Trong các bài viết của Việt Tân, việc nói xấu chủ trương đường lối của Đảng, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước là một trong những chiêu “bổn cũ soạn lại” mà các nhà “dân chủ rởm” sử dụng để kích động, xuyên tạc những luận điệu sai lệch sự thật, với âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước. Chúng lợi dụng sự phát triển của truyền thông, tận dụng sự phát triển của các trang mạng xã hội để chia sẻ, lan truyền thông tin sai lệch “thêm mắm, thêm muối” với động cơ xấu. Đặc biệt, bất cứ khi nào đất nước có vụ việc, đấu tranh với những hành vi sai trái, sách lược này của chúng xem ra lại được sử dụng thường xuyên hơn.
Chúng ta cũng phải thừa nhận, đây là một chiêu trò không mới nhưng đôi lúc nó cũng có những hiệu quả nhất định đối với một số bộ phận nhân dân. Bởi lẽ, chúng đánh vào tâm lý tò mò, muốn tìm hiểu, chúng vẽ lên những câu chuyện “thâm cung, bí sử, ly kỳ” nghe có vẻ sặc mùi “bí hiểm” hòng dắt mũi người nghe, những người nhẹ dạ, cả tin, chưa biết chắt lọc thông tin.
Như trong thời gian gần đây, Việt Tân tiếp tục xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và một số địa phương cả đang công tác và đã nghỉ công tác lâu năm. Thủ đoạn của chúng là tạo hàng loạt bài viết, hình ảnh, clip xuyên tạc để đăng tải trên trang Facebook hay các trang mạng khác. Tần suất các bài viết được chia sẻ, được tải lên hàng giờ, hàng ngày, mọi lúc, mọi nơi. Chính điều này đã khiến cho các công cụ tìm kiếm thông tin luôn hiển thị các bài viết đó ở vị trí đầu tiên khi được tìm kiếm. Với phương thức “nói dài, nói dai”, “mưa dầm thấm đất”, một sự kiện nói đi nói lại nhiều lần với cùng một nội dung, chúng khiến cho người đọc từ bàng quan đến nghi ngại, và từ nghi ngại đến suy giảm niềm tin rồi bỗng nhiên một ngày nào đó biến sai thành đúng. Đây là thủ đoạn hết sức nguy hiểm của chúng, bởi hệ thống máy chủ đặt ở nước ngoài, việc kiểm soát nội dung là rất khó khăn.
Điều vô cùng nực cười nữa là khi các đối tượng “dân chủ rởm” xuyên tạc sai sự thật, bị xử lý về hành vi tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, những kẻ cơ hội khác lại kích động, lại lấy chiêu bài dân chủ, nhân quyền “để đấu tranh”. Chúng đòi hỏi phải thực hiện nghiêm pháp luật trong khi chính chúng và các các đối tượng trên lại là những người vi phạm pháp luật. Được sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch, tổ chức phản động ở nước ngoài, chúng xuyên tạc chủ trương đường lối, gọi là “đàn áp nhân quyền, thiếu tự do dân chủ”, kích động chống phá, gây phức tạp tình hình an ninh. Như vụ xả súng ở trụ sở ủy ban 2 xã Ea Tiêu, Ea Ktur, tỉnh Đăk Lăk làm 9 người chết, 2 người bị thương trong đó có cả dân thường. Sau khi bị cơ quan chức năng bắt giữ, nghi phạm tham gia tấn công khai được ông chủ hứa hẹn sẽ có cuộc sống giàu sang, được dặn “cứ thấy người là giết, là xả súng”, nghe thật man rợ, coi mạng người như cỏ rác. Ấy vậy mà ngày 16 tháng 6 Việt Tân lại rêu rao bằng bài viết “Côn đồ, phản ứng thù hằn và lộng hành” với luận điệu đưa ra nhằm bảo vệ bọn giết người, khủng bố là “Đồng bào Thượng”, thật đáng nực cười thay. Chúng ta có thể thấy rằng các tổ chức phản động luôn vẽ ra những viễn cảnh về tự do, dân chủ, nhân quyền nhưng chúng không hiểu rằng ở bất cứ nơi đâu, kể cả “miền đất hứa” của chúng, những hành vi tương tự cũng là vi phạm pháp luật nghiêm trọng và bị xử lý nghiêm minh.
Trong cuộc sống của mỗi con người không có ai là hoàn hảo. Dù có là vĩ nhân, lãnh đạo, họ cũng có những khoảng trời, cuộc sống thường nhật riêng. Khi nhìn nhận chúng ta phải xem họ đã làm được gì cho đất nước, cho xã hội, xét vào những việc công. Và chúng ta có thể thấy những thế hệ lãnh đạo đất nước ta vẫn đang kiên trì, tiếp nối nhau trong thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước hòa bình, giàu mạnh, phồn vinh, tập trung chăm lo phát triển đời sống cho nhân dân. Dĩ nhiên, trước một chủ trương, chính sách, một vấn đề, mỗi người đều có quan điểm khác biệt,cách nhìn nhận riêng. Tuy nhiên, không thể vì mưu cầu lợi ích của cá nhân mà có hành vi xúc phạm, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước hay bất cứ một người dân bình thường, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Xã hội hiện nay là xã hội mở, công nghệ thông tin rất phát triển, ai cũng có quyền được tiếp nhận thông tin, quyền thể hiện, chia sẻ những quan điểm, chính kiến của bản thân trước các vấn đề, sự kiện cả về kinh tế, chính trị, xã hội… Vậy làm thế nào để chắt lọc thông tinđể không bị lung lay, tiêm nhiễm trước những điều vu cáo, bịa đặt trên mạng xã hội? Giữa mớ hỗn độn thông tin, mỗi người cần tỉnh táo để không bị lôi kéo, biến mình thành con rối của kẻ xấu, tiếp tay cho những mưu đồ thấp hèn. Điều này vừa gây nguy hại đến an ninh quốc gia, vừa vi phạm pháp luật, trái với đạo lý, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Hãy là một người dùng mạng xã hội thông thái!
VŨ. TÙNG
Nguồn: Đấu trường Dân chủ
Nguồn: