Sunday, November 24, 2024

Đằng sau luận điệu xuyên tạc về công tác cán bộ

Ngày 14-6-2024, Bộ Chính trị khóa XIII ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Trong đó, việc chuẩn bị nhân sự là nội dung quan trọng, nhận được sự chú ý lớn từ dư luận. Lợi dụng điều này, các đối tượng xấu đã tung ra nhiều luận điệu sai trái, xuyên tạc công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng các cấp.

Đằng sau luận điệu xuyên tạc về công tác cán bộNHẬN DIỆN CHIÊU TRÒ

Chống phá công tác nhân sự của Đảng là một trong những hoạt động thường xuyên của các thế lực thù địch nhằm làm suy yếu, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Cùng với việc tìm cách cài cắm nhân sự, mua chuộc, móc nối với các đối tượng suy thoái, biến chất trong hệ thống chính trị nhằm gây lũng đoạn, phá rối nội bộ, các thế lực xấu liên tục tung ra những quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn công tác chuẩn bị nhân sự của Đảng.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ta đã xác định công tác nhân sự là vấn đề có ý nghĩa cực kỳ hệ trọng, quyết định vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Thực tiễn cũng chứng minh, nhờ lựa chọn đúng và trúng cán bộ mà Đảng đã lãnh đạo quần chúng nhân dân làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan điểm xuyên suốt và nhất quán được đặt ra là bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Trong bối cảnh toàn Đảng đang tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, các thế lực thù địch, phản động, chống đối, cơ hội chính trị lại gia tăng công kích, tung ra vô số luận điệu xuyên tạc công tác nhân sự. Chúng cho rằng: “Đảng lãnh đạo đối với công tác cán bộ là không chính danh, không khách quan, không dân chủ và không công bằng”, “Đảng đang thao túng quyền lực Nhà nước về phía mình”, “nhân dân Việt Nam chẳng có quyền hành gì trong việc lựa chọn cán bộ”… Từ đó, chúng đòi “xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ trong hệ thống chính trị”, “trả lại quyền lựa chọn cán bộ cho nhân dân” (?!).

Đảng ta là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, là đại biểu trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đồng thời, Hiến pháp quy định rõ Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Do đó, Đảng lãnh đạo đối với công tác nhân sự trong hệ thống chính trị cũng là điều hiển nhiên, hợp pháp, không có gì cần bàn cãi.

Sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ nói chung và việc chuẩn bị nhân sự nói riêng là nguyên tắc then chốt, bảo đảm xây dựng được đội ngũ cán bộ có đủ bản lĩnh, lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng; có năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; có sự nối tiếp bền vững giữa các thế hệ.

Sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nhân sự giữ vai trò quan trọng trong việc giải quyết hợp lý, hài hòa mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu (độ tuổi, giới tính, dân tộc, ngành nghề, lĩnh vực công tác); giữa xây và chống; giữa tính phổ biến và đặc thù; giữa kế thừa, đổi mới và ổn định, phát triển trong công tác cán bộ. Thông qua đó bảo đảm quyền bình đẳng về chính trị giữa các giai tầng, dân tộc, tôn giáo… trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Bởi vậy, việc đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác nhân sự trong hệ thống chính trị là điều vô căn cứ, không thể chấp nhận.

ĐẢNG LÃNH ĐẠO – NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH THẮNG LỢI

Lựa chọn nhân sự là điều không hề đơn giản, cần có sự xem xét, đánh giá, cân nhắc một cách đa chiều, khách quan, dân chủ. Sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện quan trọng để kịp thời phát hiện, đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng cho cán bộ phát triển, đủ sức gánh vác trọng trách lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước. Công tác cán bộ luôn chịu sự quy định của đường lối chính trị và phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác”. Nếu xa rời sự lãnh đạo của Đảng, chắc chắn công tác nhân sự sẽ vấp phải những sai lầm, khuyết điểm không thể vãn hồi.

Trong thời gian qua, công tác cán bộ ở một số bộ, ngành, địa phương tại một số thời điểm đã phát sinh những hạn chế, bất cập, để xảy ra sai phạm gây dư luận xấu. Căn nguyên dẫn đến thực trạng này chủ yếu do nhận thức và ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu đơn vị về công tác cán bộ chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc, toàn diện; việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số chủ trương, đường lối, chính sách của Trung ương về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ còn chưa nghiêm, thiếu tính quyết liệt.

Đảng lãnh đạo để bảo đảm công tác nhân sự được tiến hành khách quan, khoa học, chặt chẽ và phù hợp tình hình thực tiễn. Trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, công tác nhân sự được Đảng thực hiện một cách cẩn trọng, có sự kết nối đồng bộ, thống nhất với các mặt công tác khác trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Những năm qua, để nâng cao hiệu quả công tác cán bộ và đồng thời để tạo nguồn cho nhân sự lãnh đạo các cấp, Đảng đã ban hành nhiều quy định nhằm điều chỉnh các lĩnh vực trong công tác cán bộ. Trong đó có thể kể đến như: Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4-8-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định số 214-QĐ/TW ngày 2-1-2020 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18-8-2022 của Ban Chấp hành Trung ương về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử… Các quy định được Đảng đưa ra góp phần đưa công tác cán bộ được thực hiện một cách bài bản với quy trình cụ thể, rõ ràng. Qua thực tiễn công tác, cán bộ có cơ hội được phát huy năng lực, khẳng định chính mình, từ đó tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo cao hơn trong hệ thống chính trị, bảo đảm sự nối tiếp giữa các thế hệ.

Từ cả phương diện lý luận và thực tiễn đều cho thấy từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng là con đường ngắn nhất dẫn đến sự rối loạn của hệ thống chính trị và sự sụp đổ của chế độ. Bởi vậy, chúng ta cần hết sức cẩn trọng trước các luận điệu tấn công công tác nhân sự, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ do các đối tượng xấu đưa ra.

Anh Tú (Báo Bình Phước)

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG