Saturday, November 23, 2024

Họ đến Mỹ trong tư thế và tâm thế gì?

BPO – Thời gian gần đây, khi các nguyên thủ quốc gia của Việt Nam thực hiện các chuyến công du sang Mỹ hoặc tham dự các sự kiện bên ngoài nước Mỹ nhưng có liên quan đến hợp tác kinh tế – thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ thì các thế lực phản động, thù địch lại “giãy nảy” lên như đỉa phải vôi. Các trang mạng chống cộng và một số tổ chức phản động lưu vong ở hải ngoại đăng trên diễn đàn của họ những bài viết và bình luận cho rằng, thế hệ cha anh của Việt Nam luôn tỏ ra tự hào vì đã đánh Mỹ và thắng Mỹ, nhưng bây giờ thế hệ con cháu lại đua nhau sang Mỹ du học và làm ăn, sinh sống (!?).

Họ đến Mỹ trong tư thế và tâm thế gì?

Trên trang Việt Tân đăng dòng trạng thái của Nguyễn Duy Tài nào đó với nội dung: “Đời cha đánh đuổi Mỹ, đời con du học Mỹ, đời cháu lấy quốc tịch Mỹ. Nhưng mồm thì vẫn luôn Các Mác với Lê Nin”. Vẫn biết lâu nay, các thành viên của tổ chức khủng bố Việt Tân cũng như diễn đàn của họ luôn tỏ thái độ hậm hực trước những tiến bộ cũng như vị thế của Việt Nam trước cộng đồng thế giới, nhưng hậm hực đến mức thốt ra câu nói nêu trên đủ thấy sự thành kiến, duy lý và cố chấp đến nực cười của họ. Người xưa có câu “Thương hải tang điền”, ý nói về sự biến đổi trong cuộc đời cũng như biến thiên trong vũ trụ. Mọi mối quan hệ chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian hữu hạn. Chính vì lẽ đó, các mối quan hệ đối nghịch cũng sẽ thay đổi theo thời gian. Hơn nữa, từ khi thực hiện đổi mới, trên nền tảng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối ngoại giao của Việt Nam luôn nhất quán tinh thần “Làm bạn với các nước, không gây thù oán với ai”. Vậy thì sự đổi thay về một mối quan hệ quốc tế, trên tinh thần lợi ích quốc gia, dân tộc có gì mà phải “mổ xẻ”!

Hoa Kỳ là Hợp chủng quốc, nghĩa là đại đa số công dân của họ có gốc gác từ nhiều quốc gia trên thế giới. Người ta đến với Hoa Kỳ, mang theo cả tinh hoa của dân tộc họ để gộp thành một quốc gia đa văn hóa, đa sắc tộc chứ không riêng của người Mỹ. Trong mối quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ với Việt Nam từng có một quá khứ đau thương, nhưng những nhà lãnh đạo cao nhất của cả 2 quốc gia từ nhiều thập niên qua đã nỗ lực với tinh thần khép lại quá khứ, hướng đến tương lai. Từ năm 2016, khi còn đương nhiệm, Tổng thống Mỹ Barack Obama sang thăm Việt Nam đã phát biểu trước đông người dân Việt rằng: “Rất nhiều bạn sinh ra và lớn lên cả đời chỉ biết một điều – đó là hòa bình và mối quan hệ đã được bình thường hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Do vậy, khi đến đây, tôi đã ý thức về quá khứ, ý thức về một lịch sử đầy khó khăn của chúng ta nhưng cũng hướng tới tương lai – sự thịnh vượng, an ninh và nhân phẩm mà chúng ta cùng nhau thúc đẩy”. Thực tế là sau gần 5 thập kỷ kể từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã có những đổi thay đáng kể. Sự đối đầu đã được thay thế bằng đối thoại, bằng những cái bắt tay để bước qua chặng đường lịch sử đầy biến động. Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã phát triển thành quan hệ đối tác toàn diện và chính Hoa Kỳ chứ không phải Việt Nam đã đề xuất nâng tầm lên thành quan hệ đối tác chiến lược.

Về hợp tác phát triển kinh tế – thương mại, kể từ khi chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng khoảng 250 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên hơn 111 tỷ USD năm 2021. Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ. Đặc biệt, Mỹ đã trao cho Việt Nam quy chế thương mại tối huệ quốc có điều kiện – một tiêu chuẩn quan trọng để gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, 2 nước đã thiết lập một diễn đàn để thảo luận các cam kết trong WTO về tự do hóa thương mại và đầu tư bổ sung của Việt Nam.

Việt Nam chào đón người Mỹ cũng như công dân các nước trên thế giới đến với đất nước tươi đẹp và yêu chuộng hòa bình này trên cơ sở hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, vì sự phát triển của mỗi quốc gia và vì hòa bình của nhân loại. Do vị trí địa lý và nguồn lao động dồi dào, các hiệp định thương mại và kết nối khu vực, Việt Nam đã trở thành một trong những lựa chọn được ưa thích nhất đối với các nhà sản xuất của Mỹ. Các công ty lớn của Mỹ như: Apple, Intel, Qualcomm, Universal Alloy Corporation (UAC), Nike và Key Tronic EMS… đã đưa dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Đáng chú ý, thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã lập kỷ lục mới vào năm 2021, đạt hơn 111 tỷ USD, tăng gần 21 tỷ USD so với 1 năm trước. Con số này đã đưa Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai có kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 100 tỷ USD với Việt Nam.

Về du lịch, trước khi dịch Covid-19 xảy ra, lượng khách Mỹ đến Việt Nam luôn trong nhóm 5 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam. Năm 2019 (trước thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19), số lượng khách Mỹ sang Việt Nam tăng 8,6% và số lượng khách Việt Nam sang Mỹ tăng 8,4% so với năm 2018. Việt Nam và Mỹ đã thiết lập đường bay thẳng từ tháng 11-2021, kết nối các thành phố lớn, trọng điểm của du lịch 2 nước là TP. Hồ Chí Minh và San Francisco.

Với tất cả thông tin nêu trên thì việc con em Việt Nam đến Hoa Kỳ học tập, sinh sống là điều hết sức bình thường, cũng giống như nhiều người Mỹ đã đến Việt Nam để trải nghiệm và tìm cơ hội làm ăn. Điều đáng nói ở đây là, việc nhiều người Việt đến Mỹ học tập, làm ăn, sinh sống hiện nay trong tư thế ngẩng cao đầu của những công dân đến từ một đất nước độc lập, tự do và yêu chuộng hòa bình. Tư thế và tâm thế ấy không thể nào so với tư thế của những kẻ tìm đến nước Mỹ trên những con thuyền lênh đênh vượt biển hay trong các trại tị nạn nhếch nhác từ nhiều năm trước!

Thảo Linh

Nguồn: Tre làng

Nguồn:

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG