Thursday, March 28, 2024

Cây cải đắng quên lòng mình đang đắng, trổ hoa vàng ngập lối để ong bay

Tháng 5-2021, đánh dấu thời khắc lịch sử đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh. Ở đợt dịch này, số ca nhiễm không còn ở con số hàng trăm người mà vượt cột mốc hàng ngàn người. TP.HCM rơi vào tình trạng khủng hoảng, bệnh viện dã chiến lập ra không đủ sức phục vụ, nhiều người dân không có nơi để điều trị, ca mất có ngày hơn 300, nhà hỏa táng quá tải dù hoạt động hết công suất ngày đêm…

Cây cải đắng quên lòng mình đang đắng, trổ hoa vàng ngập lối để ong bay
Đợt dịch thứ 4, đợt dịch lớn nhất, nhiều đau thương nhất kể từ đầu dịch COVID-19

Ai sống trong thời điểm này tại các điểm dịch, nhất là trên địa bàn TP.HCM sẽ không thể nào quên đi hình ảnh toàn dân chống dịch; toàn bộ hệ thống chính quyền, các cơ quan nhà nước sáng đèn thâu đêm, cán bộ chống dịch xuyên suốt không thể về nhà.

Trong trận dịch khủng khiếp này, không đếm xuể hình ảnh của bao nhiêu người vợ, chồng và con tìm đủ mọi cách để đưa người thân yêu đến bệnh viện điều trị, với niềm hy vọng mong manh là sẽ chữa khỏi, nhưng may mắn đã không đáp lời. Họ đưa người đi, rồi đón người thân về nhà trong hình hài tro cốt!

Tình người trong đại dịch, không để các cơ quan chức năng một mình chống dịch, nhiều nhóm từ thiện với trái tim thiện nguyện đã đồng hành, chung tay để các bếp ăn đỏ lửa, chia sẻ bữa no với người dân. Sau đó, có người đã nhiễm bệnh, ra đi vĩnh viễn trong quá trình chia sẻ đó.

Thời khắc vô cùng khó khăn, dịch bùng phát mạnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính sốt ruột phát đi lời hiệu triệu: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì TP.HCM”. Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chi viện lực lượng đặc biệt khẩn cấp cho TP.HCM. Đặc biệt đội ngũ Y, bác sĩ dù đã về hưu và sinh viên ngành Y dù đang còn trên ghế giảng đường cũng tình nguyện đăng ký đến tuyến đầu chống dịch, vì đồng bào thân yêu.

Cây cải đắng quên lòng mình đang đắng, trổ hoa vàng ngập lối để ong bay

Cuộc chiến chống dịch khốc kiệt, biết bao cán bộ chiến sĩ gác lại việc gia đình, ra tuyến đầu phục vụ nhân dân. Không quản khó khăn, không ngại hiểm nguy, nắng cũng như mưa, ngày cũng như đêm, nhiều chiến sĩ túc trực 24/24, bám trụ các chốt kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, khu vực phong tỏa…

Xa nhà mấy tháng trời, nhiều nỗi nhớ phải gác lại, nhiều lời hứa hết dịch con về, hết dịch anh về, hết dịch bố về, nhưng rồi biền biệt… đi không về nữa. Nhiều cán bộ đã hy sinh trong quá trình chống dịch khốc liệt đó, họ phục vụ nhân dân đến hơi thở cuối cùng.

Trong những ngày dịch bệnh khốc liệt, gam màu xám xịt bao trùm khắp đất nước, những đám tang đưa tiễn đồng đội cũng diễn ra chóng vánh. Chỉ là những cái chào tiễn biệt đồng đội ở ven đường khi xe chở hài cốt đi qua. Bố mẹ chào con bằng vành khăn tang trắng chít trên đầu. Đau khổ tột cùng, nhưng tất cả đều nén lại đau thương, để tiếp tục cho cuộc chiến chống dịch còn đang dở dang phía trước.

Trong cuộc chiến này, sẽ không thể nào quên hình ảnh y bác sĩ phục vụ ở tuyến đầu, trong bộ trang phục bảo hộ kín mít, hầm hập nhưng ngày đêm ngần quật với công việc không dám nghỉ ngơi. Bệnh nhân quá đông, bệnh viện quá tải đặt y bác sĩ trong tình huống phải dốc sức cả ngày lẫn đêm. Một ca bệnh nặng, một tiếng máy monitor không hoạt động nữa, hơi thở của bệnh nhân khó đi cũng đủ làm đội ngũ y bác sĩ không dám ngủ. Trong khoảng thời gian đặc biệt này, y bác sĩ vừa điều trị cho bệnh nhân, vừa thay gia đình bệnh nhân thực hiện tất cả các việc. Xem bệnh nhân như người thân, nhiều y bác sĩ chỉ thật sự dám nghỉ ngơi khi đã kiệt sức, khi không còn sức, xỉu trên nền nhà.

Có những đau đớn tột cùng, trong quá trình phục vụ nơi tuyến đầu, nhận tin gia đình có tang, biết bao y bác sĩ đã nén đau thương, lập bàn thờ vọng tiễn biệt người thân ngay tại bệnh viện dã chiến, rồi nhanh chóng gác lại tất cả nỗi đau để thực hiện nhiệm vụ. Nhưng, đó chưa phải là nỗi đau nhất của người y bác sĩ nơi tuyến đầu, đau xé lòng khi không cứu chữa được bệnh nhân và đau đớn tột cùng hơn khi không thể cứu chữa cho chính đồng đội của mình không may nhiễm Covid-19 trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Còn gì khủng khiếp hơn khi chứng kiến đồng đội mình ra đi và phải lấy hết can đảm, làm việc không ai muốn: báo tin về cho gia đình biết, bạn đã hy sinh…

Cây cải đắng quên lòng mình đang đắng, trổ hoa vàng ngập lối để ong bay

Tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của trên 23.337 người, hơn 2.500 nghìn trẻ em rơi vào hoàn cảnh mồ côi, mất đi sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, người thân. Riêng tại TP.HCM có 17.265 người tử vong trong đại dịch Covid-19 và cũng là địa phương có số trẻ mồ côi nhiều nhất 1.584 em.

Nhiều chính sách chia sẻ, tri ân và quan tâm đặc biệt đến người đã mất và trẻ em mồ côi đã được thực thi. Quỹ hỗ trợ nuôi trẻ em mồ côi, học bổng 3 triệu/năm cho em đến trường hết cấp 3 cũng đã và đang được Hội đồng Đội TP.HCM kích hoạt. Tuy nhiên, bao nhiêu cũng sẽ là không đủ, bởi sự mất mát, tang thương của đại dịch là quá lớn, nó sẽ ám ảnh con người ta đến cuối cuộc đời. Vì thế cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, động viên và chăm sóc tinh thần cho người ở lại, cũng là để người mất được an lòng.

19.11.2021, ngày tưởng nhớ các nạn nhân COVID-19.

Nếu chúng ta vẫn còn đến hôm nay sống vui vẻ bên người thân, tiếp tục công việc mình yêu thích và nuôi dưỡng đam mê cho chuỗi ngày sắp đến… là một phước lành. Hãy biết ơn và sống tốt, trọn vẹn với ý nghĩa cuộc đời. Vì rất nhiều, rất nhiều đồng bào đã không may mắn vượt qua đại dịch. Họ nằm xuống trong cô quạnh!

Hải Dương 

Theo: Hội Cờ đỏ

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG