Tuesday, March 19, 2024

Quy định từ tháng 8/2019: Cách chức lãnh đạo bố trí người thân làm kế toán, thủ quỹ

Theo Nghị định 59/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, từ 15/8/2019 sẽ cách chức đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho… mà đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo.

Quy định từ tháng 8/2019: Cách chức lãnh đạo bố trí người thân làm kế toán, thủ quỹ

Thêm nhiều quy định mới có hiệu lực từ tháng 8/2019

Thêm 3 trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh BHYT

Thông tư 09/2019/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành hướng dẫn một số nội dung trong công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo đó từ ngày 1/8/2019, sẽ có thêm 3 trường hợp người có thẻ BHYT được thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh gồm:

Người có thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở (8,94 triệu đồng) (trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến) nhưng chưa được thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 06 tháng lương cơ sở;

Dữ liệu thẻ BHYT không được cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin thẻ BHYT;

Người bệnh không xuất trình được thẻ BHYT trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do cấp cứu, mất ý thức, tử vong hoặc bị mất thẻ nhưng chưa được cấp lại.

Lương hưu của cán bộ xã tăng 7,19%

Thông tư 09/2019/TT-BNV do Bộ Nội vụ ban hành, có hiệu lực ngày 1/8/2019 hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng từ ngày 1/7/2019 đối với cán bộ xã đã nghỉ việc.

Theo đó, tăng mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng thêm 7,19% trên mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6/2019 đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc.

Đồng nghĩa với mức trợ cấp hàng tháng từ 1/7/2019 = mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6/2019 x 1,0719.

Nài ép khách mua hàng bị phạt tới 3 triệu đồng

Theo Nghị định 45/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/8/2019, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, cá nhân có hành vi nài ép khách du lịch mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ sẽ bị phạt từ 1 – 3 triệu đồng:

Cùng nhóm với hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh này, một số hành vi khác cũng có thể bị xử phạt như: Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng nếu thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch, không thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện tai nạn hoặc rủi ro, sự cố xảy ra với khách du lịch; Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng nếu không phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch…

Các mức phạt nêu trên sẽ gấp 2 lần nếu do tổ chức thực hiện.

Tăng trợ cấp, phụ cấp của người có công với cách mạng

Theo Nghị định 58/2019/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2019, mức chuẩn để xác định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1,624 triệu đồng, cao hơn mức hiện tại 109.000 đồng .

Cụ thể mức trợ cấp, phụ cấp của một số đối tượng như sau: Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh: Trợ cấp tối thiểu 1,094 triệu đồng, tối đa 5,207 triệu đồng; Thương binh loại B: Trợ cấp tối thiểu 904.000 đồng, tối đa 4,308 triệu đồng; Thương binh, thương binh loại B suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên có vết thương đặc biệt nặng: Phụ cấp 1,67 triệu đồng; Bệnh binh: Trợ cấp tối thiểu 1,695 triệu đồng, tối đa 2,086 triệu đồng…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/8/2019.

Kỷ luật lãnh đạo bố trí người thân làm kế toán, thủ quỹ

Cùng có hiệu lực từ 15/8/2019, Nghị định 59/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.

Đáng chú ý, Nghị định quy định sẽ kỷ luật cảnh cáo người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lần đầu có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị…

Trường hợp đã bị cảnh cáo mà còn tiếp tục vi phạm, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu sẽ bị cách chức.

Trường hợp án lệ được xem xét thông qua

Từ 15/8/2019, Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ; trong đó quy định cụ thể về thông qua án lệ, công bố án lệ.

Theo đó, án lệ được xem xét thông qua khi thuộc một trong các trường hợp sau: Được phát triển từ bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án và đã được lấy ý kiến theo hướng dẫn tại Nghị quyết này; Được Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đề xuất; Được ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao đề xuất; Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.

Phiên họp Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được quá nửa tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành.

Kết quả biểu quyết phải được ghi vào biên bản phiên họp lựa chọn, thông qua án lệ của Hội đồng Thẩm phán và là căn cứ để Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố án lệ.

Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn pháp luật

Theo Nghị định 55/2019/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 16/8/2019, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật với mức như sau:

Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí, nhưng không quá 3 triệu đồng/năm;

Doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 5 triệu đồng/năm;

Doanh nghiệp vừa được hỗ trợ tối đa 10% chi phí, nhưng không quá 10 triệu đồng/năm.

Hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị được hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật theo quy định tại Chương IV của Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định này.

Ưu đãi đầu tư đối với khu công nghiệp, khu kinh tế

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 43/2019/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý Khu công nghiệp và Khu kinh tế, có hiệu lực từ ngày 26/8/2019.

Theo đó, các khoản chi phí đầu tư xây dựng, vận hành hoặc thuê nhà chung cư và các công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế của doanh nghiệp có dự án đầu tư trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

Đối với giá trị tài sản cố định: Được tính vào giá trị công trình và trích khấu hao tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nếu đáp ứng điều kiện là tài sản cố định theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.

Đối với chi phí (trừ trường hợp nêu trên): Được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thông tư nêu rõ, ưu đãi đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình văn hóa, thể thao, công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế.

Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình văn hóa, thể thao, công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế được hưởng ưu đãi theo quy định pháp luật về xây dựng nhà ở xã hội và pháp luật có liên quan.

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG