Kỳ 5: Nguyễn Bắc Truyển kẻ chuyên tham gia thành lập các tổ chức phản động chống phá đất nước
Kỳ 4: Phạm Văn Trội, trợ thủ đắc lực của Nguyễn Văn Đài
Nguyễn Bắc Truyển, sinh năm 1968, trú tại phòng số 8, thửa số 44, Khu vườn rau, phường 6, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Cả cuộc đời của y là những chuỗi ngày tham gia thành lập các tổ chức phản động chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Nguyễn Bắc Truyển
Tham gia xây dựng đảng Dân chủ nhân dân của Đỗ Thành Công
Năm 1982, sau khi vượt biên sang Mỹ, Đỗ Thành Công cùng vợ là Bùi Thị Ngân Tiên tham gia một số tổ chức chống cộng của người Việt ở Mỹ như “Phong trào Phục hưng Việt Nam” và làm đến chức Tổng Thư ký; “Chính phủ Việt Nam tự do” do Nguyễn Hữu Chánh cầm đầu.
Năm 2002, sau thất bại của Nguyễn Hữu Chánh, Đỗ Thành Công và vợ thành lập tổ chức mới là “Điện thư Câu lạc bộ dân chủ”, ra số đầu tiên vào tháng 4/2003. Đây là website nhận đăng những bài viết chống phá chế độ, kêu gọi thay đổi thể chế, người gửi bài sẽ được liên lạc để mời gia nhập tổ chức. Trong quá trình hoạt động, website này đã kết nạp được một số người thường xuyên gửi bài như Lê Nguyên Sang, Huỳnh Nguyên Đạo và Nguyễn Bắc Truyển. Tháng 6/2005, trong “điện thư” số 59, Đỗ Thành Công tuyên bố thành lập đảng Dân chủ nhân dân, dựa trên lực lượng mà họ đã kết nạp được. Trong đảng này, Lê Nguyên Sang giữ chức Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách đối ngoại, Nguyễn Bắc Truyển giữ chức Bí thư Thành bộ Sài Gòn. Tất cả mọi hoạt động của Đỗ Thành Công và đám tay sai đều đã bị cơ quan Công an phát hiện, theo dõi.
Ngày 19/7/2006, Đỗ Thành Công trong vai Việt kiều cùng vợ về Việt Nam thăm quê để chỉ đạo các hoạt động chống phá. Tại đây, Đỗ Thành Công gặp mặt Lê Nguyên Sang và Huỳnh Nguyên Đạo. Cả ba sử dụng nhiều thủ thuật để đối phó với cơ quan Công an như thay biển số xe taxi, đổi khách sạn liên tục để tìm cách giữ bí mật cuộc gặp. Ngày 14/8, Đỗ Thành Công bị bắt ở Phan Thiết, Bình Thuận. Tiếp đó, Lê Nguyên Sang và Huỳnh Nguyên Đạo cũng bị bắt trong khoảng thời gian này. Sau khi bị bắt, Đỗ Thành Công lập tức tuyên bố tuyệt thực. Nhưng chỉ chưa đầy 5 ngày, Đỗ Thành Công đã khai nhận mọi hoạt động chống phá Việt Nam. Ngày 21/9/2007, Đỗ Thành Công được trả tự do và bị trục xuất khỏi Việt Nam.
Ngày 17/11/2006, Nguyễn Bắc Truyển bị bắt do có liên quan đến kế hoạch biểu tình, rải truyền đơn vào dịp Việt Nam tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC tại Hà Nội. Ngoài ra, Truyển có nhiều phát ngôn sai trái ủng hộ các đối tượng chống Nhà nước, có một số bài viết sai trái kêu gọi đa nguyên đa đảng… Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 10/5/2007, Truyển bị kết án 4 năm tù vì tội “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Vào thời điểm bị bắt, Truyển đang là Giám đốc Công ty TNHH Việt Thịnh Phú (chuyên vận tải hàng hóa quốc tế) và là Tổng giám đốc Công ty cổ phần khai thác khoáng sản Việt-Phi Kontum. Tại phiên phúc thẩm, Truyển được giảm xuống còn 3 năm 6 tháng tù giam.
Tham gia Hội Ái hữu tù nhân chính trị và tôn giáo Việt Nam
Sau khi mãn hạn tù vào tháng 5/2010, Nguyễn Bắc Truyển tuyên bố mình vẫn là đảng viên đảng Dân chủ nhân dân và tiếp tục tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước thông qua mạng xã hội. Trên trang facebook cá nhân, Truyển liên tục đăng tải các bài viết có nội dung xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước, tuyên truyền quan điểm đa nguyên, đa đảng, vu cáo Nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền. Những năm sau đó, Truyển tiếp tục tham gia nhiều tổ chức đối lập khác như Khối 8406, Hội Ái hữu tù nhân chính trị và tôn giáo Việt Nam, các tổ chức Phật giáo Hòa hảo đối lập, Văn phòng Công lý & Hòa bình thuộc dòng Chúa Cứu thế TP.HCM
Hội Ái hữu Tù nhân chính trị và tôn giáo Việt Nam do Huỳnh Văn Ba (pháp danh Thích Thiện Minh) thành lập vào ngày 19/11/2006. Núp dưới vỏ bọc hoạt động thiện nguyện, nhân đạo, Hội Ái hữu tù nhân chính trị và tôn giáo Việt Nam sử dụng tiền viện trợ của các tổ chức phản động ở hải ngoại để hỗ trợ tài chính cho gia đình các “cựu tù nhân lương tâm” đang ở tù. Từ đó tạo uy tín, lôi kéo người nhà tham gia các hoạt động chống phá chính quyền. Nguyễn Bắc Truyển từng giữ vai trò Tổng Thư ký của Hội này. Cuối năm 2017, Hội Ái hữu tù nhân chính trị và tôn giáo Việt Nam cùng một loạt các hội khác trao “Giải Nhân quyền 2017” cho 9 người, bao gồm bốn thành viên Hội AEDC vừa bị bắt là Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn và Trương Minh Đức.
