Friday, March 29, 2024

Số ca mắc và tử vong sẽ gia tăng trong thời gian tới

Ông Nguyễn Thanh Long cho hay hàng loạt địa phương đang đối mặt với đợt bùng phát dịch rất phức tạp. Do đó, Bộ Y tế đã có những thay đổi quan trọng để nhanh chóng dập dịch.

Số ca mắc và tử vong sẽ gia tăng trong thời gian tới
Số ca mắc và tử vong sẽ gia tăng trong thời gian tới. Ảnh minh họa

Sáng 16/7, Bộ Y tế, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tại 128 điểm cầu.

Hội nghị do Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì diễn ra trong bối cảnh nước ta có tổng cộng 40.296 ca ghi nhận trong nước và 207 người tử vong.

Biến chủng Delta có tốc độ lây lan gấp 2-3 lần

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Long cho hay trong thời gian qua với chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí Thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, các bộ ngành, chúng ta đã triển khai các biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, thời gian gần đây tại các địa phương đặc biệt TP.HCM, các tỉnh miền Đông, miền Tây đang đối mặt với một đợt dịch bùng phát rất phức tạp. Dự kiến, số lượng bệnh nhân tiếp tục gia tăng trong những ngày tới. Từ đó, nhiều trường hợp sẽ có khả năng tử vong.

Số ca mắc và tử vong sẽ gia tăng trong thời gian tới
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.  

“Chúng tôi nhận định đợt dịch này sẽ kéo dài hơn so với các đợt dịch trước. Trước đây khoảng 1-1,5 tháng kết thúc. Nhưng đợt dịch này tiên liệu kéo dài hơn, gây tác động trên diện rất rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sự phát triển kinh tế – xã hội”, ông Long cho hay.

Thời gian qua, Bộ Y tế chỉ đạo quyết liệt, thành lập 7 bộ phận thường trực và một bộ phận thường trực chính tại TP.HCM, cùng với những địa phương đang có dịch Covid-19 chỉ đạo sát sao với công tác phòng, chống dịch tại địa phương, liên tục rà soát hướng dẫn về mặt chuyên môn, những vấn đề về kỹ thuật, chỉ đạo các địa phương phương án có thể đối phó dịch bệnh lan rộng.

Bộ trưởng cho hay vấn đề đáng lo ngại là biến chủng Delta lây lan rất nhanh. Theo thống kê, tốc độ tấn công tăng gấp 2-3 lần so với chủng cũ. Do tốc độ bám dính với tế bào, khả năng nhân lên nhanh với số lượng lớn dẫn tới phá hủy tế bào, phát tán mầm bệnh ra môi trường chung quanh trong thời gian rất ngắn. Chu kỳ lây nhiễm hiện nay chỉ còn 2 ngày, không còn 5 ngày như trước đây.

Đợt dịch này tiên liệu kéo dài hơn, gây tác động trên diện rất rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sự phát triển kinh tế – xã hội.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

“Vì vậy, những biện pháp đang triển khai dù quyết liệt, cố gắng, thực tế chưa được như mong muốn, cần phải mạnh mẽ hơn nữa. Tình hình dịch tiếp tục gia tăng, kéo dài, diễn biến phức tạp, đặc biệt tại miền Nam”, ông Long nhận định.

Bộ trưởng cũng cho hay hiện nay, một số địa phương thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ. Tuy nhiên, ông thông tin việc thực hiện tại một số nơi còn chưa nghiêm túc, chưa quyết liệt, chần chừ.

“Có địa phương thực hiện Chỉ thị 16 nhưng đi lại vẫn nhộn nhịp, các cửa hàng vẫn mở cửa. Đặc biệt, tâm thế chuẩn bị cho tình huống dịch kéo dài phức tạp vẫn còn lần chần.

Mặc dù Bộ Chính trị, Ban Bí thư đưa ra quan điểm 4 tại chỗ, một số nơi vẫn trông chờ, ngại mua sắm, ngại thực hiện biện pháp trong bối cảnh cấp bách có vật tư, trang thiết bị… Đó là điều rất nguy hiểm. Do đó, hội nghị này nhằm đánh giá rà soát lại tất cả kịch bản đưa ra thời gian qua, chuẩn bị cho tình hình dịch phức tạp hơn”, ông Long nhấn mạnh.

Gộp mẫu test nhanh

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Long nhấn mạnh một số thay đổi trong chống dịch tại Việt Nam.

Thứ nhất, về thời gian cách ly, ông Long cho biết Việt Nam chấp nhận rủi ro ở mức độ thấp để đảm bảo không căng thẳng ở cơ sở cách ly. Bộ Y tế đã trao đổi với cơ quan chuyên môn để đưa ra quyết định này. Bộ cũng thí điểm cách ly F1 theo hướng dẫn, bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định.

Về xét nghiệm, trước đây, ngành y tế chủ yếu dùng rRT-PCR. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta sử dụng test nhanh là chính, giảm thời gian, tối ưu hóa việc xét nghiệm, trả kết quả thật nhanh để đưa F0 ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt. Bởi virus chủng mới phát tán mạnh, chỉ cần một số trường hợp nhiễm bệnh, những người xung quanh cũng có nguy cơ bị nCoV tấn công.

“Để đảm bảo tiết kiệm trong vấn đề sử dụng test nhanh, hôm nay, chúng tôi chính thức thông báo kiến nghị gộp mẫu trong test nhanh”, ông Long cho biết.

