Friday, March 29, 2024

Đồng minh thân cận của Mỹ đứng ngoài việc áp lệnh trừng phạt Nga

Dù là một đồng minh thân cận của Mỹ, New Zealand vẫn chưa có các biện pháp trừng phạt độc lập nhằm vào Điện Kremlin sau khi Nga tấn công Ukraine.

New Zealand – một thành viên của nhóm tình báo “Ngũ Nhãn” (Five Eyes) bao gồm Mỹ, Canada, Australia và Anh – không có luật trừng phạt độc lập.

Thay vào đó, quốc gia Nam Thái Bình Dương này chỉ thực hiện các biện pháp trừng phạt do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc quyết định, nơi Nga có quyền phủ quyết, theo Wall Street Journal.

Cho đến nay, để phản ứng trước việc Moscow tấn công Ukraine, New Zealand đã đình chỉ các cuộc tham vấn với Bộ Ngoại giao Nga và cấm khoảng 80 quan chức Nga đến nước này.

Thúc đẩy thông qua luật trừng phạt

Các chuyên gia chính sách đối ngoại và một số nhà lập pháp cho rằng phản ứng đó là chưa thỏa đáng. Điều đó có nguy cơ dẫn đến nhận thức rằng New Zealand trở thành “cửa sau” cho dòng tiền của Nga, khi chúng không thể đến những nước khác.

Đảng Quốc gia đối lập của New Zealand đang thúc đẩy nước này thông qua luật trừng phạt.

Trong khi đó, Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết chính phủ sẽ xem xét lại cách tiếp cận của New Zealand đối với nhân quyền, và các biện pháp trừng phạt độc lập có thể được coi là một phần của quá trình đánh giá đó.

Bà cho biết việc thông qua luật trừng phạt sẽ thể hiện một sự thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại của New Zealand.

Tuy nhiên, bà Ardern không đưa ra thời gian biểu cho việc xem xét. Đồng thời, bà cho biết sẽ “rất hạn chế” nếu nghĩ rằng luật trừng phạt là cách duy nhất New Zealand có thể đưa ra phản ứng ngoại giao đối với Nga.

Mạng lưới Ngũ Nhãn có Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand. Ảnh: Asia Times.

Trong vài thập kỷ, New Zealand đã đề cao chủ nghĩa đa phương trong chính sách ngoại giao của mình, thay vì tự động coi trọng các ưu tiên của những đồng minh như Mỹ, Anh và Australia.

Bên cạnh đó, New Zealand cũng không nằm trong hiệp ước an ninh AUKUS do Australia, Anh và Mỹ thành lập vào cuối năm ngoái. Liên minh này sẽ cung cấp cho Australia các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Trong một vài trường hợp, New Zealand đã không ký các tuyên bố chung về Trung Quốc của các quốc gia Ngũ Nhãn. Thay vào đó, họ đã đưa ra các tuyên bố của riêng mình, hoặc với nước láng giềng Australia.

Lợi ích của New Zealand

“Việc thiếu một cơ chế trừng phạt độc lập đã thực sự phù hợp với chính phủ (New Zealand – PV), đặc biệt khi họ xoay xở các mối quan hệ với Trung Quốc”, David Capie, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược ở Wellington, cho biết.

Trung Quốc nhập khẩu khoảng 30% hàng hóa của New Zealand. Khi có những lời kêu gọi đặt ra các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức hoặc cá nhân ở Trung Quốc, New Zealand có thể chỉ ra rằng việc thiếu luật trừng phạt độc lập là lý do khiến họ không thể hành động, giáo sư Capie nói.

Geoffrey Miller, nhà phân tích tại một dự án của Đại học Victoria, cho biết việc New Zealand thiếu các biện pháp trừng phạt có thể dẫn đến một rủi ro. Nhiều người có thể nghĩ rằng đây là “thiên đường” cho tài sản của các quan chức Nga bị những quốc gia khác trừng phạt.

Thủ tướng New Zeland cho biết chính phủ sẽ xem xét việc đầu tư mới của Nga vào nước này. Ảnh: AP.

Bà Ardern hôm 28/2 cho biết chính phủ đang xem xét liệu cơ quan quản lý đầu tư ra nước ngoài của New Zealand có thể sử dụng biện pháp kiểm tra hiện có để ngăn chặn đầu tư mới của Nga vào New Zealand. Đây là một bước đi được cho là không liên quan đến việc thay đổi luật.

Nội các đã thảo luận về “cách chúng tôi có thể đảm bảo rằng sẽ không thấy bất kỳ dòng vốn đầu tư nào vào New Zealand, trước hành động họ đã làm với các quốc gia khác”, bà nói.

Bộ Ngoại giao New Zeland từ chối nêu tên 80 người Nga bị cấm đi lại. Thay vào đó, Bộ cho biết danh sách này bao gồm “những người liên quan đến việc ra quyết định chính trị, tài chính, hoạt động quân sự và lan truyền thông tin sai lệch”.

Giáo sư Capie cho biết sẽ không có gì ngạc nhiên nếu New Zealand nỗ lực soạn thảo luật trừng phạt, có thể tương tự luật đã được Australia thông qua vào tháng 12/2021.

“Tôi nghĩ đất nước cần có tất cả công cụ cho phép chúng tôi bảo vệ các giá trị và lợi ích của mình”, giáo sư Capie nói.

Vị giáo sư cho biết New Zealand có thể bị ảnh hưởng bởi những quốc gia khác khi cân nhắc có nên sử dụng các biện pháp trừng phạt. Đất nước này cần đủ tự tin để tìm ra điều gì sẽ thuộc về lợi ích của họ, ông cho biết thêm.

Khai Tâm

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG