VNTL – Thông tin về việc một cô giáo ở Trường Tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức (Long An) phải “quỳ gối xin lỗi phụ huynh” là một “cú tát” vào truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam
Kể cả khi cô giáo có lỗi thì cách hành xử của các vị phụ huynh (PH) ở Trường Tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An cũng không thể chấp nhận được. Chính cách ứng xử của họ là tấm gương xấu cho việc dạy dỗ, hình thành nhân cách của con em mình. Càng nghiêm trọng hơn, hình ảnh “quỳ gối của cô giáo trước PH” thể hiện sự bất lực, sự xuống cấp của một nền giáo dục trước cái ác, sự tha hóa đạo đức.
Ảnh hưởng đến nhân cách học sinh
Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, dù có khác biệt về thể chế chính trị hay tôn giáo, thành phần, trình độ học thức thì bao giờ vai trò người thầy trong xã hội luôn được đề cao. Ở Việt Nam, nghề giáo là một trong những nghề cao quý nhất của xã hội. Chỉ có 2 nghề, mọi người đều kính trọng gọi bằng “thầy” đó là: thầy giáo và thầy thuốc. Người Việt Nam từ khi mới lọt lòng mẹ, đã nghe bà, nghe mẹ hát ru: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy!”.
Trước đây không lâu, dù kinh tế hết sức khó khăn, chạy ăn từng bữa nhưng chưa bao giờ có hình ảnh PH hay học sinh (HS) cư xử tệ với thầy cô giáo. Bao giờ PH, HS cũng thể hiện sự tôn kính đối với thầy cô giáo: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy). Tôi còn nhớ, thời đi học, chuyện thầy cô giáo bắt HS quỳ gối hay chụm 5 đầu ngón tay để thầy cô lấy thước đánh là chuyện hết sức bình thường mỗi khi HS phạm lỗi quậy phá hay không thuộc bài. Khi thầy cô giáo phạt HS, không những PH không trách mà còn cảm ơn thầy cô đã nghiêm khắc dạy dỗ con em. Những hình phạt này đã ít nhiều giáo dục HS tốt hơn, lễ phép hơn.
Có ý kiến cho rằng hình phạt ngày trước giờ không phù hợp với HS ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển. Việc đánh đòn, bắt phạt trẻ là hình thức giáo dục phản cảm, phản khoa học. Ý kiến này không sai nhưng cũng chưa hoàn toàn chính xác. Để xác định hình phạt có phản cảm hay không thì phải tùy vào từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể. Có thể đối với HS này không áp dụng được nhưng với HS khác thì lại hiệu quả. Để HS “tâm phục, khẩu phục” và không bị cho là phản cảm, thầy cô giáo cần có kỹ năng sư phạm trong việc lựa chọn hình thức xử lý đối với từng HS.
Đối với PH, cần phải hết sức bình tĩnh để thẩm định sự việc. Phải tìm hiểu lý do vì sao con mình bị thầy cô áp dụng hình phạt. Nếu hình phạt thầy cô áp dụng cho con quá nặng, có thể gặp riêng thầy cô giáo để trao đổi, phối hợp trong việc dạy dỗ. Trong mọi trường hợp, PH không thể dùng lời lẽ, hành động thiếu văn hóa để phản đối giáo viên (GV). Hành động này không chỉ xúc phạm đến thầy cô giáo mà còn ảnh hưởng đến việc hình thành, phát triển nhân cách của chính con em mình, ảnh hưởng đến xã hội.
Trường Tiểu học Bình Chánh, nơi xảy ra vụ việc đau lòng
Có dấu hiệu làm nhục người khác
Theo thông tin từ các báo, xuất phát từ việc HS vi phạm nội quy của trường nên cô giáo áp dụng biện pháp xử phạt HS bằng hình thức quỳ gối. Một số em sợ bị phạt nên không đi học, dẫn đến việc PH bức xúc, đến trường tạo áp lực. Biết mình sai, cô giáo nhận lỗi và hứa khắc phục sai sót. Dù vậy, một PH không đồng tình nên cô giáo đành xuống nước: “Vậy tôi sẽ quỳ tại đây”. Sau đó có 4 PH làm áp lực, cô giáo phải quỳ trước mặt, có sự chứng kiến của một số GV của trường.
Dưới góc độ pháp luật, hành vi dùng áp lực để buộc cô giáo quỳ gối trước mặt PH và GV trong trường có vi phạm pháp luật hay không? Nếu vi phạm bị xử lý như thế nào là điều mà dư luận đang rất quan tâm.
Theo ý kiến cá nhân, tôi cho rằng trường hợp cô giáo “tự nguyện xin quỳ gối” trước mặt PH và GV trong trường thì các PH không vi phạm pháp luật nhưng xét về văn hóa ứng xử, đạo đức xã hội thì đó là hành vi phản cảm.
Trường hợp, các PH này làm áp lực hoặc đe dọa cô giáo quỳ gối trước mặt họ và GV trong trường, là hành vi có dấu hiệu “làm nhục người khác”, tùy mức độ mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM)