Những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân VN luôn nỗ lực để nhân quyền được bảo đảm, ngày càng phát triển. Những thành tựu trong công cuộc bảo vệ và phát triển quyền con người mà VN đã đạt được là hết sức rõ ràng, được thế giới đánh giá cao. Kết quả ấy là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bản chất ưu việt, tiến bộ của chế độ xã hội chủ nghĩa với truyền thống nhân đạo, nhân văn của dân tộc VN, giữa chính sách nhất quán của Nhà nước VN luôn đặt con người là trọng tâm trong sự phát triển đất nước, với việc thực hiện nghiêm túc các chuẩn mực và nghĩa vụ được quy định trong các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người mà VN đã tham gia.
Đảng, Nhà nước và nhân dân VN có quyền tự hào về những kết quả đã đạt được trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở VN, xứng đáng với sự đánh giá cao của đông đảo dư luận quốc tế. Thế nhưng, với những mục tiêu và ý đồ chính trị riêng một số thế lực thù địch đã và đang tìm mọi cách xuyên tạc và vu cáo VN về các vấn đề nhân quyền, dân chủ, tôn giáo, dân tộc. Họ thường vu cáo VN vi phạm các quyền dân sự, chính trị và các quyền tự do cá nhân, trong đó có việc hạn chế và đàn áp quyền tự do ngôn luận, tự do chính kiến; chỉ trích VN bắt giam và xét xử không theo chuẩn mực quốc tế những người mà họ gọi là “nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền”; xuyên tạc chính sách đoàn kết và bình đẳng giữa các tôn giáo, dân tộc của Nhà nước VN; ra sức chỉ trích vai trò lãnh đạo của ĐCSVN, đòi xoá bỏ Điều 4 của Hiến pháp năm 2013 quy định về vị trí và vai trò của ĐCSVN trong hệ thống chính trị của đất nước.
Cùng với đó là các tổ chức cực đoan, hoạt động khủng bố như “Việt Tân”; “Quỹ Người Thượng”; “Tin lành Đề ga”… được che chở, hà hơi, tiếp sức của một số tổ chức phi chính phủ ra sức hoạt động ly khai. Vì mục đích đó chúng thường xuyên rêu rao vu cáo VN “đàn áp, bắt giam và cưỡng bức người dân tộc ít người bỏ đạo Tin lành ở Tây Nguyên”, tìm mọi cách gây chia rẽ, phá hoại đoàn kết dân tộc, kích động bạo loạn… mà các vụ biểu tình, bạo loạn tại Tây Nguyên năm 2001 và 2004, sự kiện Mường Nhé (Điện Biên) năm 2011 là những biểu hiện cụ thể.
Cay cú trước thất bại của Mỹ – ngụy tại miền Nam Việt Nam năm 1975, một số phần tử phản động chạy ra nước ngoài đứng ra tập hợp, thành lập các tổ chức ra sức chống phá, bôi nhọ hình ảnh của chính nước mình. Núp dưới chiêu bài “dân chủ, nhân quyền” một số lực lượng nước ngoài đã ủng hộ các tổ chức trên nhằm gia tăng các hoạt động chống phá. Họ tìm mọi cách che chở cho một nhúm người đội lốt “đấu tranh cho tự do, nhân quyền” để phục vụ cho tham vọng cá nhân và lợi ích của nước ngoài. Trong nhiều trường hợp họ đánh lộn sòng biến những kẻ vi phạm pháp luật, thành các “chiến sĩ bảo vệ tự do, dân chủ, nhân quyền”. Những luận điệu, mô hình của những kẻ mệnh danh là “chiến sĩ đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền” muốn áp đặt ở VN chẳng qua cũng chỉ là những bản sao tồi mô hình xa lạ của những nước có hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, kinh tế hoàn toàn khác.
Nếu thực sự “yêu nước” thì họ đã chẳng núp bóng ngoại bang để gây khó dễ cho đất nước. Tương tự, việc chăm lo tới quyền “tự do tôn giáo” của những kẻ đội lốt tôn giáo đi làm chính trị thực chất là phục vụ cho bên ngoài chứ đâu có chăm lo tới đời sống của giáo dân và các tín đồ.
Sự thật bảo vệ và phát triển quyền con người ở VN là hết sức rõ ràng. Tất cả những gì mà Đảng, Nhà nước và nhân dân VN đạt được đã bác bỏ hoàn toàn các luận điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động. Tình hình hiện nay đã khác trước. Nước VN đã trở thành một quốc gia thống nhất, có chủ quyền, một chủ thể bình đẳng trong cộng đồng quốc tế, muốn là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước. Cơ sở cho mối quan hệ ổn định giữa các quốc gia chỉ có thể là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, thông qua đối thoại để giải quyết mọi bất đồng, khác biệt. Mọi hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác đều là trái với nguyên tắc quốc tế.
Theo tinh thần đó, VN hoan nghênh cam kết của các nước tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của VN thể hiện tại các văn kiện ký kết giữa VN với các nước và Tuyên bố chung giữa CHXHCN Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, trong đó nêu rõ nguyên tắc quan hệ đối tác là “bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi”. Chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ “đối với an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của VN ”, “tiếp tục đối thoại thẳng thắn và cởi mở về những vấn đề cùng quan tâm, kể cả việc thực hiện các quyền con người, điều kiện cho các tín đồ và dân tộc thiểu số”. Việc thực hiện nghiêm chỉnh những cam kết trên đây sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hẹp bất đồng, thúc đẩy việc hợp tác cùng có lợi, đặc biệt là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người./.
QUỐC AN
Nguồn: Tre làng
Nguồn: