Thursday, March 28, 2024

Chiến sự Ukraine: “Dư âm” của cuộc Chiến tranh lạnh

Hiện nay, vẫn chưa có một dấu hiệu nào cho thấy chiến sự ở Ukraine sẽ đi đến hồi kết. Các cuộc đám phán song phương vẫn không thể giải quyết được vấn đề. Kiev vẫn quyết tâm không đi theo con đường trung lập, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vì thế mà vẫn tiếp diễn. Còn người dân Ukraine thì tiếp tục bị kẹt giữa hai lựa chọn: Ra đi hoặc ở lại.

Chưa có một dấu hiệu nào cho thấy chiến sự ở Ukraine sẽ đi đến hồi kết.

Trong bối cảnh đó, Mỹ và NATO liên tiếp gia tăng các lệnh cấm vận lên Nga, đồng thời viện trợ vũ khí cho Ukraine. Một bức tranh ảm đạm u tối, trực chờ nguy cơ bùng nổ Thế chiến thứ III đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta.

Lối thoát nào cho Ukraine?

Chia sẻ với báo chí hôm 5/3 vừa qua, Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh nói rằng: “Cho dù cuộc chiến có kết cục thế nào đi nữa, thì Nga và Ukraine đều có những tổn hại về phía mình. Nga phải bỏ chi phí rất lớn để thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt, nhận lại là phải chịu các đòn trừng phạt kinh tế của EU, Mỹ và đồng minh. Còn Ukraine thì sẽ tan nát sau cuộc chiến và trước mắt là một tương lai lệ thuộc, mất ổn định, xung đột, thậm chí nội chiến lâu dài.”

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Vậy công thức nào cho vấn đề Ukraine? Theo tướng Vịnh, không khó để nhìn ra đó là: Ngừng bắn ngay lập tức, các đoàn quân về bên kia biên giới; ngưng ngay viện trợ quân sự cho tất cả các bên; các khu vực tranh chấp (Crimea, Donbass…) giữ nguyên trạng. Hai nước sẽ đàm phán trong hòa bình và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế. Ukraine trung lập, “3 không” đối với tất cả các bên.

“Nói cho gọn, tất cả các bên, trước tiên là Nga và Ukraine, rồi đến các quốc gia can dự vào cuộc xung đột này, nhất là Mỹ và EU đều phải ‘quay xe’, lùi lại – đối với tất cả các bên”, tướng Vịnh nhấn mạnh.

Nếu các bên đều chấp nhận lùi lại một bước, chịu lắng nghe nhau, đối thoại với nhau, tất yếu sẽ giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên, cũng như tướng Vịnh đã nói, giải pháp đối thoại thường bị bỏ qua. Và cũng vì thế mà viễn cảnh các nước đều nhượng bộ nhau như trên rất khó xảy ra.

Lý do “không thể nhượng bộ”

Vốn dĩ, cuộc chiến hôm nay không chỉ là giữa Nga và Ukraine, mà nó còn có sự can dự của Mỹ và NATO. Xung khắc giữa hai quốc gia hậu Xô Viết nhanh chóng biến tướng thành một cuộc tranh giành địa chính trị giữa hai khối Đông và Tây. Với Nga, rút lui đồng nghĩa với thất bại. Còn với Mỹ, ngồi xuống đàm phán “ngang hàng” với Điện Kremlin, có nghĩa là bản thân họ sẽ mất đi vị thế “anh cả” toàn cầu, cũng như phải chia sẻ một phần “vị thế độc tôn” đó cho Nga.

Thật ra, Ukraine vốn đã có những cuộc đàm phán trong hòa bình với Nga, và cuộc giao tranh đáng lẽ đã phải kết thúc sớm, chứ không kéo dài đến tận 2 tuần qua. Nhưng, bản chất cuộc chiến là sự giằng xé giữa Đông và Tây, nên Mỹ tuyệt nhiên không thể để Ukraine “tự quyết”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc đàm phán ngày 28/4/2021.

Do đó, vốn nắm giữ vị thế “bá chủ”, Washington thay vì chọn con đường hướng tới hòa bình, thì lại cùng với NATO đang châm thêm dầu vào lửa cho chiến sự ở Ukraine, và không một ai, kể cả các tổ chức hàng đầu thế giới có đủ tiếng nói để ngăn họ lại.

“Châm dầu vào lửa” cho những mâu thuẫn

Thời điểm Điện Kremlin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt. Rất nhiều người đã tưởng rằng Mỹ và NATO – hai thế lực có tiếng nói nhất thế giới – sẽ hành động để chấm dứt xung đột ở Ukraine. Hơn ai hết, chính quyền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là bên mong đợi nhất.

Thế nhưng, thay vì ưu tiên đối thoại với Nga, Mỹ thì lại loay hoay tìm cách bao vây cấm vận, tiếp tục nhiều hành động làm gia tăng sự thù địch giữa hai khối Đông – Tây. Không chỉ thế, NATO cũng không ngừng gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh cấm vận thương mại và đầu tư giữa các cá nhân Mỹ đối với hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine vừa được Nga công nhận độc lập ngày 21/2/2022.

