Đến hẹn lại lên, ngày 23/02/2018, tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International) đã đưa ra bản tường trình thường niên về tình hình nhân quyền Việt Nam trong giai đoạn 2017-2018 với nội dung tóm tắt cho rằng: “Những hạn chế độc đoán về quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp ôn hòa vẫn tiếp tục. Gia tăng đàn áp những ai bất đồng chính kiến, khiến nhiều nhà hoạt động phải rời bỏ đất nước… Các nhà hoạt động nổi bật bị hạn chế đi lại, bị theo dõi, quấy rối và tấn công thô bạo. Tù nhân lương tâm bị tra tấn và ngược đãi. Có báo cáo về những cái chết khả nghi khi bị cảnh sát giam giữ, án tử hình vẫn còn…”. Cùng với đó, bản tường trình của tổ chức này cũng đưa ra hàng loạt các thông tin sai lệch, thiếu khách quan về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm vừa qua.
Những nhận định mà tổ chức này đưa ra đều là những nhận định trái chiều, định hướng tiêu cực nhằm vào Việt Nam. Điển hình có thể kể đến luận điệu quen thuộc về “đàn áp bất đồng quan điểm” với lời lẽ vu cáo cũ mèm rằng “gia tăng đàn áp tự do ngôn luận và những ai chỉ trích các hành động, chính sách của chính phủ khiến số các nhà hoạt động ôn hòa phải rời bỏ đất nước tăng lên… Hầu hết họ bị quy tội theo những điều khoản mơ hồ trong phần an ninh quốc gia của Bộ Hình luật 1999, hoặc bị bắt giữ với những cáo buộc giả tạo khác.” Thử hỏi tính khách quan của bản tường trình ở đâu khi mà những từ ngữ được sử dụng hết sức mơ hồ, thiếu chính xác, mang nặng quan điểm cá nhân như vậy. Không những thế, những người bất đồng quan điểm bị “đàn áp” hay các nhà hoạt động ôn hòa mà tổ chức này nhắc đến lại chính là những kẻ đã thực hiện những hành vi phạm tội với những chứng cứ không thể chối cãi như Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Đặng Xuân Diệu… Một tổ chức danh xưng quốc tế mà lại đi bênh vực cho những kẻ phạm tội, đồng thời còn đưa ra lời nhận xét về luật pháp của một quốc gia có chủ quyền khác bằng từ ngữ thiếu sự tôn trọng, hạ thấp họ khi cho rằng đó là “điều khoản mơ hồ”, điều này đã thể hiện một thái độ đầy thù địch, thiếu trung thực, khách quan đang được tổ chức này dành cho Việt Nam.
Thậm chí tổ chức này còn đem cả những luận điểm hết sức vô lý, không lô-gíc để đánh giá tình hình nhân quyền Việt Nam như về bối cảnh, họ đã dẫn chứng “Hàng chục nhân viên chính phủ bị bắt và truy tố trong chiến dịch chống tham nhũng, gồm cả những người giữ chức vụ của chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam”; “Không thấy sửa đổi từ ngữ mơ hồ trong luật an ninh quốc gia dùng chống lại các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa, giúp luật này phù hợp với luật pháp và tiêu chuẩn quốc tế”; hay “Chỉ có một vụ hành hình được các phương tiện truyền thông thông báo chính thức cho năm 2017, nhưng nhiều người cho rằng có nhiều vụ hành hình đã xảy ra”. Mũi dùi công kích vẫn được tổ chức Ân xá quốc tế cố tình hướng về phía Việt Nam nhưng họ lại không có đủ những căn cứ thuyết phục nên bất đắc dĩ đã phải sử dụng những thông tin hết sức mập mờ, không rõ ràng, không chính xác như vậy.
Là một tổ chức phi chính phủ dưới danh xưng quốc tế nhưng tổ chức Ân xá quốc tế lại đang hoạt động một cách mờ ám, câu kết với các tổ chức, các đối tượng xấu, dưới sự hậu thuẫn của giới tư bản châu Âu và Mỹ trở thành cánh tay nối dài cho giới tư bản này với mục đích nhằm tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. Đây không phải lần đầu tổ chức này đăng tải, thông báo công khai những thông tin sai lệch về nhiều quốc gia khác nhau. Rõ ràng, nếu tổ chức Ân xá quốc tế còn tiếp tục đưa ra những bản báo cáo thiếu căn cứ, thiếu khách quan theo sự xúi giục của các thế lực tư bản thì tất yếu giá trị sử dụng của các bản báo cáo cũng sẽ chỉ là con số không, đồng thời họ còn tự đánh mất đi tầm vóc quốc tế của mình./.
An Thiên.