Trước đây, ngành y tế chỉ sử dụng test nhanh cho một mẫu. Qua đánh giá tình hình thực tiễn, nhất là tại TP.HCM, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết chúng ta có thể gộp 3 mẫu cho một bộ test nhanh. Điều đó giúp tiết kiệm vật tư y tế và đảm bảo tốc độ xét nghiệm.

Số ca mắc và tử vong sẽ gia tăng trong thời gian tới
Bộ Y tế xác định xét nghiệm là mẫu gộp test nhanh là điểm thay đổi lớn nhất trong chiến lược tầm soát người mắc Covid-19 tại Việt Nam trong thời gian tới.  

“Chúng tôi đã tính toán như vậy vẫn đảm bảo được độ nhạy gần tương đương với việc làm mẫu đơn. Có thể gộp 3-5 mẫu tùy vào điều kiện, khả năng của người lấy mẫu. Đó là việc chúng tôi cho rằng quan trọng”, người đứng đầu Bộ Y tế nhấn mạnh.

Theo ông Long, với phương án này, ngành y tế sẽ quét vùng lõi, lấy mẫu xét nghiệm test nhanh 3-5 ngày/lần. Mẫu dương tính, nghi ngờ được chuyển sang làm rRT-PCR để khẳng định.

“Đây là thay đổi cơ bản trong chiến lược xét nghiệm, với mục tiêu là trả kết quả, tách ca nhiễm ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt. Làm được điều này, chúng ta sẽ giảm được tốc độ lây nhiễm trong cộng đồng”, ông nói.

Số ca mắc và tử vong sẽ gia tăng trong thời gian tới
Hàng nghìn người xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 tại Công ty PouYuen (quận Bình Tân).  

Thay đổi thứ 3 là xét nghiệm trọng tâm, trọng điểm. Bộ Y tế đã hướng dẫn phân loại vùng làm xét nghiệm sàng lọc, vùng xét nghiệm cộng đồng, vùng xét nghiệm các trường hợp có yếu tố nguy cơ… Do đó, Bộ trưởng Long đề nghị các địa phương lắng nghe cơ quan chuyên môn để có những thay đổi trong vấn đề xét nghiệm.

Chúng tôi khuyến cáo những vùng có nguy cơ cao, các đồng chí không nên gộp mẫu nhiều, chỉ gộp 5 thôi, để giảm thời gian làm xét nghiệm.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

“Điều rất quan trọng chúng tôi đã yêu cầu các địa phương là phải chuẩn bị năng lực các phòng xét nghiệm, kiểm tra lại các phòng xét nghiệm.

Quan điểm là 4 tại chỗ, nhưng Bộ Y tế đã thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi sẽ cấp thêm một số máy móc, sinh phẩm để làm sao đảm bảo được trong thời gian trước mắt, nhưng chúng tôi đề nghị các địa phương không chờ đợi, trông chờ vào nguồn hỗ trợ, chúng ta phải phát huy tinh thần 4 tại chỗ”, ông Long nhấn mạnh.

Tập trung điều trị bệnh nhân nặng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, ngành y tế đã thay đổi chiến lược với các khu khác nhau ở 3 tầng.

Tầng 1 dành cho những bệnh nhân không có triệu chứng, chỉ làm các cơ sở đơn giản, có người và trang thiết bị đơn giản, không đòi hỏi phải cao siêu. Đây được gọi là các cơ sở tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 ban đầu.

Tầng 2 là bệnh nhân có triệu chứng, đưa vào các cơ sở y tế.

Tầng 3, chuẩn bị các phòng cấp cứu tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hoặc các bệnh viện dã chiến. Ông Long khuyến cáo các địa phương thiết lập ICU ở các bệnh viện dã chiến, để đảm bảo năng lực, tránh đổ dồn bệnh nhân vào một chỗ gây nguy cơ lây nhiễm chéo. Các cơ quan chuyên môn sẽ hướng dẫn kỹ từng địa phương về vấn đề này.

Người đứng đầu Bộ Y tế lạc quan dự báo: “Số bệnh nhân ở bệnh viện sẽ giảm, vì chúng ta đưa ra phương thức xét nghiệm. Nếu xét nghiệm dương tính thì 24 giờ sau làm lại xét nghiệm. Nếu chỉ số, nồng độ virus xuống thấp, không có khả năng lây nhiễm cho người khác, thì không phải đưa vào bệnh viện. Người có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần có thể cho ra viện, không cần phải ở trong khu cách ly”.

Số ca mắc và tử vong sẽ gia tăng trong thời gian tới
Người dân được tiêm vaccine phòng Covid-19 tại điểm tiêm chủng cộng đồng quận Bình Thạnh. 

“Thay đổi trong điều trị để giảm thời gian, giảm vấn đề nhập viện, giảm thời gian nằm viện để tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, bệnh nhân có nguy cơ diễn biến nặng”, Bộ trưởng Y tế nói.

Về chiến lược tiêm chủng vaccine, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch kỹ lưỡng. Đến nay, Việt Nam đàm phán thành công với Pfizer thêm 20 triệu liều, nâng tổng số vaccine nước ta có được là 170 triệu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khan hiếm vaccine toàn cầu, ông Long cho hay từ nay đến tháng 9, số lượng vẫn chưa đủ để tiêm chủng cho người dân. Do đó, Bộ Y tế ưu tiên những vùng có dịch, nơi tuyến đầu để phát triển kinh tế xã hội.

Hà Quyên – Thiên Nhan

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG