Không riêng Việt Nam mà các quốc gia khác trên thế giới cũng có những quy định hết sức chặt chẽ liên quan đến thuế. Tuỳ theo tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm thì người phạm tội sẽ phải chịu những chế tài tương ứng. Trên thế giới, những người nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực bị bắt, bị phạt về tội trốn thuế không phải là chuyện hiếm gặp. Bằng một cái gõ chuột đơn giản vào các công cụ tìm kiếm, ta có thể thấy dễ dàng rằng những người nổi tiếng như các danh thủ C.Ronaldo, L.Messi, huấn luyện viên J.Mourinho… đều đã bị điều tra và xử phạt hàng triệu đô la vì tội Trốn thuế. Điều đó cho thấy rằng, bất kể ở quốc gia nào, nếu trốn thuế, phạm pháp thì phải chịu các biện pháp xử lý tương ứng. Không có chuyện cá nhân nổi tiếng là được miễn tội trốn thuế khi vi phạm pháp luật ở nước sở tại.
Trốn thuế là hành vi khai báo gian dối trong sản xuất, kinh doanh để không phải đóng thuế hoặc đóng mức thuế thấp hơn nhiều so với mức phải đóng. Tội trốn thuế đã được sửa đổi về số tiền trốn thuế trong Bộ luật Hình sự với hình phạt cao nhất là 7 năm tù và phạt tiền có thể lên tới 4,5 tỷ đồng. Việc khởi tố, xét xử với bản án Đặng Đình Bách về tội danh trốn thuế là việc làm hoàn toàn bình thường của cơ quan chức năng để đảm bảo an ninh trật tự xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng, giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Quá trình điều tra, xét xử được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Phiên tòa được diễn ra công khai, bị cáo được bảo đảm đầy đủ các quyền theo quy định của pháp luật.
Trước khi bị khởi tố, tuyên án tù, Đặng Đình Bách là Giám đốc Trung tâm LPSD từ năm 2013. Trung tâm này là một tổ chức khoa học công nghệ do cá nhân thành lập, có trụ sở tại Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Lĩnh vực hoạt động của LPSD bao gồm nghiên cứu khoa học và triển khai các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực pháp luật và chính sách phát triển bền vững. Bách cũng được biết đến là “nhà hoạt động môi trường” khá nổi tiếng trên mạng xã hội với những phát ngôn táo bạo, trái chiều. Lẽ ra, với sự nổi tiếng của bản thân, Bách càng phải có việc làm đúng quy định pháp luật để nêu gương. Thế nhưng Đặng Đình Bách lại có hành vi trốn thuế và việc bị kết án về tội danh này là căn cứ vào hồ sơ, tài liệu và quá trình xét xử tại tòa.
Các thế lực thù địch, thiếu thiện chí cố liên hệ sự việc của Đặng Đình Bách với những trường hợp như Ngụy Thị Khanh và Mai Phan Lợi với cùng tội danh trên để vu cáo chính quyền Việt Nam “đàn áp những lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự”.
Thực tế, cũng như bà Ngụy Thị Khanh, trường hợp ông Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương đều được điều tra, truy tố và xét xử theo đúng quy định pháp luật, với các tài liệu, chứng cứ kết tội rõ ràng, khách quan. Do vậy, không thể biện minh, cổ súy cho hành vi sai trái ấy bằng những luận điệu lố bịch, lời lẽ vô lý, xảo trá, càng không thể đưa ra bất kỳ yêu cầu nào để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam như cái cách mà các thế lực thù địch, phản động, số tổ chức, cá nhân chống đối đang làm.
Việt Nam luôn cam kết nghiêm túc và mạnh mẽ trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững. Việt Nam đang tiến hành nhiều biện pháp tổng thể và toàn diện trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh và tuần hoàn. Điều này đã được nêu rõ trong nhiều văn bản pháp luật, chủ trương và chính sách của Việt Nam.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP 26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; giảm 30% lượng phát thải khí methane gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030; tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang điện sạch và Tuyên bố các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất.
Đảng, Nhà nước tiến hành thường xuyên và rộng rãi việc tham vấn, lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các tổ chức phi Chính phủ và các đối tác quốc tế trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu. Những tổ chức hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển xanh ở Việt Nam đã tham gia và có những đóng góp tích cực đều được ghi nhận. Đồng thời, chúng ta cũng xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng danh nghĩa xã hội dân sự, bảo vệ môi trường để gây mất trật tự xã hội, vi phạm luật pháp.
Theo Võ Khánh Linh Blog