Mỹ và NATO giải quyết xung đột bằng cách “đáp trả” qua lại với Nga. Họ chọn cách “ăn miếng trả miếng” thay vì đối thoại trong hòa bình và tuân thủ luật lệ quốc tế. Và như chúng ta đều biết, trong các cuộc xung đột, việc đáp trả nhau chỉ khiến cho tình hình xấu đi. Tất cả đau khổ đều giáng lên lên đầu hàng triệu người dân Ukraine và cả châu Âu.

Không thể phủ nhận sự thật rành rành trước mắt rằng, các chuỗi hành động của Mỹ và NATO đã khiến cho ngọn lửa ở Ukraine bùng cháy dữ dội hơn.

Đó cũng là lý do vì sao mà bấy lâu nay tại Liên Hiệp Quốc, Việt Nam không muốn các bên can dự vào chuyện nội bộ quốc gia thành viên. Vì điều đó chỉ làm gia tăng sự phân cực và khiến tình hình rơi vào bế tắc, hệ lụy kéo dài rất lâu về sau.

Với danh sách dài “thành tích” gieo rắc bom đạn ở Iraq, Afghanistan, Libya, Syria… Mỹ và NATO vốn không thể đại diện cho hòa bình và luật pháp quốc tế, cho nên họ lại càng không có lý do gì để mà can dự vào xung đột giữa Nga và Ukraine. Mỹ chỉ là một quốc gia, một thành viên của Liên Hiệp Quốc, còn NATO thì bản chất là một liên minh quân sự ở châu Âu.

Libya hoang tàn bởi các cuộc nội chiến dưới nền “dân chủ” kiểu Mỹ.

Cả hai đều không đủ quyền để đại diện cho thế giới đứng ra giải quyết xung đột giữa Nga và Ukraine. Tổ chức đủ tư cách nhất lúc này, phải là Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Song, vai trò lẫn tiếng nói của họ lại trở nên mờ nhạt một cách “lạ thường” trong cuộc xung đột ở châu Âu.

Nguồn cơn xung đột giữ hai khối Đông và Tây

Khi chiến sự nổ ra, có những người đã hướng về Mỹ va NATO để thiết lập lại nền hòa bình cho người dân Ukraine. Thế nhưng, chúng ta có thể mong chờ điều gì ở Mỹ và NATO, khi mà họ nào phải là “sứ giả của hòa bình”. NATO vốn là một liên minh quân sự được dẫn dắt bởi “tay buôn vũ khí” khét tiếng nhất từ thời Thế chiến thứ I đến nay: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Mỹ luôn là “nhà buôn vũ khí” khét tiếng nhất từ thời Thế chiến thứ I đến nay.

NATO, hay còn được gọi là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, là một trong những tổ chức liên minh quân sự lớn hàng đầu thế giới. Tổ chức này được thành lập dựa trên một bản Hiệp ước có tên là Bắc Đại Tây Dương ký kết vào ngày 4/4/1949 giữa Mỹ, Canada và nhiều nước châu Âu. Và thực chất, khối NATO ra đời chính là nhằm ngăn chặn sự phát triển của khối Liên Bang Xô Viết.

Tây Đức gia nhập NATO vào năm 1955, dẫn đến sự hình thành Hiệp ước Warszawa.

Từ khi Đức Quốc xã cúi đầu thảm bại trước Hồng Quân, Mỹ và phương Tây đã thất kinh bạt vía trước sức mạnh của khối liên bang này. Họ lo lắng cho vị thế “anh cả”, thậm chí là sự “tồn vong” của chính mình. Chính điều đó thôi thúc họ thành lập ra khối NATO, xây dựng nó trở nên hùng mạnh để đối trọng với một Liên Bang Liên Xô rộng lớn. Đáp trả, các nước thuộc Liên Xô cũng thành lập ra khối Warszawa (còn gọi là khối Warsaw) để làm đối trọng, mở đầu cho “cuộc chiến Đông – Tây”. Sự kình địch và chạy đua vũ trang của hai khối quân sự chính là cuộc đối đầu chính của Chiến tranh Lạnh trong nửa cuối thế kỷ 20.

Khối Warszawa được thành lập ngày 14/05/1955.

Tuy nhiên, cuộc so tài vốn dĩ đã kết thúc từ lâu. Khi Liên Xô tan rã năm 1991, khối Warszawa cũng tan rã theo, Mỹ và NATO cũng mất đi đối thủ địa chiến lược và Chiến tranh lạnh cũng vì vậy mà nguội dần. Đáng lẽ, theo sứ mệnh bấy giờ của NATO, thì tổ chức này đã không còn lý do để tồn tại. Song, vì một lý do nào đó, Mỹ và các nước phương Tây đã tiếp tục duy trì, phát triển, mở rộng phạm vi hoạt động của khối này với chiến lược “Đông tiến”: Liên tục mở rộng vùng ảnh hưởng của mình sang các nước từng là một phần của khối Liên Bang Xô Viết.

