình thường thì không sao nhưng gặp lũ lớn thì nó sẽ ảnh hưởng dòng chảy”.
Có thể nói, đợt ngập lụt nghiêm trọng xảy ra vào đầu tháng 10 năm 2017 là đợt ngập lụt lớn nhất, gây hậu quả nghiêm trọng nhất trong vòng hơn 20 năm trở lại đây trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu. Nguyên nhân không chỉ bởi nước trên thượng nguồn đổ về và triều cường dâng cao cộng với mưa lớn mà còn bởi tình trạng lấn chiếm đê và lòng sông Thái. Và đặc biệt nghiêm trọng là việc ngang nhiên vi phạm pháp luật, xây dựng công trình trái phép trên sông Th
ái ở Giáo xứ Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc.
Cụ thể, vào tháng 4/2017, linh mục Nguyễn Đình Thục – Quản xứ Song Ngọc và Hội đồng mục vụ giáo xứ Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc đã phát động giáo dân, tổ chức thuê các tổ thợ xây dựng tự ý ép cọc, đổ sàn bê tông, xây dựng công trình trên đê, lấn chiếm lòng sông Thái, với tổng diện tích xây dựng trái phép là 578,3m2 (chiều dài 75,6m, chiều rộng nơi lớn nhất là 10,95m, nơi nhỏ nhất là 6m) và đã dựng nhà 7 vì kèo gỗ trên sàn bê tông. Việc làm coi thường pháp luật này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy, gây ngập lụt đối với các xã phía trên thượng lưu, ảnh hưởng xói lở trực tiếp đến vùng đê phía xã Quỳnh Thọ và nhiều xã trên thượng nguồn. Xã Quỳnh Diễn cũng có 2 xóm bị ngập lụt nặng trong đợt mưa vào tháng 10/2017 đó là xóm 1 và xóm 2 cũng là 2 xóm tập trung bà con giáo dân sinh sống tại địa phương. Sau đợt mưa liên tiếp, 2 xóm bị ngập sâu từ 70cm đến hơn 1m khiến cho sinh hoạt của người dân hết sức khó khăn, gia cầm bị chết, lúa gạo bị ẩm mốc, 35 héc ta nuôi thủy sản mất trắng, rau màu vụ Đông cũng chìm trong biển nước, hư hỏng toàn bộ.
Ông Hồ Đồng Vĩnh – xóm 1, xã Quỳnh Diễn cho biết: “Trong năm 2017 xảy ra 2 trận mưa làm ngập úng toàn diện trên địa bàn xã, nhưng chỉ có xóm 1, xóm 2 là nặng nhất vì là vùng sâu sục hơn và lại nằm ở vùng giáo dân. Do nước cường đẩy lên nó không thoát được ở vùng hạ lưu từ Song Ngọc trở xuống. Với hành vi của giáo xứ Song Ngọc vừa rồi, đóng cọc, lấn sông để làm công tác của giáo hội là sai với pháp luật, đề nghị các cấp chính quyền, cơ quan chức năng sớm giải quyết, làm dứt điểm không để tồn tại xảy ra để khi lụt lội, bão lũ thì nhân dân có đường thoát nước nhanh hơn để đảm bảo cuộc sống.”
Còn tại Thị trấn Cầu Giát, liên tiếp những đợt mưa lớn xảy ra vào đầu tháng 10/2017, đặc biệt từ đêm 10/10/2017, nước từ sông Thái tràn qua đã làm cho khu vực khối 4 6,7,8,9 và chợ bò bị ngập sâu trong nước. Đặc biệt nghiêm trọng là ở khu vực Đồng Lớ thuộc Khối 4, thị trấn Cầu Giát bị cô lập trong biển nước. Mực nước dâng cao từ 1 – 1,3m, có nơi tới gần 2m nước.
Ông Trần Thanh Tiêu – Khối trưởng khối 4, thị trấn Cầu Giát cho biết thêm: “Vùng Đồng Lớ là vùng ngập lụt, trước đây có ngập lụt nhưng mức độ cũng không to nhưng mà đợt vừa rồi mưa cũng chỉ vừa phải. Tháng 10 năm 2017 do ách tắc dòng chảy, nước trên thượng nguồn đổ về cho nên mức nước ngập lụt lớn, tràn qua cả bờ đê, ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con phía ngoài bờ đê còn dân ở trong bờ đê này thì ngập lụt sâu. Đề nghị do dòng chảy bị ngăn chặn do việc xây dựng ở dưới Song Ngọc làm ách tắc dòng chảy cho nên nước dồn ứ lên ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con trên này cho nên đề nghị huyện làm thế nào để khơi thông dòng chảy tránh ách tắc đến cuộc sống của nhân dân”.
Để di dời người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm, lực lượng công an huyện, Ban chỉ huy quân sự huyện và cán bộ, công nhân viên Thị trấn Cầu Giát đã được huy động ngay trong đêm để giúp dân. Các phương tiện cứu hộ như thuyền máy, ca nô, áo phao, thuyền phao…. cũng đã được tập trung về Đồng Lớ để giúp cho 30 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu vận chuyển người và tài sản đến nơi an toàn. Đặc biệt, lực lượng cứu hộ là cán bộ, công chức, viên chức thị trấn Cầu Giát đã dầm mình trong nước sâu để lần tìm đến từng nhà với quyết tâm di dời tất cả người dân ra khỏi vùng bị nước cô lập. Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu cũng đã có mặt để chỉ đạo công tác di dời người dân đến nơi an toàn, động viên nhân dân ổn định tinh thần, đồng thời, chỉ đạo các lực lượng bố trí chỗ ở, lương thực, mì tôm, nước uống cho người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Hảo – Khối 7, thị trấn Cầu Giát thì, mưa lụt hầu như ở trong khối 7, khối 4, 8 , 6 năm nào cũng có ngập nhưng đặc biệt năm nay mưa thì không to lắm nhưng lại ngập rất sâu. Chúng tôi khối 7, bà con rất vất vả, kinh tế rất khó khăn, ngập thế này thì 5 – 7 ngày, thậm chí hơn nữa thì thực sự khó khăn. Đề nghị nhà nước có chính sách phù hợp, biện pháp nào đó khơi thông dòng chảy sông Thái để đảm bảo cho bà con sản xuất, kinh doanh.
Việc làm của linh mục Nguyễn Đình Thục và Hội đồng mục vụ giáo xứ Song Ngọc đã vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng lớn đến hành lang đê điều, làm thay đổi dòng chảy. Khi sông Thái thay đổi dòng chảy sẽ làm sạt lở đê, ảnh hưởng đến cuộc sống, kinh tế và tính mạng của người dân. Nguy hiểm nhất là vào mùa mưa bão nước trên nguồn đổ về rất lớn làm sạt lở mạnh. Tình trạng này kéo dài có nguy cơ vỡ đê là rất cao. Chính vì vậy, để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, đề nghị các cấp chính quyền yêu cầu giáo xứ Song Ngọc, linh mục Nguyễn Đình Thục phải tháo dỡ công trình trái phép, nếu không tự tháo dỡ thì chính quyền buộc phải cưỡng chế để trả lại nguyên trạng cho dòng sông như ban đầu.