Ngày 18/2/2014, đúng vào ngày diễn ra phiên xử Lê Quốc Quân, Nguyễn Đan Quế và linh mục Phan Văn Lợi ký tuyên bố thành lập tổ chức mới mang tên “Hội Cựu tù nhân lương tâm”. Hội này và Hội Ái hữu tù nhân chính trị và tôn giáo có mối quan hệ hết sức gần gũi. Bức ảnh chụp cơ cấu ban điều hành của Hội Cựu tù nhân lương tâm cho thấy rõ toàn bộ 7 thành viên Ban cố vấn và 2 thủ quỹ của hội này đều là thành viên Hội đồng liên tôn.
Ban điều hành của Hội Cựu tù nhân lương tâm
Như vậy, có thể thấy rằng Hội đồng liên tôn quy tụ cả các lực lượng Phật giáo, Phật giáo Hòa hảo, Công giáo lẫn Tin lành đối lập là thế lực đã thành lập và điều phối cả Hội Cựu tù nhân lương tâm lẫn Hội Ái hữu tù nhân chính trị và tôn giáo Việt Nam. Cùng thời điểm tháng 2/2014, bản thân Nguyễn Bắc Truyển có những biểu hiện xích lại gần các thế lực tôn giáo thuộc Hội đồng liên tôn hơn khi cải đạo sang Phật giáo Hòa hảo theo vợ, đồng thời bắt đầu làm việc trong Văn phòng Công lý & Hòa bình của Dòng Chúa Cứu thế TP.HCM.
Trong bốn điều phối viên của Hội Cựu tù nhân lương tâm mà ảnh trên thể hiện, có tới hai người là thành viên quan trọng của Hội AEDC là Nguyễn Vũ Bình và Phạm Văn Trội. Nguyễn Văn Đài, người đã cùng ông Phạm Văn Trội và Nguyễn Bắc Truyển sáng lập Hội AEDC cũng từng là điều phối viên khu vực miền Bắc của Hội Cựu tù nhân lương tâm khi hội này mới thành lập. Vì vậy, có thể thấy rằng Hội AEDC và hai hội “cựu tù nhân” nói trên có mối quan hệ rất gắn bó với nhau.
Gia nhập Phật giáo Hòa hảo và Văn phòng Công lý & hòa bình
Ngày 18/2/2014, Nguyễn Bắc Truyển kết hôn với Bùi Thị Kim Phượng, một tín đồ của giáo phái “Phật giáo Hòa hảo Thuần túy”. Sau đám cưới, Truyển cải đạo theo vợ. Cũng trong tháng này, Truyển và vợ trở thành thiện nguyện viên tại Văn phòng Công lý & Hòa bình thuộc dòng Chúa Cứu thế TP.Hồ Chí Minh, nơi lui tới của nhiều đối tượng có hoạt động chống đối chính chuyền. Văn phòng Công lý & Hòa bình thường hỗ trợ pháp lý cho các nhóm dân khiếu kiện tập thể hay tổ chức biểu tình. Bản thân Truyển đã có một hoạt động tương tự từ năm 2006, khi thành lập một văn phòng luật ở Công ty TNHH Việt Thịnh Phú để hỗ trợ pháp lý cho các đoàn “dân oan” đòi đất.
Đồng sáng lập Hội Anh em dân chủ
Ngày 24/4/2013, Nguyễn Bắc Truyển cùng một số nhân vật đối lập khác như Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Trương Minh Đức, Trần Đức Thạch… thành lập Hội Anh em dân chủ (Hội AEDC). Các nhà sáng lập tuyên bố rằng hội này chỉ hoạt động trên Internet và “không chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, không cần đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam”. Trái với tuyên bố đó, Hội AEDC đã có nhiều hoạt động offline được tường thuật công khai trên website của đảng này. Nhờ có có ngân quỹ và sử dụng một lượng tài chính đáng kể, năm 2015, Hội AEDC mở kênh “Lương tâm TV” phát sóng trên youtube mỗi tuần một clip. Mỗi clip của kênh này, chỉ dài khoảng 5 đến 7 phút, đã được Hội Cựu tù nhân lương tâm (một hội quy tụ nhiều thành viên đầu não của Hội AEDC) tài trợ 1,5 triệu VNĐ. Ngay từ khi thành lập, trong phần giới thiệu Hội AEDC, các sáng lập viên cũng tuyên bố rằng họ sẽ liên tục tiến hành các hoạt động huấn luyện, “làm sao để mọi thành viên của Hội AEDC phải có đầy đủ 3 kỹ năng: Hoạt động độc lập, hoạt động theo nhóm và hoạt động liên kết các nhóm”. Thực chất những hành vi của Nguyễn Bắc Truyển là nhằm mục đích đầu cơ chính trị, cầu xin những đồng đô-la tài trợ từ các thế lực thù địch bên ngoài để kiếm sống và duy trì các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam…
Nguyễn Bắc Truyển bị bắt
Ngày 30/7/2017, 4 thành viên của Hội AEDC là Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn và Trương Minh Đức bị bắt và truy tố vì tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo điều 79 Bộ luật Hình sự.
Võ Thắng