Trong vòng 20 năm, nước Nga đã chứng kiến 14 quốc gia từng nằm trong vùng ảnh hưởng của mình từ nhiều thập kỷ, nay lại lần lượt gia nhập NATO ở các mức độ khác nhau. Trong đó có Ukraine, họ là nỗi mất mát cay đắng nhất của Nga. Không ngoa khi nói, cuộc giao tranh đang diễn ra ở Ukraine hiện nay chính là “dư âm” từ thời chiến tranh lạnh giữa hai khối Đông – Tây.

Nhưng câu hỏi là vì sao NATO phải làm như vậy? Để rồi dẫn đến một cuộc chiến khốc liệt ở Ukraine?

Đơn giản là vì kẻ thắng thì phải “diệt cỏ phải diệt tận gốc”, phải ra tay sớm để giải trừ mối họa về sau. Liên Xô tan rã, nhưng NATO vẫn còn một mối nguy tiềm tàng là Liên bang Nga, bởi dù gì nước Nga vẫn là cái nôi của chủ nghĩa xã hội, rộng lớn và nhiều tài nguyên. Liên Xô tan rã, nhưng không ai chắc chắn được một ngày nào đó Liên Bang Xô Viết sẽ lại vực dậy dưới ngọn cờ mới mang tên Liên bang Nga.

Do đó, “sứ mệnh hậu Xô Viết” của NATO chính là khiến Liên bang Nga cũng phải tan rã theo. Khi đó, Mỹ mới yên tâm mà làm “anh cả” của thế giới. Chính nguyên nhân đó cũng là một phần khiến cho tổ chức quân sự NATO có lý do tồn tại đến ngày nay. Thông qua việc chiêu nạp các thành viên hậu Xô Viết, Mỹ và NATO tin rằng “hiệu ứng domino rời Nga” sẽ khiến cho Liên bang Nga sớm muộn sẽ tan rã.

Tuy nhiên, bước ngoặt Tổng thống Nga Vladimir Putin lên nắm quyền đã phá vỡ hoàn toàn kế hoạch trên. Trong vòng 20 năm, nước Nga từ dưới hố sâu vực thẳm vực dậy trở thành đối thủ địa chiến lược “khó nhằn” của phương Tây. Giờ đây, Liên bang Nga không những đoàn kết mà còn quyết tâm chống lại sự áp đặt của phương tây.

Ngày 31/12/1999, ông Vladimir Putin trở thành Tổng thống Nga và phá vỡ hoàn toàn kế hoạch của Mỹ và NATO.

Chính vì vậy, Mỹ và NATO mới triển khai các kế hoạch đưa vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự, đặc biệt là các hệ thống tên lửa tầm xa đến các nước ở Đông Âu với lý do “chuẩn bị sẵn sàng đối phó với những bất ổn về an ninh ở phía Đông”. Không chỉ thế, khối NATO cũng đồng lòng mở các cuộc diễn tập quân sự lớn tại vùng Baltic dưới danh nghĩa “hợp tác quốc phòng” hằng năm. Nhưng thực chất, NATO đang tạo ra một liên minh quân sự chặt chẽ để gây sức ép với Nga cũng như áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của Nga trên khắp khu vực Liên Xô cũ.

Việc này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến Nga. Nếu Moskva nhân nhượng thì hệ quả tất yếu sẽ bị “kẻ thù lịch sử” đè đầu cưỡi cổ và cuối cùng là tan rã, thậm chí là biến mất trên bản đồ thế giới. Còn về phía Mỹ và phương Tây, nếu không kìm kẹp được Nga, thì họ sẽ lại phải đau đầu đối phó với một thế lực hùng mạnh như thời Xô Viết.

Chúng ta thường nghĩ chế độ vua chúa, nơi mà quyền lực tập trung vào một chỗ đã không còn tồn tại. Người ta cho rằng nó đã biến mất và nhường chỗ cho mô hình “dân chủ” lên ngôi. Nhưng thực tế không hẳn là thế, nó chỉ tồn tại ở một hình thức khác mà thôi. Quyền lực tập trung vẫn tồn tại, nhưng nằm trong tay một số quốc gia giàu có, có thể chi phối cả thế giới và bất tuân theo luật pháp quốc tế mà thậm chí là do chính họ đặt ra.

Tham vọng khao khát quyền lực vẫn không ngừng lớn mạnh trên thế giới này. Từ đó mới có các cuộc giao tranh, tranh giành vị thế ác liệt diễn ra, tạo ra hàng loạt màn “đáp trả” qua lại khiến cho thế giới phân cực đến tận ngày nay. Không ai nhượng bộ ai, và vì thế cuộc giao tranh ở Ukraine, hay nói đúng hơn là cuộc đối đầu giữa Đông – Tây vẫn chưa thấy đâu là hồi kết.

Huy Hoàng

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG